Nếu làn sóng hủy dịch vụ SMS Banking diễn ra, ai sẽ thiệt?

Phí dịch vụ nhận tin nhắn biến động số dư ngân hàng qua điện thoại (SMS Banking) hiện đang quá cao khiến cho nhiều khách hàng cân nhắc hủy đăng ký và chuyển sang nhận thông báo trong ứng dụng. Nếu làn sóng khách hàng hủy đăng ký dịch vụ lên cao thì nhà mạng viễn thông cung cấp nền tảng nhắn tin này sẽ là bên thất thu nhất.

Việc thay đổi phương thức tính phí dịch vụ SMS Banking từ cố định hàng tháng sang tính theo số lượng tin nhắn đã khiến cho chi phí của khách hàng đội lên gấp nhiều lần trong thời gian qua. Cụ thể, thay vì mức phí thông thường là 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) như trước đây, nhiều người dùng cho biết mức phí SMS Banking phải trả cho một số ngân hàng trong tháng 1 vừa qua lên tới 55.000 đồng hoặc 77.000 đồng. Đây là lý do khiến nhiều khách hàng cân nhắc hủy dịch vụ này để nhận tin nhắn qua ứng dụng.

Ngân hàng điều chỉnh vì nhà mạng thu quá cao

Ngân hàng đã phát đi thông báo điều chỉnh phí dịch vụ tin nhắn biến động số dư từ cuối năm 2021, nhưng đến kỳ thanh toán phí dịch vụ tháng 1-2022 vừa qua, nhiều khách hàng có tài khoản thanh toán tại Vietcombank và BIDV mới biết tới chính sách thu phí mới này.

Trong đó, thay vì thu phí dịch vụ SMS Banking theo mức cố định 5.000-10.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT) như trước, các nhà băng này đều điều chỉnh thu phí theo số lượng tin nhắn khách hàng nhận mỗi tháng.

Nhà mạng sẽ thiệt nếu làn sóng khách hàng hủy dịch vụ SMS Banking lên cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, Vietcombank thay đổi từ mức cố định 10.000 đồng/tháng thành 10.000 đồng nếu nhận dưới 20 tin nhắn; từ 20 đến dưới 50 tin nhắn tính phí 25.000 đồng; từ 50 đến dưới 100 tin nhắn tính 50.000 đồng và từ 100 tin nhắn trở lên tính 70.000 đồng.

Tương tự, BIDV thay đổi biểu phí từ mức cố định 9.000 đồng/tháng thành 9.000 đồng với 0-15 tin nhắn; 30.000 đồng với 16-50 tin nhắn; 55.000 đồng với 51-100 tin nhắn và 70.000 đồng với 101 tin nhắn trở lên.

Tạm tính theo biểu phí trên, các ngân hàng dự thu khoảng 875 đồng/tin nhắn gửi về cho khách hàng. Thực tế, mức thu này đã tăng mạnh so với biểu phí trước đó, nhưng chỉ tương đương với số tiền ngân hàng phải trả cho các nhà mạng khi thực hiện gửi tin nhắn Brandname.

Trước khi thông báo điều chỉnh cách tính phí dịch vụ nói trên, các ngân hàng đã nhiều lần cho biết đang phải bù lỗ cho dịch vụ này. Việc tăng phí là để khuyến khích khách hàng thay thế SMS Banking bằng tính năng OTT Alert (nhận biến động số dư miễn phí trên ứng dụng ngân hàng).

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, các ngân hàng thương mại đầu tư rất lớn vào công nghệ, các ứng dụng để khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến. Đồng thời đây cũng là kênh thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tuy vậy, ngân hàng không bù nổi chi phí từ phí SMS Banking quá cao của nhà mạng, trung bình khoảng 600-700 đồng/tin nhắn.

Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, giá cước các nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng hiện cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.

Cụ thể, MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng một tin nhắn giao dịch tài chính; 500 đồng một tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng. Tương tự, Viettel thu 500 đồng/tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn), và từ năm 2019, nhà mạng này đã nâng giá cước lên 785 đồng đối với một tin nhắn giao dịch tài chính.

Trong khi đó, với khách hàng cá nhân, Viettel hiện thu 100-300 đồng/tin nhắn, Vinaphone thu 99-350 đồng/tin nhắn, Mobifone thu 200-350 đồng/tin nhắn.

Ước tính với mức phí mới này, một ngân hàng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15-20 triệu tin nhắn, trong khi ngân hàng tầm trung trở lên là 50-80 triệu tin nhắn mỗi tháng. Tạm tính theo giá kể trên, một ngân hàng quy mô nhỏ sẽ phải trả cho doanh nghiệp viễn thông 7,5-9 tỉ đồng/tháng, trong khi số phải trả của ngân hàng tầm trung trở lên là 25-40 tỉ đồng.

Trong cơ cấu thu từ khách hàng, phí SMS Banking (trước điều chỉnh) ở mức thấp 5.000-10.000 đồng (chưa bao gồm VAT) và chỉ thu 1 lần mỗi tháng. Thậm chí, nhiều ngân hàng đang áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng. Theo đó, một ngân hàng miễn phí cho khách đang phải chi trả và chịu lỗ phí tin nhắn bình quân 1.640 đồng/giao dịch thanh toán. Nếu nhân với lượng khách hàng giao dịch bình quân 20 lần một tháng thì con số chịu lỗ này là rất lớn.

Khách hàng nhận tin nhắn qua ứng dụng, nhà mạng thiệt

Cuối năm 2021, khi đưa ra thông báo miễn phí giao dịch kênh ngân hàng số và điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking, lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh cho biết mục đích của thay đổi này là để khuyến khích khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Trong đó khách hàng sẽ được dịch vụ thông báo biến động số dư đã được tích hợp cung cấp miễn phí trên ứng dụng banking (OTT).

Việc thay đổi cách tính phí của ngân hàng có thể sẽ kích hoạt làn sóng hủy dịch vụ SMS Banking của khách hàng và chuyển hướng sang nhận tin nhắn trên ứng dụng. Trên các diễn đàn ngân hàng người tiêu dùng đã chia sẻ cùng nhau cách hủy dịch vụ SMS Banking và bật thông báo biến động số dư qua ứng dụng của ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng các nhà mạng sẽ thiệt nếu khách hàng của các tổ chức tín dụng không sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS Banking nữa.

Với cước phí cao gấp 3 lần so với phí tin nhắn thông thường nhưng các nhà mạng lâu nay không giảm phí tin nhắn SMS Banking khiến ngân hàng và người tiêu dùng bị thiệt thòi. Cho nên hiện nay cả khách hàng lẫn ngân hàng đang hướng đến lựa chọn phương thức nhận tin nhắn qua ứng dụng của các tổ chức tín dụng là điều dễ hiểu.

“Các tổ chức tín dụng với lượng khách hàng lên đến vài chục triệu người cũng có thể nói là lượng khách hàng lớn của các nhà mạng. Nếu không vì quyền lợi của người sử dụng mà giảm mức phí tin nhắn SMS thì chắc chắn các nhà mạng sẽ bị thiệt đầu tiên bởi ngân hàng chỉ là bên thu hộ”, ông Hùng nhận định.

Nhiều năm gần đây, các ngân hàng cũng đã phản ánh về tình trạng bị nhà mạng thu phí tin nhắn quá cao khiến ngành ngân hàng phải bù lỗ hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Dù Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông đã có yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động giải quyết đề xuất giảm giá cước tin nhắn đối với dịch vụ tài chính ngân hàng, nhưng đến nay vẫn chưa nhà mạng nào chịu điều chỉnh mức phí này.

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, với số lượng tổ chức tín dụng, bao gồm cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động lên tới cả trăm đơn vị, chi phí viễn thông cả hệ thống ngân hàng phải trả cho các nhà mạng lên tới vài ngàn tỉ đồng/tháng. Nếu làn sóng hủy SMS Banking xảy ra thì đây là khoản thu lớn mà các nhà mạng sẽ mất đi.

Theo các ngân hàng, việc thông báo số dư qua ứng dụng hay những hình thức thanh toán điện tử khác vẫn bảo đảm được sự an toàn, thông suốt, không ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Với tin nhắn SMS Banking là cần thiết nhưng phải bảo đảm mức phí tương xứng. Trong đó, nhà mạng cần có trách nhiệm trong việc gia tăng bảo mật, ngăn ngừa và phối hợp với các ngân hàng vá lỗ hổng dịch vụ tin nhắn này. Điều này nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tài chính tiền tệ, tránh tình trạng các tin nhắn giả mạo thương hiệu ngân hàng để lừa đảo như thời gian qua.

V.Dũng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/neu-lan-song-huy-dich-vu-sms-banking-dien-ra-ai-se-thiet/