Nếu không tháo nút về y tế, kinh tế Việt Nam sẽ có tình trạng 'lờ vờ'

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính nhấn mạnh: Để nền kinh tế không nghẽn thì phải tháo nút là quy định của ngành y tế. Nếu không tháo được nút này tình trạng sẽ lờ vờ.

Nếu không tháo được nút về y tế, kinh tế Việt Nam sẽ có tình trạng lờ vờ

Đầu tháng 3, Bộ Y tế đã có đề xuất cho F0, F1 đi làm, ngay cả trong thời gian cách ly. Trong đó, riêng với các trường hợp F1 có mong muốn làm việc trực tiếp, Bộ Y tế đề xuất cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Cho tới thời điểm hiện tại, các địa phương đang có phản ứng trái chiều với đề xuất của Bộ Y tế.

Cho tới thời điểm hiện tại, các địa phương đang có phản ứng trái chiều với đề xuất của Bộ Y tế. Đa phần các địa phương đều dè dặt khi cho phép F1 làm việc trở lại.

Ở chiều ngược lại, Long An và Cà Mau là hai tỉnh đầu tiên hưởng ứng đề xuất của Bộ Y tế cho phép F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Thậm chí, ngày 17/3 vừa qua, UBND Cà Mau ban hành quyết định chính thức cho F0 được đi làm trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Quy định này có hiệu lực ngay khi ban hành.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính nhấn mạnh: Một trong những yếu tố bắt buộc để kinh tế tăng trưởng theo mục tiêu của Chính phủ đề ra là phải đảm bảo đủ lực lượng lao động cho các doanh nghiệp.

Trên thực tế, việc quy định F0, F1 không được đi làm, phải cách ly đã khiến rất nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng.

“Kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro về các chính sách liên quan tới y tế. Nếu vẫn quy định F1 phải cách ly, không được đi làm sẽ khiến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động. Hiện tại, mỗi ngày Việt Nam có hàng chục nghìn ca nhiễm mới, tức là sẽ có hàng triệu F1. Như vậy, nếu nghỉ hết thì cửa cải ở đâu mà ra”, ông Cường thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Chính vì vậy, PGS.TS Vũ Sỹ Cường đề nghị điều chỉnh lại chính sách y tế. Trong đó, ông Cường đề xuất F1 được đi làm, kể cả trực tuyến hay trực tiếp để đảm bảo lực lượng lao động. Đồng thời, khi F1 đi làm trở lại, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đảm bảo người lao động đeo khẩu trang và thực hiện 5K.

Ông Cường nhấn mạnh, để nền kinh tế không nghẽn thì phải tháo nút là quy định của ngành y tế. Nếu không tháo được nút này tình trạng sẽ lờ vờ.

“Việc thay đổi chính sách y tế rất quan trọng cho cả đất nước. Bỏ quy định F1 phải nghỉ việc cách ly. Nếu không, không chỉ có doanh nghiệp mà tất cả các cơ quan đơn vị cũng sẽ thiếu người làm việc. Nếu vẫn giữ quy định F1 phải nghỉ việc cách ly như hiện nay sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu cung. Đang lạm phát vì chi phí đẩy mà nếu thiếu cung thì giá lại càng lên”, ông Cường nhấn mạnh.

Cần cắt bỏ những quy định lỗi thời

Bên cạnh việc các địa phương dè chừng cho phép F1 đi làm trở lại, hiện nay, Việt Nam vẫn còn tồn tại một số quy định được rất nhiều chuyên gia cho rằng không cần thiết và đang cản trở cho kinh tế tăng trưởng. Đơn cử như quy định quét mã QR.

“Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều nơi không có quét mã QR vẫn phải khai báo bằng giấy theo cách thủ công, những thủ tục này không để làm gì mà chỉ làm cho chi phí thực hiện tăng lên, và làm người nước ngoài e ngại hơn, làm mọi người ngại dịch chuyển hơn”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nói.

Mặc dù ở thời điểm này các doanh nghiệp chưa sản xuất hết công suất, tuy nhiên tình trạng thiếu hụt lao động ở mức khá nghiêm trọng.

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức hội nghị với các địa phương và các ngành kinh tế trọng điểm để nắm bắt tình hình thiếu hụt về lao động.

Đặc biệt qua phản ánh của các cấp công đoàn, mặc dù ở thời điểm này các doanh nghiệp chưa sản xuất hết công suất, tuy nhiên tình trạng thiếu hụt lao động ở mức khá nghiêm trọng.

Chẳng hạn như tại tỉnh Bình Dương, theo con số báo cáo, hiện tại đang thiếu hụt khoảng 90.000 lao động, Long An thiếu hụt khoảng 51.000 lao động, Hải Phòng trên 50.000 lao động, Tây Ninh 46.000 lao động, hay như là Bắc Ninh khoảng 25 đến 30.000 lao động và Hà Nội là khoảng 26.000 lao động như vậy là nhu cầu thiếu hụt lao động….Điều này thực sự gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong việc bố trí, ổn định sản xuất

Nếu không có được những giải pháp ngay lập tức thì chắc chắn là nó sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng cũng như kế hoạch phục hồi kinh tế của nước ta trong năm nay”.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/neu-khong-thao-nut-ve-y-te-kinh-te-viet-nam-se-co-tinh-trang-lo-vo-post186373.html