Nếu không có chính sách phù hợp, 10 - 15 năm nữa trạm y tế không có bác sĩ

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, hệ thống y tế cơ sở đã xảy ra tình trạng quá tải, nguyên nhân cũng chủ yếu do thiếu nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị, cơ sở vật chất và hiện nay nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ cơ hữu. Nếu không sớm có chính sách phù hợp, khoảng 10 đến 15 năm nữa các trạm y tế sẽ không có bác sĩ làm việc.

Hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) cho rằng hệ thống y tế cơ sở hiện nay chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu. Đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy hệ thống y tế cơ sở đã xảy ra tình trạng quá tải, nguyên nhân cũng chủ yếu do thiếu nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị, cơ sở vật chất và hiện nay nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ cơ hữu.

Nguyên nhân do có sự dịch chuyển đội ngũ bác sĩ sang khu vực y tế tư nhân và các đô thị lớn, cộng với chính sách tinh giản biên chế hiện nay cũng áp dụng với ngành y; sinh viên mới ra trường không muốn về công tác ở cơ sở; điều kiện để lực lượng tại chỗ đi học để nâng cao trình độ ngày càng khó khăn và cánh cửa này cũng dần bị thu hẹp.

Quốc hội thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Quốc hội thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đại biểu lo ngại, nếu không sớm có chính sách phù hợp, khoảng 10 đến 15 năm nữa các trạm y tế sẽ không có bác sĩ làm việc. Bên cạnh chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa tương xứng với thời gian, chi phí học tập, công sức lao động, thì cơ sở trang thiết bị, phương tiện làm việc chưa tốt nên không có môi trường thuận lợi để đội ngũ này nâng cao tay nghề cũng như phát triển nghề nghiệp.

Đại biểu dẫn chứng, một sinh viên đại học ngành y học trong 6 năm, với mức chi phí khá cao, nhưng khi ra trường đi làm nhận được mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng; tiền trực mỗi đêm là 25 nghìn đồng, tiền ăn 15 nghìn đồng, mức chi trả này chưa tương xứng với công sức đội ngũ này bỏ ra.

Theo thống kê, nhiều địa phương báo cáo có tình trạng thiếu nhân lực tại y tế cơ sở, trong đó có cả những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết các địa phương phản ánh tình trạng này chủ yếu xảy ra tại các trạm y tế xã, trong đó nhiều trạm y tế xã chưa có đủ số lượng nhân lực y tế theo các chức danh được quy định.

Số lượng các bác sĩ tại trạm y tế xã có xu hướng giảm. Trong 4 năm từ 2018 - 2021, tổng số bác sĩ xã giảm 2.238 người, năm 2020 có số bác sĩ tuyến xã giảm nhiều nhất (giảm 1.114 người so với năm 2019). Tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế giảm từ 97,5% năm 2015 xuống 71% năm 2020, trong đó 28% chưa qua đào tạo.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, bên cạnh nguyên nhân thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiền lương và chế độ phụ cấp còn thấp nên khó thu hút bác sĩ về làm việc

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, bên cạnh nguyên nhân thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiền lương và chế độ phụ cấp còn thấp nên khó thu hút bác sĩ về làm việc

Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, bên cạnh nguyên nhân thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiền lương và chế độ phụ cấp còn thấp nên khó thu hút bác sĩ về làm việc. Đơn cử chế độ tiền trực theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg Quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập, tiền trực tại trạm y tế xã quy định ca 24/24 giờ là 40 nghìn đồng, trong khi đó các trạm y tế xã hoạt động chủ yếu từ nguồn phân bổ ngân sách nhà nước.

Mức thu nhập chưa hấp dẫn là một trong những nguyên nhân không thu hút được nhân lực, nhất là thời gian qua khi phải chịu rất nhiều áp lực trong phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến thực trạng số lượng cán bộ y tế xã chuyển công tác, chuyển vùng, xin nghỉ việc có xu hướng tăng.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cũng kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các chính sách về thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng phải tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, đặc thù công việc theo tinh thần Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của Trung ương.

Cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở

Phát biểu với tư cách là đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và có nhiều năm công tác và quản lý trong ngành y tế, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết, báo cáo của Đoàn giám sát nêu kết quả đạt được trong lĩnh vực y tế cơ sở, là có nhiều văn bản quy định về chế độ lương, phụ cấp cho nhân viên y tế được ban hành.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hiện nay chế độ lương cho nhân viên y tế được áp dụng từ năm 2004 (đã gần 20 năm); chế độ phụ cấp được quy định tại các văn bản hơn 10 năm. Theo đại biểu, đây không phải là kết quả đạt được mà là hạn chế của công tác xây dựng chính sách đối với nhân viên y tế tại tuyến y tế cơ sở.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05 áp dụng mức phụ cấp 100% đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn tại tuyến y tế cơ sở nhưng thời gian cũng chỉ đến hết năm 2023. Đại biểu đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp này vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp này vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp này vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở.

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, mấu chốt vấn đề để giải quyết triệt để bài toán của y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo hướng ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên cho các đơn vị y tế cơ sở. Chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp từ thực hiện dịch vụ cho đơn vị được phép giữ lại theo quy định, nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Qua giám sát về chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế tổ dân phố, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn đại biểu Quốc hôi tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, nhiều ý kiến cử tri cho rằng việc thực hiện Quyết định số 75 ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều bất cập và chưa phù hợp với thực tiễn. Quyết định chỉ quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản hưởng 0,3% mức lương cơ bản và không áp dụng đối với nhân viên y tế ở các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn, trong khi 2 lực lượng này có chức năng thực hiện nhiệm vụ như nhau.

Đặc biệt, trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lực lượng y tế tổ dân phố đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh và họ cũng thực hiện đầy đủ các chức năng theo quy định tại Thông tư 07 ngày 8/3/2013 của Bộ Y tế, cũng giống như nhân viên y tế ở thôn, bản nhưng lại không có phụ cấp.

Hiện nay nhiều tỉnh đã triển khai xây dựng, ban hành nghị quyết đặc thù quy định phụ cấp cho nhân viên y tế tổ dân phố, tuy nhiên chưa có căn cứ pháp lý đầy đủ. Vì vậy, đại biểu kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ, Bộ Y tế cần ban hành quy định về phụ cấp đối với nhân viên y tế tổ dân phố để cho các tỉnh có căn cứ để ban hành nghị quyết của tỉnh mình và thống nhất trong cả nước.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/neu-khong-co-chinh-sach-phu-hop-10-15-nam-nua-tram-y-te-khong-co-bac-si-156495.html