Nêu gương để dân tin

'Nêu gương' là một vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sát. Theo Người, khi làm công tác vận động quần chúng không được dùng mệnh lệnh, áp đặt ý chí, phải biết khích lệ, biểu dương và lắng nghe kinh nghiệm trong dân, học hỏi trí tuệ của dân, bàn bạc cùng nhân dân thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo Hồ Chủ tịch, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm gương cho quần chúng nhân dân, để quần chúng nhân dân noi theo. Một việc làm tốt của cán bộ, đảng viên ở một địa phương, đơn vị chỉ ảnh hưởng, tác động đến địa phương, đơn vị đó nhưng với những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, có uy tín, có chức vụ, tiếng nói... thì càng cần phải chú trọng nêu gương, bởi họ là những người được nhiều người biết đến, khi họ làm gương thì sẽ có tác dụng khích lệ, động viên lớn để lôi kéo quần chúng nhân dân nhìn vào, làm theo, nhất là dễ thuyết phục số đông làm theo.

Trong tác phẩm “Đời sống mới” (tháng 3/1947), Người viết: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm mà tự mình thì xa xỉ, lung tung thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”. Bác luôn nhấn mạnh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” để thấy rằng, việc nêu gương ở bất cứ thời điểm nào, với bất cứ cán bộ, đảng viên nào đều vô cùng quan trọng và có sức thuyết phục trước quần chúng cực kỳ lớn, làm tiền đề cho việc “nói dân nghe, làm dân tin” trong các phong trào hành động cách mạng... ở địa phương, cơ sở.

Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên, Người luôn yêu cầu: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Khi cán bộ, đảng viên chủ động nêu gương thì nhân dân sẽ tự giác làm theo, thậm chí không cần nói. Do đó, mỗi khi làm việc gì, nhất là trong công tác dân vận, cán bộ, đảng viên phải làm gương trong mọi công việc để dân tin, làm theo, từ đó mới có kết quả tốt. Người thường dạy bảo: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Nhân dân sẽ mất niềm tin vào những cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo. Vì thế, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” mà bản chất là làm cho dân hiểu, dân tin, đồng thuận, làm theo. Bản thân Người luôn viết thư khen ngợi, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu và đề nghị có mục “gương người tốt, việc tốt” trên báo để cổ vũ, động viên, khích lệ mọi người học tập, noi theo.

Một trăm lời nói không bằng một hành động. Việc nêu gương, cụ thể là bằng hành động, lời nói, việc làm cũng chính là làm cho dân tin, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên hôm nay. Việc này, thiết nghĩ, mỗi cấp ủy cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện, thực hành nghiêm túc. Có như vậy, dân mới tin và làm theo một cách tích cực, hiệu quả.

Minh Tự

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-dang/neu-guong-de-dan-tin/206914.htm