'Nếu chứng chỉ hành nghề giáo viên giống như một thủ tục hành chính thì nên bỏ'

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ mục đích của chứng chỉ hành nghề dành cho nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&DT) đang lấy ý kiến đóng góp, phản biện để xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo trong đó có quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.

Giấy chứng nhận này được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc. Nội dung này đang trở thành đề tài tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều.

 Chứng chỉ hành nghề giáo viên có thực sự cần thiết (ảnh TL).

Chứng chỉ hành nghề giáo viên có thực sự cần thiết (ảnh TL).

Trước việc nhiều ý kiến phản đối, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam.

Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng, Bộ GD&ĐT cần làm rõ mục đích của chứng chỉ hành nghề dành cho nhà giáo. Nếu chứng chỉ này giống như một thủ tục hành chính thì nên bỏ, không cần thiết.

Còn nếu, Bộ GD&ĐT đang hướng đến một việc rất quan trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Tức là những người làm nghề giáo phải được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề và được thẩm định trước khi hành nghề thì cần tiếp tục nghiên cứu.

“Trong các trường Sư phạm hiện nay, vấn đề bồi dưỡng tay nghề, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên còn rất yếu, họ mới tập trung phần lớn thời gian đến đào tạo về khoa học cơ bản.

Trong trường hợp các trường sư phạm quan tâm, làm tốt việc bồi dưỡng đào tạo về tay nghề cho sinh viên, thì cũng cần có bộ phận đánh giá độc lập, khách quan để khẳng định chất lượng đào tạo và trình độ tay nghề giáo viên” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nêu.

Ông cho rằng, như nghề Luật sư, những người có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ quyền lợi đối với người dân và được cấp bằng hành nghề do Đoàn Luật sư hoặc tổ chức riêng thẩm định năng lực trước khi hành nghề.

“Trên thực tế không phải ai học xong sư phạm là có thể trở thành giáo viên giỏi.

Tôi cho rằng, nếu cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo với mục đích nâng cao, đảm bảo chất lượng giảng dạy của đội ngũ nhà giáo thì nên thực hiện” - Thầy Nguyễn Tùng Lâm nhận định.

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Tùng Lâm, tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, bất cứ ngành nghề nào được hội nghề nghiệp công nhận thì tấm bằng đó mới có giá trị. Những sinh viên sư phạm ra trường hoặc ai muốn dạy học thì phải thi lấy chứng chỉ hành nghề.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cũng nên áp dụng ở nước ta nhưng chỉ với những người có nhu cầu sang nước ngoài, dạy học ở nước ngoài.

Còn riêng ở Việt Nam, quan điểm là không quy định bắt buộc tất cả nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề vì đây là vấn đề có tính lịch sử. Những giáo viên đã dạy lâu năm, có tay nghề, được học sinh, đồng nghiệp tín nhiệm thì không phải thi chứng chỉ hành nghề.

Thay vào đó, cần có quy định về mốc thời gian cụ thể, trình độ năng lực của giáo viên để cấp chứng chỉ hành nghề. Những ai chưa đạt được mốc thời gian công tác hoặc chưa đạt chuẩn năng lực theo yêu cầu thì mới bắt buộc thi chứng chỉ hành nghề.

Điều này đồng nghĩa, những thầy cô đã công tác vài chục năm trong ngành giáo dục sẽ không cần thiết có loại chứng chỉ này.

Riêng những người hành nghề dạy thêm, cần bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề.

Cũng lưu ý thêm, hiện nay, đa số giáo viên coi thường tâm lí giáo dục, họ chỉ làm theo bản năng, không phải làm theo cơ sở khoa học và nâng cao tay nghề của nhà giáo.

Chính vì vậy, khi đã ban hành chứng chỉ này để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thì cần có một bộ phận quản lý và thẩm định.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/neu-chung-chi-hanh-nghe-giao-vien-giong-nhu-mot-thu-tuc-hanh-chinh-thi-nen-bo-post282703.html