Nếu bị siết giờ làm thêm, đường đến giảng đường của sinh viên thêm gian nan

Mỗi tuần Đức Anh (sinh viên năm 3) làm nhân viên phục vụ tại quán cà phê khoảng 30 giờ và có thu nhập khoảng 700.000 đồng, số tiền này giúp Đức Anh trang trải thêm cho cuộc sống sinh viên của mình.

Đức Anh đang đi làm thêm tại quán cà phê với tiền công 20.000 đồng mỗi giờ. Ảnh: Hải Yến

Đang theo học ngành Công nghệ thông tin tại trường Đại học Mở, Đức Anh (21 tuổi, quê ở Thái Bình) lựa chọn công việc làm thêm là nhân viên phục vụ tại một quán cà phê trên phố Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm).

Công việc của Đức Anh là bưng thức uống cho khách hoặc pha chế một số món đơn giản. Công việc này giúp cậu sinh viên năm 3 được trả lương 20.000 đồng mỗi giờ. Ngoài ra, Đức Anh còn đi làm thêm một quán cà phê khác ở Đặng Tất Mai (quận Hoàng Mai). Tính cả hai quán, cậu sinh viên này làm việc khoảng 35 giờ mỗi tuần, mang lại thu nhập khoảng 700.000 đồng.

Đức Anh chia sẻ: “Hai quán em phục vụ đều rất đông khách, nhất là vào những giờ cao điểm trong ngày. Tuy mệt nhưng công việc này cho em thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này giúp em chủ động hơn trong các nhu cầu cá nhân mà không phải phụ thuộc vào gia đình”.

Đức Anh không phải là trường hợp cá biệt, nhiều thống kê cho thấy có khoảng 70-80% sinh viên lựa chọn công việc làm thêm trong thời gian đang theo học đại học.

Công việc làm thêm của sinh viên cũng rất đa dạng và phong phú. Thường các sinh viên nữ sẽ lựa chọn công việc phục vụ quán ăn, quán cà phê hay nhân viên bán hàng, dạy kèm… Trong khi sinh viên nam lựa chọn các công việc năng động hơn như ship hàng, chạy xe ôm công nghệ, phục vụ…

Vào ngày 15/3 vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bắt đầu lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. Một điều đáng chú ý đó là lần đầu tiên đề cập đến vấn đề giờ làm thêm của học sinh, sinh viên. Cụ thể, dự thảo đề xuất học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ.

Ngay khi biết đến thông tin này, Đức Anh khá bất ngờ. Cậu sinh viên năm 3 chia sẻ: “Em khá bất ngờ về thông tin này. Vì em thấy đi làm thêm là một nhu cầu chính đáng của sinh viên. Thu nhập từ công việc làm thêm không chỉ cho em chủ động trong cuộc sống mà còn giúp em trang trải phần nào học phí, đỡ đần cho bố mẹ ở quê”.

Có khoảng 70-80% sinh viên lựa chọn đi làm thêm trong thời gian học đại học. Ảnh: Hải Yến

Ngoài việc chính là thu nhập, Đức Anh cho biết việc làm thêm còn giúp cậu có thêm kinh nghiệm, mạnh dạn giao tiếp… điều này rất thuận lợi cho hồ sơ xin việc sau này khi ra trường.

Đang chạy xe ôm công nghệ, Thành (quê Nghệ An) - sinh viên năm 2 trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết cậu chạy xe ôm công nghệ từ khi vào sinh viên năm nhất. Gia đình ở huyện nghèo của Nghệ An nên Thành không thể trông chờ hết vào chu cấp của bố mẹ. Cậu làm thêm để chủ động kinh tế trang trải cho việc học của mình.

“Ngoài giờ đến lớp thì thời gian còn lại là em chạy xe ôm công nghệ. Công việc này giúp em có thu nhập khoảng 400.000 – 500.000 đồng (chưa trừ %, tiền xăng xe). Mỗi tháng em cũng dư được khoảng 3 - 4 triệu đồng, số tiền này em dành để đóng học phí” - Thành chia sẻ.

Cũng như Đức Anh, Thành cho rằng việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên sẽ khiến những sinh viên như em gặp nhiều khó khăn. Việc chỉ được làm thêm 20 giờ mỗi tuần sẽ khiến đường đến giảng đường của cậu sinh viên ở miền quê xứ Nghệ này thêm gian nan hơn.

Theo ước tính, mỗi sinh viên ở Hà Nội sẽ có mức chi tiêu trong khoảng từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Số tiền này bao gồm tiền phòng trọ, ăn uống hằng ngày… Và tất nhiên số tiền này chưa tính tiền học phí (vào khoảng 1,2 - 6 triệu đồng với những chương trình học đại trà).

Đối với Nhung, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh - Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, hiện đang đi dạy thêm tại một trung tâm tiếng Anh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trau dồi kiến thức, kinh nghiệm của sinh viên.

Công việc làm thêm không chỉ giúp sinh viên có thêm thu nhập mà còn giúp rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm… Ảnh: T. P

Cũng như phần lớn các sinh viên khác, Nhung cho rằng việc quy định số giờ làm thêm theo nữ sinh viên này không phù hợp. “Làm thêm là một nhu cầu chính đáng của sinh viên vì giúp sinh viên có thêm thu nhập để phục vụ cho cuộc sống và học tập. Không chỉ vậy, điều này còn giúp sinh viên rèn luyện nhiều kỹ năng và rất có lợi khi ra trường sau này” - Nhung chia sẻ.

Khi được hỏi việc làm thêm nhiều như thế có ảnh hưởng đến việc học hay không, Đức Anh cho biết: “Công việc này không ảnh hưởng đến thời gian học tập ở trường cũng như việc tiếp thu kiến thức. Em tự sắp xếp được thời gian học vì đó vẫn là nhiệm vụ chính của em. Thế nên, em nghĩ việc bị giới hạn giờ làm thêm sẽ là một trở ngại không chỉ cho em mà cho nhiều bạn sinh viên khác”.

“Việc làm thêm không ảnh hưởng tới việc học vì em luôn lên lịch học tập từ sớm để cân bằng. Công việc chạy xe ôm công nghệ này đã giúp em giảm gánh nặng cho gia đình rất nhiều trong thời gian theo học ở Hà Nội. Nếu bị giới hạn giờ làm thêm thì em sẽ bị ảnh hưởng rất lớn" - Thành chia sẻ.

Có thể thấy, Đức Anh, Thành hay nhiều sinh viên khác đều lo ngại trước thông tin về việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên. Mỗi người một suy nghĩ nhưng đều hy vọng sẽ có hướng giải pháp tốt để con đường đến trường của sinh viên không quá gian nan thêm.

Thái Phương - Hải Yến

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/neu-bi-siet-gio-lam-them-duong-den-giang-duong-cua-sinh-vien-them-gian-nan-375564.html