Nêu bật những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Đức Anh

LTS: Hội thảo cấp quốc gia 'Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế' do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức đã khẳng định và làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh.

Đặc biệt, các tham luận đã tập trung luận giải, phân tích sâu sắc, đề cập toàn diện các lĩnh vực công tác, qua đó nêu bật những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Đức Anh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Báo Quân đội nhân dân trân trọng trích đăng một số ý kiến tại hội thảo này.

Đồng chí NGUYỄN THANH BÌNH (Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế): Người con ưu tú của tỉnh Thừa Thiên Huế

Quê hương Thừa Thiên Huế và gia tộc họ Lê làng Bàn Môn tự hào là nơi sinh ra, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách đồng chí Lê Đức Anh.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh thật phong phú và oanh liệt. Gần 100 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực và được Đảng tin cậy giao phó nhiều trọng trách, dù ở đâu, làm công việc gì, ở cương vị nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Trong công tác, đồng chí luôn đổi mới, quyết đoán, nhanh nhạy, bám sát thực tiễn, gần dân, chăm lo cho dân, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và cũng rất giản dị, sâu sắc, nhân văn trong cuộc sống, được đồng chí, đồng đội và nhân dân yêu mến, bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều cống hiến cho Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân, nhưng cũng suốt cuộc đời, đồng chí sống giản dị và vô cùng thanh bạch, là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng, học tập và noi theo. Thoát ly và tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu, nhưng đồng chí Lê Đức Anh luôn nhớ về quê hương với một tình cảm rất sâu đậm. Mỗi lần về quê, đồng chí thường đi thăm bà con lối xóm, ân cần thăm hỏi cuộc sống, tình hình lao động sản xuất; động viên bà con, họ hàng, con cháu quê nhà chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Càng vinh dự và tự hào với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, của các thế hệ lãnh đạo tiền bối, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế càng nhận thức rõ trọng trách của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, với trọng tâm nhằm tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”...

HÀ KIM (lược ghi)

Thiếu tướng CAO PHI HÙNG (Phó tư lệnh Quân khu 5): Nhiều chỉ đạo mang tầm chiến lược

Từ năm 1981 đến năm 1986, trên cương vị Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia-Tư lệnh Mặt trận 719, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều chỉ đạo mang tầm chiến lược đối với các hoạt động của Mặt trận 579 phụ trách địa bàn 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Nhiệm vụ hàng đầu là tập trung ổn định đời sống nhân dân bạn, giúp bạn xây dựng phát triển lực lượng cách mạng, thường xuyên truy quét địch ở nội địa và phòng thủ biên giới, mở các chiến dịch tiến công tiêu diệt các căn cứ của địch trên dãy núi Đăng Rếch.

Thiếu tướng Cao Phi Hùng.

Đồng chí yêu cầu Bộ tư lệnh Mặt trận 579 quy trách nhiệm rõ ràng đến từng cán bộ: “Phải dứt khoát như thế, không thể chung chung được”, đồng thời quán triệt nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quốc tế là tin tưởng bạn, phát huy quyền làm chủ của nhân dân bạn, giúp bạn phát triển thực lực cách mạng tự đảm đương nhiệm vụ của mình.

Đồng chí Lê Đức Anh là người chỉ huy nghiêm khắc trong công việc, rất quan tâm, sâu sát đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. Bộ tư lệnh Quân khu 5, Bộ tư lệnh Mặt trận 579 đã nghiêm túc chấp hành, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện các chỉ thị, mệnh lệnh của đồng chí Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam một cách kịp thời, có hiệu quả. Cán bộ, chiến sĩ và đội ngũ chuyên gia thuộc Mặt trận 579 đã phát huy truyền thống tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, duy trì nghiêm kỷ luật chiến trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân bạn tin yêu gọi là “Đội quân nhà Phật”. Sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, cùng với công sức, trí tuệ, tâm huyết, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và đội ngũ chuyên gia thuộc Mặt trận 579 đã góp phần tích cực giữ gìn hòa bình, ổn định, xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai đảng, hai nhà nước, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam, Campuchia.

NGÔ DUY (lược ghi)

Thiếu tướng ĐOÀN THANH XUÂN (Phó chính ủy Quân khu 9): Lực lượng vũ trang Quân khu 9 luôn tự hào và phấn đấu noi gương

Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng tài ba, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, đồng chí đã được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn thể hiện là một cán bộ năng động, sáng tạo, bám sát chiến trường, bám sát thực tiễn, quyết đoán, nhanh nhạy, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và cũng rất giản dị, sâu sắc, nhân văn trong cuộc sống.

Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân.

Đại tướng Lê Đức Anh đã đi xa nhưng đức độ, tài năng, phong cách của đồng chí mãi mãi là niềm tự hào và là tấm gương sáng cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quân khu 9 học tập, noi theo.

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Học tập và noi gương đồng chí, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 9 tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; nắm vững tinh thần cách mạng tiến công; chủ động nắm, dự báo, đánh giá sát đúng tình hình, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, biên giới, biển đảo. Tích cực chấn chỉnh tổ chức, lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, bảo đảm nâng cao sức mạnh chiến đấu, phù hợp với yêu cầu của nghệ thuật tác chiến. Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, “thế trận lòng dân” vững chắc. Tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, vận dụng sát vào điều kiện cụ thể của quân khu trên địa bàn sông nước. Đồng thời làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng giữa quân khu với bạn, gắn với những hoạt động thiết thực nhằm góp phần củng cố, xây dựng tuyến biên giới Tây Nam trên địa bàn hòa bình, ổn định và phát triển.

NGÔ DUY (lược ghi)

Đồng chí NGUYỄN DUY HỢP (Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Hành chính, Văn phòng Chủ tịch nước): Triển khai thận trọng, nghiêm túc, tích cực chính sách đối ngoại

Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc của đồng chí là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Khi trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng về kinh tế-xã hội, từng bước đưa nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững và củng cố.

Đồng chí Nguyễn Duy Hợp.

Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, đồng chí đã thực hiện và triển khai một cách vừa thận trọng, nghiêm túc, vừa tích cực chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa. Những hoạt động đối ngoại nói trên đã thu được những kết quả rất quan trọng. Qua đó, đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn đất nước và con người Việt Nam, hiểu rõ và ghi nhận chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cùng có lợi. Kết quả hoạt động tích cực của công tác đối ngoại cùng với những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới ở giai đoạn này đã thực sự nâng tầm vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Khẩu hiệu, đồng thời cũng là chủ trương của Đảng ta: "Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước và các dân tộc trên thế giới" đã trở thành hiện thực.

Xác định công tác đối ngoại là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, Văn phòng Chủ tịch nước luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Tổng Bí thư và các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất, trình xin ý kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước về chương trình đối ngoại, đón, tiếp một số đoàn nguyên thủ quốc gia của các nước có kế hoạch thăm Việt Nam, phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước triển khai các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương, bảo đảm thiết thực, tăng cường hợp tác hữu nghị, góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

TIẾN ĐẠT (lược ghi)

Đại tá LÊ THANH BÌNH (Phó tham mưu trưởng Quân khu 7): Bài học quý về tinh thần đoàn kết quốc tế, xây dựng khu vực phòng thủ

Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với lực lượng vũ trang (LLVT) cả nước, LLVT Quân khu 7 củng cố lại lực lượng, khắc phục hậu quả chiến tranh, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng và tham gia công cuộc xây dựng đất nước trong hòa bình, thống nhất và độc lập dân tộc. Tuy nhiên, tập đoàn Pôn Pốt-Iêngxary ngang ngược phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Trong bối cảnh đó, tháng 5-1978, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7.

Đại tá Lê Thanh Bình.

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt, đây là địa bàn trọng điểm có tính chất quyết định đến kết quả của cuộc chiến tranh, do đó LLVT Quân khu 7 có nhiệm vụ vừa tập trung chiến đấu, vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Campuchia. Với vai trò Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, đồng chí Lê Đức Anh cùng Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu lãnh đạo, chỉ huy LLVT từng bước xây dựng, củng cố lực lượng và chiến đấu giành lại thế chủ động chiến trường, phản công đẩy lui địch ra xa biên giới; đồng thời giúp cách mạng Campuchia xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới phối hợp phân công, tiến công đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt-Iêngxary, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước.

Để củng cố lực lượng, thế trận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng chí cùng Bộ tư lệnh quân khu đề nghị Bộ Tổng Tham mưu khôi phục lại quân số và một số đơn vị đã giải thể; đồng thời đề nghị đưa Quân đoàn 3 vào tác chiến. Tập trung củng cố lực lượng và thế phòng thủ; tiến công tiêu diệt địch, vừa mở rộng đánh chiếm địa hình có lợi, vừa tổng kết rút kinh nghiệm huấn luyện tại chỗ, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu cho LLVT quân khu.

Những hoạt động trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 đã để lại những kinh nghiệm quý về tinh thần cảnh giác cách mạng, đoàn kết quốc tế, xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ, xây dựng LLVT, nền quốc phòng toàn dân... cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

DUY ĐẠT (lược ghi)

Đại tá PGS, TS HỒ SƠN ĐÀI (nguyên Thư ký Đại tướng Lê Đức Anh): Dấu ấn Tham mưu trưởng Khu Sài Gòn - Chợ Lớn

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Đức Anh trải qua nhiều chức vụ, từ Chính trị viên Chi đội Vệ quốc đoàn Thủ Dầu Một đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước, rồi Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Riêng trong những năm 1948-1950, ông trực tiếp giữ cương vị Tham mưu trưởng Khu Sài Gòn-Chợ Lớn.

Đại tá PGS, TS Hồ Sơn Đài.

Bằng lối tư duy sắc sảo, biện chứng, mẫn cảm với xu thế phát triển của thực tiễn và bản lĩnh chỉ huy quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, ông đã cùng cấp ủy Đảng, Bộ tư lệnh Sài Gòn-Chợ Lớn chỉ huy lực lượng vũ trang xây dựng, chiến đấu và công tác, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển phong trào chiến tranh du kích ở địa đô thị sau lưng địch. Cùng với việc tổ chức lại bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng dân quân, du kích được chú trọng xây dựng. Tự vệ ở khu phố, xí nghiệp trong thành phố phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến cuối năm 1949, toàn Khu Sài Gòn-Chợ Lớn có tổng cộng 3.505 đội viên du kích xã, riêng thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn có 36 tiểu đội không thoát ly. Bên cạnh lực lượng không thoát ly, các huyện ngoại thành đều xây dựng lực lượng du kích tập trung. Để tạo sự phối hợp nhịp nhàng trong hoạt động tác chiến giữa nội và ngoại vi thành phố, thực hiện “trong đánh, ngoài đánh”, Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đã chỉ đạo thành lập một mặt trận chung, lấy tên là Mặt trận quân sự thành Sài Gòn-Chợ Lớn. “Mặt trận” gồm 5 ban công tác Thành trong nội đô và 5 tiểu đoàn xung quanh thành phố.

Cùng Bộ tư lệnh Khu, Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đã chỉ huy lực lượng vũ trang Sài Gòn-Chợ Lớn đẩy mạnh hoạt động quân sự, vừa đánh địch càn quét khủng bố, vừa chủ động phục kích, tập kích tiêu diệt tiêu hao quân địch cả ở trong và ngoài thành phố. Trong vòng hai năm giữ trách nhiệm Tham mưu trưởng Khu Sài Gòn-Chợ Lớn, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân phù hợp với đặc điểm địa bàn và hoạt động tác chiến cả ở nội đô và vùng ven, trong thiết kế và tổ chức một “chiến dịch” lớn và duy nhất của Sài Gòn-Chợ Lớn, Gia Định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

NGUYỄN TIẾN (lược ghi)

Tiến sĩ LÊ MẠNH HÀ (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ): Gia tài của ba để lại là trái tim nhân hậu

Vào một ngày cuối năm 1973, đi học về, tôi thấy những chiếc xe ô tô đậu quanh nhà, chưa bao giờ tôi thấy cảnh này. Mẹ tôi nói: “Ba về, đang làm việc với các chú, các bác”. Những lần trước ba tôi từ chiến trường về Hà Nội lặng lẽ hơn, không có cảnh xe cộ đến nhà như thế, mà Hà Nội lúc đó ít ô tô lắm, chỉ có xe cơ quan và lãnh đạo cấp cao mới đi ô tô. Lần này thì khác hẳn, tôi cũng không hiểu chuyện gì. Một thời gian sau, ba tôi lại vào Nam và có một hôm mấy mẹ con nghe tin ba tôi được thăng quân hàm vượt cấp, từ đại tá lên trung tướng. Tôi tự hào lắm.

Chiến dịch giải phóng Sài Gòn, ba tôi chỉ huy một trong năm cánh quân đánh trận cuối cùng này. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, có mấy ngày mẹ tôi được vào thăm ba, được đi cùng chuyến bay với lãnh đạo cấp cao nào đó, tôi không nhớ. Mẹ vui và tự hào vô cùng. Lúc về Hà Nội, mẹ kể đi kể lại chuyện gặp ba và chuyện về Sài Gòn lạ lẫm, vô cùng lạ lẫm với những người miền Bắc.

Tiến sĩ Lê Mạnh Hà.

Tôi thường tâm niệm rằng, viết đầy đủ về cuộc đời, về sự nghiệp của ba thật khó vì ba đã làm được rất nhiều, tư liệu thì không đủ. Nhiều việc thực sự tôi cũng chỉ mới tìm hiểu, mới nghiên cứu trong thời gian gần đây, khi ba nằm trên giường bệnh, khi tôi đã nghỉ hưu và sau khi ba tôi mất. Ba tôi không bao giờ nghĩ mình là người vĩ đại. Nhưng với tôi, ba thực sự là người cha vĩ đại.

Khi tiễn biệt cha mình về vĩnh hằng với các đồng đội, tôi đã thưa với ba: “Ba đã sống một cuộc sống kiên cường của người chiến sĩ và bình dị như bao người dân khác. Vượt qua 4 cuộc chiến và 3 cơn bạo bệnh, ba đã sống đến 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thật sự có ích cho đời. Thế nhưng quy luật của muôn đời đã đưa ba đi mãi mãi. Gia tài ba để lại cho con cháu thật đồ sộ và quý giá, đó là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm. Yêu thương và vị tha, nhân hậu để vị tha. Chúng con thật vinh dự và tự hào được nhận món quà quý giá đó...”

DUY ĐÔNG (lược ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/neu-bat-nhung-cong-hien-to-lon-cua-dong-chi-le-duc-anh-645256