Netflix sẽ bị áp thuế VAT thế nào?

Dịch vụ xem phim trực tuyến của Netflix chịu mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% nhưng cũng dịch vụ này do FPT cung cấp thì chịu mức thuế 10%. Đây là sự bất hợp lý cho các nhà cung cấp trong nước và làm mất nguồn thu ngân sách, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận xét.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các nước (ví dụ Úc, Malaysia, Indonesia, EU) đều áp dụng bình đẳng một mức thuế suất VAT đối với hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú cung cấp.

Ngày 23-4-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, cho ý kiến đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trước khi dự luật này được trình ra Quốc hội trong kỳ họp vào tháng 5 tới.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, việc sửa luật nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế VAT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật nhằm cải cách thủ tục hành chính và thủ tục quản lý thuế; khắc phục các vướng mắc phát sinh thời gian qua, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Nhất trí về sự cần thiết của việc sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, song trong Báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, dự thảo luật chưa thật sự bám sát các mục tiêu cụ thể của Chiến lược cải cách thuế.

Ví dụ, về định hướng bao quát, mở rộng cơ sở thu, dự thảo luật chưa thu hẹp nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế. Cùng với việc loại bỏ một số hàng hóa, dịch vụ khỏi đối tượng không chịu thuế, dự thảo luật cũng bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ vào diện không chịu thuế và vẫn giữ nguyên số lượng nhóm đối tượng không thuộc diện chịu thuế như quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, nội dung giảm số nhóm hàng hóa chịu thuế suất 5%, chưa được thực hiện (thu hẹp) đáng kể, chưa cho thấy quyết tâm tiến tới lộ trình áp dụng một mức thuế suất. Nội dung nghiên cứu, quy định lộ trình tăng thuế suất thuế VAT cũng chưa được đề cập trong dự thảo luật. Vì vậy, dẫn đến một số mục tiêu, định hướng quan trọng của Chiến lược cải cách thuế chưa được thể hiện đầy đủ.

Ngoài ra, một số nội dung sửa đổi thể hiện trong dự thảo luật chưa đạt được mục tiêu bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, ngay cả với nội dung liên quan đến việc xác định giá tính thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Liên quan đến phương pháp tính thuế, điểm a, khoản 2, điều 12 của dự thảo luật quy định đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp bao gồm “tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam có doanh thu phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ”. Theo đó, các đối tượng này sẽ được áp dụng tỷ lệ tính thuế là 1% đối với việc phân phối, cung cấp hàng hóa và 5% đối với dịch vụ.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, với sự phát triển của các sàn giao dịch điện tử và việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ của các nhà cung cấp nước ngoài vào Việt Nam trên cơ sở nền tảng số, quy định này không phù hợp nếu được áp dụng cho các nhà cung cấp nước ngoài bán hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số vì nhiều lý do.

Đầu tiên là tạo ra sự bất bình đẳng cho các nhà cung cấp trong nước. Ví dụ, dịch vụ xem phim trực tuyến của Netflix chịu mức thuế 5% nhưng cũng dịch vụ này do FPT cung cấp thì chịu mức thuế 10%. Đây là sự bất hợp lý cho các nhà cung cấp trong nước và làm mất nguồn thu ngân sách.

Tiếp đến là chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế về thuế VAT với các giao dịch số. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các nước (ví dụ Úc, Malaysia, Indonesia, EU) đều áp dụng bình đẳng một mức thuế suất VAT đối với hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú cung cấp.

Ngoài ra, phương pháp tính thuế như vậy không thích hợp. Theo lý giải của cơ quan thẩm tra, quy định về tỷ lệ thu trực tiếp nêu trên là vận dụng điều 8, Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng. Theo đó, phương pháp tính trực tiếp được áp dụng với các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư, có phát sinh thuế VAT đầu vào nhưng vì không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ nên không thể áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, với các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nước ngoài trên các sàn giao dịch điện tử, nền tảng số, họ hoàn toàn không phát sinh thuế VAT đầu vào tại Việt Nam vì hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam được coi là hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nên đã được áp dụng mức thuế 0% và hoàn thuế với đầu vào tại nước xuất khẩu. Vì vậy, vận dụng điều 8, Nghị định 209 nói trên vào trường hợp của các nhà cung cấp nước ngoài trên sàn giao dịch điện tử, nền tảng số là không phù hợp.

Từ những lý do trên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc kinh nghiệm các nước để xây dựng phương án áp dụng mức thuế suất VAT thông thường (10%) theo đúng quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, không áp dụng phương pháp tính trực tiếp để bảo vệ nguồn thu và tránh phân biệt đối xử theo hướng bất lợi cho các nhà cung cấp trong nước. Nếu nhà cung cấp nước ngoài không có thuế đầu vào thì thuế đầu ra vẫn được tính toàn bộ trên cơ sở doanh thu bán hàng.

Theo đó, cần quy định rõ tại điểm a, khoản 2, điều 12 dự thảo luật là không bao gồm các nhà cung cấp nước ngoài trên sàn thương mại điện tử và nền tảng số; đồng thời bổ sung vào khoản 3, điều 9 để thể hiện các đối tượng áp dụng thuế suất 10% bao gồm cả “hàng hóa, dịch vụ được cung cấp thông qua hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, chợ thương mại điện tử được thực hiện bởi các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam”.

An Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/netflix-se-bi-ap-thue-vat-the-nao/