Nét văn hóa đẹp ngày Tết của người Ê Đê

Cũng như các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, mỗi khi Tết đến Xuân về, người Ê Đê lại quây quần bên nhau làm các món ăn truyền thống và tổ chức các nghi lễ gắn kết tình thân, tình đoàn kết của người dân trong buôn làng.

Nhiều năm trước đây, Tết Nguyên đán là một điều xa lạ với đồng bào dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk nói riêng vàTây Nguyên nói chung. Thế nhưng, hiện nay, bà con Ê Đê đã hòa chung với niềm vui đón Tết cổ truyền của toàn dân tộc trên cả nước.

Bến nước là nơi gắn kết qua các thế hệ người Ê Đê.

Sau 1 năm lao động vất vả, các thành viên trong gia đình trở về và tất bật ủ rượu cần, làm các món ăn truyền thống để cùng nhau đón Tết. Cũng như các dân tộc khác, bánh tét là món đặc trưng của đồng bào Ê Đê trong dịp Tết. Theo đó, mọi người chia nhau lên nương rẫy lấy lá chuối, dây lạt, chuẩn bị nếp, nhân đậu xanh, thịt mỡ để gói bánh Tét. Sau khi gói xong, lại quây quần bên bếp lửa, trông những mẻ bánh, mang đậm hương vị của mùa màng, của đất trời ban tặng.

Ngoài bánh tét, thì canh bột lá yao cũng là một món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người Ê Đê. Đây là món ăn gắn kết các thành viên trong gia đình. Bởi vị đắng của cà, vị cay của ớt, vị sệt sệt của nước canh, vị beo béo của thịt bở và cả mùi thơm dịu của lá yao đã làm nức lòng những người con xa xứ mong được trở về và sum họp cùng gia đình để được thưởng thức món canh truyền thống.

Cùng với việc chuẩn bị các món ăn truyền thống, người Ê Đê ở các buôn làng coi ngày Tết là dịp để gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm, cùng trao cho nhau những lời chúc tụng tốt đẹp nhất, xóa đi những muộn phiền của năm cũ. Đặc biệt, họ đến với những người trong năm qua có ấn tượng không tốt với mình để mong hâm nóng lại tình làng, nghĩa xóm.

Các cô gái Ê Đê chuẩn bị các món ăn truyền thống ngày Tết.

Tết cũng là dịp con cái trong các gia đình người Ê Đê tổ chức lễ mừng thọ cho người lớn trong gia đình, đặc biệt là mừng thọ mẹ.

Ông Y Suah Êban (già làng buôn Sút H’luốt, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar) lý giải: “Người Ê Đê theo phong tục mẫu hệ nên con gái sau khi cưới chồng, đến lúc có của ăn, của để thì tổ chức mừng tuổi mẹ khi người mẹ đến tuổi 60 trở lên. Nhiều gia đình có điều kiện khá giả đã mổ heo, bò, gà để cúng mừng thọ cho mẹ. Các thành viên trong gia đình cũng gửi đến mẹ những món quà ý nghĩa, chúc mẹ sức khỏe, sống lâu cùng con cháu. Đây cũng là việc làm ý nghĩa của người con Ê Đê đối với các bậc sinh thành”.

Không chỉ vậy, Tết cũng là thời điểm để dân làng cúng tế tạ ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu và cầu cho vụ mùa mới mưa thuận gió hòa, lúa thóc đầy kho hay còn gọi là Tết mừng cơm mới.

Trao đổi về vấn đề này, ông Y Luyện Niê Kđăm (nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, hiện trú tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, Lễ mừng cơm mới đã có từ lâu đời trong truyền thống sản xuất của người Ê Đê. Đây cũng là lễ hội lớn nhất của người Ê Đê trong năm. Theo quan niệm của người Ê Đê, sau khi kết thúc thu hoạch mùa màng, hoa màu được chất vào kho, phải đem gạo mới nấu thành cơm cúng thần linh, báo cáo những thành quả lao động trong năm, cảm tạ trời đất, tổ tiên. Đồng thời, cầu mong các thần linh tiếp tục phù hộ cho mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no,...

Lễ cúng mừng cơm mới của người Ê Đê.

Theo ông Y Luyện, trước đây, Lễ mừng cơm mới diễn ra từ 2-3 ngày. Nhiều gia đình khá giả còn chuẩn bị các lễ vật như: 1 con trâu, 1 con bò, 1 con heo, gà, rượu cần để cúng mừng lúa mới. Tuy nhiên, ngày nay phong tục này đã được rút gọn trong 1 ngày, tùy theo hoàn cảnh mà mỗi gia đình tổ chức lễ mừng cơm mới một cách đơn giản nhất để tránh tốn kém.

Để ngày lễ diễn ra thuận lợi, người đàn ông sẽ lo việc chuẩn bị rượu cần, heo, gà, vào rừng chặt cây, đẽo cột để buộc ché rượu cần trong lễ, còn phụ nữ đảm đương việc nấu nướng. Người già, trẻ nhỏ chọn váy, áo truyền thống mặc trong ngày lễ quan trọng này.

Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị chu đáo, chủ nhà sẽ mời thầy cúng được tín nhiệm nhất trong làng để tiến hành nghi lễ. Cùng lúc này, tiếng cồng chiêng vang lên báo hiệu Lễ cúng cơm mới bắt đầu. Thầy cúng thay mặt dân làng đọc lời khấn nguyện để tỏ lòng biết ơn, thành kính các vị thần. Cứ thế, lời khấn xin thần vang vọng khắp núi rừng.

Buôn văn hóa Sứt M'đưng, xã Cư Suê ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Sau khi thầy cúng thực hiện xong các nghi lễ cúng, chủ nhà đến bên mâm cúng lần lượt ăn các món, sau đó mời bà con buôn làng cùng ăn, uống rượu cần. Trong Lễ mừng cơm mới còn có nghi thức giành đồ ăn ở mâm rau củ. Điều này được thanh niên, trẻ con trong buôn làng thực hiện, có ý nghĩa hăng hái tìm kiếm cái mới, bỏ cái cũ, chuẩn bị cho mùa mới với nhiều hy vọng. Những người dự lễ sẽ được mời nối tay trên cần rượu, cùng nhau múa hát.

Già làng Y Suah Êban cho hay, ngoài Lễ mừng cơm mới thì lễ cúng bến nước cũng là nghi lễ rất quan trọng của người Ê Đê, thường diễn ra sau khi thu hoạch vụ mùa nhằm tạ ơn thần nước về kết quả vụ mùa trước. Đồng thời, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà trong buôn làng.

Ông Y Mang - Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Cư Mgar cho biết, cùng với phát triển kinh tế, hiện nay người dân tộc Ê Đê vẫn còn gìn giữ, duy trì nhiều nghi lễ, nét văn hóa truyền thống. Qua đó, góp phần tăng tinh thần đoàn kết, gắn bó của người dân trong các buôn làng, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, đời sống. Đồng thời, đây cũng là tiềm năng để đẩy mạnh phát triển du lịch gắn liền với truyền thống văn hóa. Thời gian qua, huyện Cư Mgar đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai thực hiện các đề án của tỉnh phục dựng các nghi lễ, lễ hội, bảo tồn văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn./.

Nguyễn Chính - Tâm An

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/net-van-hoa-dep-ngay-tet-cua-nguoi-e-de-153318.html