Nét tươi mới từ vùng hồ tiêu cảnh quan Đắk Song

Chương trình Cảnh quan hồ tiêu bền vững tại huyện Đắk Song (Đắk Nông) đến nay đã đạt được nhiều kết quả bước đầu. Chương trình đã tạo sự chuyển biến để nhân rộng trong những năm tới.

Người dân thăm vườn hồ tiêu cảnh quan và trao đổi kinh nghiệm

Điểm nổi bật về kết quả Chương trình cảnh quan hồ tiêu Đắk Song là việc xây dựng các tiểu dự án, quy mô bao phủ trên 4 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nam Bình và Nâm N’jang, với quy mô khoảng 1.800 ha hồ tiêu.

Các cây trồng xen như cà phê, sầu riêng, bơ, mắc ca… được bố trí hợp lý, tạo sinh thái vườn bền vững cho cây tiêu. Chương trình hướng đến hình thành vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững, với quy mô lớn, sản phẩm chất lượng cao.

Đây cũng là một phần trong mục tiêu tổng thể “Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tỉnh Đắk Nông” do Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) hỗ trợ.

Là hộ gắn bó với cây tiêu nhiều năm, ông Trần Văn Thủy, xã Nâm N’jang cảm nhận được nhiều điều mới lạ khi tham gia Chương trình hồ tiêu cảnh quan.

Ông Thủy cho biết, gia đình ông có 2,5 ha tiêu trồng xen với cây ăn quả, cây mắc ca. Khi được tham gia vào dự án, được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất bền vững, ông tự tin áp dụng và bước đầu có những kết quả khả quan.

Vườn tiêu của gia đình ông trở nên xanh tốt nhờ canh tác hữu cơ, thân thiện với môi trường. "Hy vọng năm tới năng suất hồ tiêu sẽ được cải thiện", ông Thủy cho biết.

Còn ông Hoàng Văn Tiến, xã Thuận Hạnh (Đắk Song), cũng trồng trên 2 ha hồ tiêu cảnh quan. Khi tham gia Chương trình, ông được trang bị thêm kiến thức thực hành canh tác tốt (GAP) trong sản xuất hồ tiêu.

Ông Tiến chia sẻ: “Qua các lớp tập huấn, tôi được hướng dẫn xây dựng, tạo cây che bóng mát cho vườn tiêu; được nâng cao kiến thức canh tác hữu cơ, bảo tồn các điều kiện sinh thái xung quanh nương rẫy”.

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đắk Song, Chương trình Cảnh quan hồ tiêu bền vững tại huyện Đắk Song nằm trong Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam”.

Dự án do Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững phát triển và hỗ trợ từ nguồn tài trợ của Liên minh châu Âu (EU). Dự án triển khai với mục tiêu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hồ tiêu bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Sản xuất theo hướng bền vững nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu cho nông dân Đắk Song

Cũng theo ông Vinh, Dự án thông qua việc kết hợp các biện pháp canh tác thích ứng biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, giảm khí nhà kính. Từ đó, giúp cải thiện điều kiện lao động, góp phần nâng cao thu nhập, việc làm và môi trường tốt hơn.

Chương trình Cảnh quan hồ tiêu bền vững tại huyện Đắk Song đã thiết kế được 2 cụm cảnh quan và 11 ô cảnh quan. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu xây dựng 6 ô cảnh quan; Công ty Cổ phần Haprosimex xây dựng 5 ô cảnh quan.

Các Công ty này cũng tiến hành xây dựng các bản đồ cảnh báo dư lượng; bản đồ độ phì nhiêu đất nhằm đưa ra những khuyến cáo thích hợp, có kế hoạch hành động kiểm soát dư lượng, chất lượng đầu vào nhằm giảm chi phí đầu tư.

Đánh giá của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững cho thấy, Chương trình cảnh quan cà phê bền vững ở Đắk Song phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Với những kết quả đạt được, Chương trình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trong thời gian tới.

Kim Ngân

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/net-tuoi-moi-tu-vung-ho-tieu-canh-quan-dak-song-156827.html