Nét Huế xưa ở làng cổ Phước Tích

Nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, làng cổ Phước Tích với tuổi đời gần 600 năm đã chọn cho mình một vị trí khá lặng lẽ, được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu hiền hòa với cảnh vật hữu tình, quanh năm yên tĩnh, còn mang nhiều nét Huế xưa cũ của những người đi mở đất vào xứ Đàng Trong.

1. Chặng đường ngồi trên ô tô kéo dài 40km từ trung tâm cố đô Huế về làng cổ Phước Tích thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Ðiền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) dường như ngắn lại khi ai cũng mải mê ngắm cảnh vật hai bên đường giữa mùa xuân khoe sắc.

Đường vào làng cổ Phước Tích.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến nơi này là ngôi làng mang đậm nét văn hóa Việt với những hàng rào chè tàu xanh chạy khắp đường làng, ngõ xóm. Đan xen là những ngôi nhà vườn đậm nét cổ xưa với cổng ngõ, sân vườn, bình phong, nhà chính.

Nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, làng cổ Phước Tích với tuổi đời gần 600 năm tuổi, đã chọn cho mình một vị trí khá lặng lẽ, được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu hiền hòa với cảnh vật hữu tình, quanh năm yên tĩnh, còn mang nhiều nét Huế xưa cũ của những người đi mở đất vào xứ Đàng Trong.

Làng cổ Phước Tích có diện tích khoảng 50ha, được xem là ngôi làng Việt cổ nhất ở miền Trung còn tồn tại cho đến ngày nay. Ngôi làng này có nhiều điều lôi cuốn từ cảnh vật hữu tình, yên bình, cho đến sự trân trọng của người dân nơi đây đối với di sản ông cha. Làng cổ vẫn giữ nét thanh bình, nhẹ nhàng không vội vã trong cuộc sống thường ngày. Dăm cụ già chống gậy đi lại hỏi thăm nhau, đôi khi một vài người đạp xe chậm rãi trên ngõ làng được lát gạch tươm tất.

Trước đây, vào giai đoạn hưng thịnh, cư dân trong làng Phước Tích tập trung khá đông với hơn 1.900 người, nhưng hiện tại chỉ còn vỏn vẹn khoảng 300 người và đa số là người già.

Điều lạ là nhà nào cũng chỉ có 1 - 2 người. Đó là bởi vì thời xưa nghề gốm ở Phước Tích rất phát triển, nên tất cả những người dân trong làng đều làm gốm. Nhưng hiện nay, ở làng cổ này hầu như không có đất nông nghiệp và nghề thủ công làm gốm đã mai một, cho nên đa số con em còn trẻ trong làng phải di chuyển vào những thành phố lớn để làm ăn sinh sống và gửi tiền cho cha mẹ, ông bà ở nhà.

Với những người già ở lại, họ không bị ảnh hưởng vì phát triển du lịch, vẫn chăm chút giữ được nét đặc trưng về nhà cửa của người dân xứ Huế xưa với cổng làng, miếu cổ, cây đa, cây thị, lũy tre, hàng cao xanh, các ngôi nhà rường, bến nước (có đến 12 bến nước), ao sen…

Đặc biệt, ở làng cổ Phước Tích, ai cũng tường tận lịch sử của làng như bài học đầu tiên trong đời. Điều này đã gây ấn tượng mạnh với tôi khi chứng kiến sự trân trọng của người dân Phước Tích đối với di sản của ông cha.

2. Các nhà rường cổ ở Phước Tích đều có tuổi thọ trên 100 năm, tổng thể vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Trong khuôn viên nhà rường hầu như không xây thêm các công trình chính bằng gạch, bê tông.

Bước qua chiếc cổng nhỏ, tôi vào căn nhà cổ được xây dựng từ năm 1908 của ông Lê Trọng Kiêm. Ngôi nhà được dựng theo lối nhà rường truyền thống xứ Huế với 1 gian 2 chái lớn, có bộ khung kết cấu kiểu sáu hàng chân với những nét chạm trổ tinh xảo. Tại gian giữa vẫn còn lưu giữ được rầm thượng (là gác lửng, hay kho chứa bên dưới mái nhà).

Ông Lê Trọng Diễn hồi tưởng lại niềm tự hào về nghề gốm xưa ở làng cổ Phước Tích.

Dù đã trải qua một số lần trùng tu, thế nhưng ngôi nhà này vẫn giữ được nguyên bản của nhà rường truyền thống. Tại ngôi nhà, gia chủ đã sưu tầm được nhiều sản phẩm gốm truyền thống của Phước Tích qua các thời kỳ, cũng như kỹ thuật làm gốm cổ để giới thiệu khi có khách đến thăm.

Ông Lê Trọng Diễn (cháu nội của cụ Lê Trọng Kiêm) kể lại, chính vua Gia Long đặt tên cho làng là Phước Tích, và cứ hàng năm chiếu lệ trong lễ tiến vua, dân làng phải làm cái om bằng đất để nấu cơm cho vua dùng (gọi là om ngự).

Cầm trên tay một bộ “om ngự” cổ của làng Phước Tích, ông Diễn cho biết lò nung gốm xưa ở đây đặc biệt hơn các làng gốm khác với màu nâu đen của đất sét nâu nung qua lửa, đây là gốm không men, bền, bóng mịn và tinh xảo.

Để làm nồi om tiến vua thì người dân Phước Tích phải chọn đất nung được tìm chọn kỹ càng, được làm bằng bàn tay tinh xảo của người thợ và nung riêng bằng củi, nếu nung bị lỗi thì phải đập bỏ ngay chứ không được sử dụng để bán hay tận dụng trong sinh hoạt vì bị coi là phạm thượng.

Hiện nay Phước Tích có 27 ngôi nhà cổ và 10 nhà thờ các dòng họ (trong số 117 ngôi nhà của làng), đa số là nhà rường dạng ba gian hai chái. Những ngôi nhà cổ ở đây tổ chức, sắp đặt có nề nếp, làm cho khoảng không gian đường làng, ngõ xóm trở nên thoáng đãng. Mỗi nhà đều có khu vườn rộng chừng 1.000 - 1.500m2, trồng các loại cây ăn trái theo mùa, trong đó có loại cây phổ biến nhất ở đây là cây vả thường được trồng ở góc vườn.

Đường làng yên bình ở Phước Tích với nét đặc trưng là cổng ngõ, sân vườn, bình phong, hàng rào chè tàu xanh trước mỗi ngôi nhà cổ.

Không chỉ là nhà rường cổ, ở Phước Tích vẫn còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa khác của người xưa như dấu tích của nền văn hóa Chăm cổ, những thiết chế tổ chức làng Việt, hệ thống các công trình tôn giáo, tín ngưỡng...phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng.

3. Về lịch sử ngôi làng Phước Tích, vốn được thành lập vào năm 1.470. Người khai lập ngôi làng là ông Hoàng Minh Hùng, một vị phó tướng quân dưới thời vua Lê. Sau khi đánh thắng quân Chiêm Thành, dưới lệnh vua ban, vị tướng quân đã trở về quê hương của mình ở Cẩm Quyết, Quỳnh Lưu (Nghệ An) để huy động thêm 12 dòng họ vào đây khai hoang, lập ấp.

Điểm đặc biệt nữa là làng này từng có khá nhiều tên. Đầu tiên làng có tên là Cẩm Quyết dựa trên nguồn gốc xuất xứ của người dân nơi đây. Sau đó, làng lại được đổi tên là Phúc Giang, Hoàng Giang, Phượng Giang như thể hiện một ngôi làng nằm gần sông nước có nhiều phúc lộc. Và cuối cùng khi vua Gia Long lên ngôi đã đổi tên là làng Phước Tích cho đến ngày nay, như là mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu.

Tác giả đứng trước một ngôi nhà cổ xưa ở làng Phước Tích.

Những lưu dân từ Nghệ An vào đây mang theo nghề gốm và qua thời gian đã làm nên tên tuổi hàng gốm Phước Tích. Thời thịnh vượng của nghề gốm xưa, cả làng có 12 lò suốt ngày đêm đỏ lửa nung gốm. Hàng ra lò được vận chuyển bằng thuyền từ bến sông Ô Lâu đưa đi bán ở các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và xa hơn nữa…Tuy nhiên, ngày nay nghề gốm ở đây đã mai một.

Trải qua gần 600 năm, điều đọng lại ở Phước Tích là vẫn giữ được những nét rất xưa của một ngôi làng Việt ở miền Trung. Với nhiều giá trị cổ kính được nhìn nhận, cho nên ngôi làng này được công nhận là “ngôi làng cổ xưa thứ hai của Việt Nam” (chỉ sau làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội), và là làng Việt cổ nhất ở Huế và các tỉnh miền Trung. Những dấu tích của làng Việt xưa ở Phước Tích không chỉ là di sản lịch sử mà còn là tài nguyên thực sự với chính những người dân nơi đây, đã và đang cố gắng bảo vệ gìn giữ tất cả những gì cần để lại cho con cháu đời sau.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/net-hue-xua-o-lang-co-phuoc-tich-1097791.html