Nét đẹp điệu múa xoang

Những năm qua, dường như từng bài múa, từng động tác múa xoang đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Chỉ cần có lễ hội, có tiếng cồng chiêng vang lên là sẽ có vũ điệu xoang. Đây là điệu múa góp phần kết nối cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây.

Không quy định số lượng, xoang là điệu múa mang tính cộng đồng, ai cũng có thể tham gia trong những dịp lễ hội. Người múa xoang thường chuyển động theo những đường cong, di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng. Người đi trước đồng điệu theo người đi sau, phối hợp giữa co và duỗi chân, tay, nhún nhẩy đung đưa thân mình.

Từ xa xưa, điệu xoang được đồng bào Tây Nguyên sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, săn bắt hay bắt chước theo những loài chim thú quen thuộc của núi rừng. Đặc trưng của xoang là nhẹ nhàng, nồng nhiệt vừa phải. Xuất phát từ hoạt động lao động sản xuất, họ sáng tạo ra từng động tác để thể hiện những cảm xúc như: buồn vui, cầu xin, đón nhận…

Với đặc tính dễ học, dễ múa nên ngày nay, điệu xoang không còn bó hẹp trong buôn làng. Mỗi khi có lễ hội, ngay cả những người không biết đến điệu xoang cũng có thể tham gia múa theo. Trên nền tiếng cồng chiêng rộn ràng, điệu múa Xoang nhịp nhàng, uyển chuyển của già trẻ, gái trai, đã cuốn hút mọi người cùng vào vòng Xoang tạo nên tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.

Kim Liên -

Việt Bảo

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/net-dp-dieu-mua-xoang-187442.htm