NẾP SỐNG VĂN MINH TỪ Ý THỨC MỖI NGƯỜI

UBND TP Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến của người dân để hoàn thiện Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Dự thảo có nhiều điểm mới, đáng chú ý là tại Điều 4, dự thảo quy định cách ứng xử đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong không gian phố đi bộ. Theo đó, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử nơi công cộng, có thái độ ứng xử văn hóa, trang phục lịch sự, không có hành vi, lời nói thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục...

Thực ra không chỉ riêng trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận mới cần thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử mà ở bất kỳ đâu, vào bất cứ lúc nào cũng cần điều này. Một xã hội văn minh, một Thủ đô ngàn năm văn hiến thì rõ ràng càng phải xây dựng, đề cao giá trị văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử nơi công cộng nói riêng. Thế nhưng thực tế hiện nay, mỗi khi ra đường không khó để bắt gặp cảnh nói tục, chửi bậy, hút thuốc lá nơi công cộng, ăn mặc phản cảm tại những nơi tôn nghiêm... Bên cạnh đó, những hành động, việc làm thiếu ý thức giữ gìn nếp sống văn minh còn xuất hiện ở nhiều người, nhiều nơi, như tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, xả rác bừa bãi, chen lấn, xô đẩy khi tham gia giao thông, thậm chí có những lời nói thô tục, "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" khi va chạm giao thông... Những biểu hiện không đẹp này cho thấy ý thức xây dựng, giữ gìn nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế.

 Cần hình thành nếp sống văn minh từ mỗi người. Ảnh minh họa: TTXVN.

Cần hình thành nếp sống văn minh từ mỗi người. Ảnh minh họa: TTXVN.

Nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử là những khái niệm tưởng như trừu tượng nhưng lại thể hiện qua từng lời nói, hành động cụ thể của mỗi người. Không thể có nếp sống văn minh khi không có những người có văn hóa. Bởi vậy, muốn xây dựng nếp sống văn minh phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức, ý thức, “phông” văn hóa của mỗi người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ-chủ nhân tương lai của đất nước. Cha ông ta dạy: “Uốn cây từ thuở còn non. Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”, cho thấy tầm quan trọng của việc giáo dục con em ngay từ tấm bé. Để có những công dân tương lai giàu tri thức, đạo đức, có văn hóa ứng xử phù hợp thì các em phải được uốn nắn, dạy bảo từ nhỏ. Giáo dục trong gia đình phải kết hợp chặt chẽ với giáo dục ở nhà trường, xã hội, trong đó gốc rễ là từ gia đình. Cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực để con cái noi theo. Nhà trường, xã hội cũng phải là nơi nuôi dưỡng, rèn luyện, phát triển nhân cách, lối sống đẹp của các em... Tất cả những điều này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của “người lớn” trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử. Nếu không, cả gia đình, nhà trường và xã hội sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh giáo dục thế hệ trẻ thành những người có văn hóa.

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, văn hóa ứng xử của người dân tại nơi công cộng, trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành quy chế với những quy định cụ thể, như Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, là rất cần thiết. Để quy chế thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, cũng cần có chế tài phù hợp đối với các hành vi, lời nói thiếu văn hóa, trái thuần phong mỹ tục... Phải nâng mức xử phạt, đồng thời kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm để tạo sự răn đe, không để xảy ra tình trạng “nhờn luật”.

ĐỨC THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nep-song-van-minh-tu-y-thuc-moi-nguoi-641999