Nẻo về nguồn cội Lễ Môn

Lễ Môn là một trong ba làng của xã Gio Phong trước đây, nay có tên gọi mới là xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nằm trên vùng đất đỏ ba dan màu mỡ, mưa thuận gió hòa nên các loại cây trái ở đây quanh năm tốt tươi, sum suê hoa lợi. Con người làng Lễ Môn bao đời cần cù chịu thương chịu khó, tạo dựng nên một miền quê thanh bình, nhưng là hồn cốt của dân tộc trong mỗi địa tầng văn hóa.

 Các đạo sắc phong tại làng Lễ Môn - Ảnh: VIỆT HÀ

Các đạo sắc phong tại làng Lễ Môn - Ảnh: VIỆT HÀ

Qua bao năm tháng thăng trầm “vật đổi sao dời”, bên cạnh những văn tự còn lưu lại thì có nhiều truyền thuyết gắn liền với xuất xứ của mỗi làng quê trên đất Việt. Ở làng Lễ Môn này cũng vậy, tuy nhiên có một điều lý thú là trong câu chuyện tưởng chừng như huyền sử ấy thì tên của làng lại gắn liền với tên một số làng lân cận trong một không gian tâm linh khá đồng nhất.

Chuyện lưu truyền trong dân gian rằng, xưa kia khi các nhóm cư dân từ Đàng Ngoài tiến vào xứ Đàng Trong lập nghiệp, các làng ở vùng này mới hình thành nên chưa có tên làng. Vào một hôm mưa to gió lớn từ đâu trên nguồn trôi về một củ môn rừng to khổng lồ, khi củ môn đến vùng đất đầu tiên, người dân ở đây khiếp sợ nên đẩy nó xuôi theo dòng nước, củ môn đến vùng đất thứ hai thì người dân ở đây lập đàn làm lễ cung kính sau đó chia từng phần cho các gia đình, phần da môn họ tiếp tục thả trôi đến vùng đất tiếp theo thì dừng lại.

Sau này, cư dân các vùng lấy sự tích này đặt cho tên làng của mình là Kinh Môn, Lễ Môn, Gia Môn. Chuyện trên đây đúng sai chưa được tỏ tường, nhưng mọi huyền sử thì bao đời vốn vậy, hư hư thực thực, như làn khói lam chiều la đà bên sông rồi bay về trời…

Ngược dòng lịch sử, ông Nguyễn Hoàng, một hào lão trong làng Lễ Môn cho hay: “Làng Lễ Môn được ba ngài là Nguyễn Đình Dần, Trần Hoa Lai và Nguyễn Văn Nước - là bổn thổ khai cơ hương hiệu Lễ Môn vào giữa thế kỷ thứ 16, đến nay ước chừng khoảng 500 năm. Hồi đó theo đoàn dân binh vào Đàng Trong lập nghiệp, đến vùng đất này, thấy thế đất thế sông thuận hòa, có thể phát triển sự nghiệp lâu dài cho con cháu đời sau, các vị tiên linh của làng đã dừng chân cắm nêu lập làng”.

Theo gia phả còn lưu lại trong các họ thì xưa kia dưới là vùng đầm lầy lội, trên thì cọp beo gầm rú thâu đêm. Vùng Dốc Miếu bây giờ xanh tươi cây trái, hồi đó là vùng rừng cây rậm rạp chạy dọc lên đến tận xứ Cồn Tiên. Trải qua hàng trăm năm, các vị khai khẩn, khai canh và bao thế hệ của làng Lễ Môn đã tạo dựng nên một ngôi làng có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử.

Có một điều đặc biệt ở làng Lễ Môn là hiện nay cả ba họ tộc có công tiền khai khẩn ra làng đều có giữ các đạo sắc phong của vua Minh Mạng- nhà Nguyễn ghi công trạng ba vị bổn thổ khai cơ ra làng. Đây là một điều hiếm có, hiếm gặp bởi giữ được một đạo sắc phong của vị vua đầu tiên nhà Nguyễn, qua hàng trăm năm thiên tai khắc nghiệt miền Trung, lại thêm chiến tranh tao loạn liên miên, đến mạng sống con người còn khó giữ huống hồ là một tờ giấy cổ.

Ông Nguyễn Ngọc, họ Nguyễn Khắc chia sẻ rằng: “Trong những năm tháng chiến tranh, đặc biệt là chống Pháp và chống Mỹ, phải chạy loạn cả làng, rồi mưa bom bão đạn, tuy phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ ruộng nương đi lánh nạn, nhưng những bậc trưởng thượng trong họ tộc đã không màng gì của cải chỉ để giữ gìn đạo sắc phong đó”.

Những đạo sắc phong mộc bản quý giá đó được nâng niu quý trọng, lưu truyền, là niềm tự hào không chỉ của họ tộc mà còn của người làng Lễ Môn. Khi mở một tờ sắc phong cổ kính, nhìn ánh mực đen điểm trên thiếp vàng của giấy điệp, ta như thấy cả ngàn xưa hiện về. Chợt cảm ngộ câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Khi nhắc về dấu tích xưa còn sót lại, người làng Lễ Môn từ già cho đến trẻ đều nhắc đến giếng cổ của làng. Đây là những giếng nước ngầm cổ của người Chăm còn sót lại nơi đây. Một số giếng cổ đến nay vẫn được người dân sử dụng, lấy nước sinh hoạt và tưới tắm cho ruộng đồng. Hiện nay trong làng có ba cái giếng cổ và giếng Đá đã được đầu tư tôn tạo làm điểm di tích lịch sử văn hóa.

Bao đời nay, người dân Lễ Môn luôn có tinh thần yêu nước nồng nàn. Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, Lễ Môn trở thành vùng đai trắng, cứ điểm khét tiếng Dốc Miếu của địch, người dân Lễ Môn bị dồn vào các trại tập trung, đất đai làng mạc bị Mỹ san ủi xây dựng đồn bốt, tuyến hàng rào điện tử McNamara.

Qua khỏi cuộc chiến tranh, người dân Lễ Môn bắt tay vào xây dựng lại quê hương. Với sự can trường vốn có, người Lễ Môn đã làm hồi sinh đất mẹ, phủ kín đất trống đồi trọc bằng những niềm tin và ước mơ xanh của mình. Trong công cuộc khai hoang phục hóa, rà phá bom mìn đó, có không ít người chết và bị thương tật vì hậu quả chiến tranh.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Lễ Môn triển khai và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Vùng đất mang đầy thương tích chiến tranh năm xưa này giờ đây phủ xanh bởi những đồi trồng cây công nghiệp, những vườn tiêu sai quả, vấn vương theo gió là ngọt ngào của hương đất, tình người đậm đà theo năm tháng. Làng Lễ Môn được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là một trong những làng văn hóa đầu tiên của của tỉnh năm 1997 và lần thứ hai vào giai đoạn 2004-2007.

Nguyễn Việt Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=160478&title=neo-ve-nguon-coi-le-mon