Nền tảng mang đến thành quả trong phát triển kinh tế-xã hội của Vĩnh Phúc

Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quán triệt sâu rộng đến cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân về mục đích, nội dung, nhiệm vụ của nghị quyết; chủ động, tích cực nghiên cứu để tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, đề án, chương trình, dự án, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Công ty TNHH Arcadyan Technology Việt Nam, KCN Thăng long Vĩnh Phúc luôn chủ động các đơn hàng, tạo việc làm ổn định cho người lao động, đóng góp cao cho ngân sách địa phương

Công ty TNHH Arcadyan Technology Việt Nam, KCN Thăng long Vĩnh Phúc luôn chủ động các đơn hàng, tạo việc làm ổn định cho người lao động, đóng góp cao cho ngân sách địa phương

Đánh giá chung cho thấy, trong nửa đầu nhiệm kỳ đại hội, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã bám sát các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, xác định rõ quan điểm lãnh đạo, thể hiện quyết tâm tập trung cao độ, bài bản thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội.

Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Kiểm soát tốt dịch Covid-19 và thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 7,5-8,1%/năm; ước năm 2023 quy mô GRDP theo giá hiện hành đạt khoảng 160 nghìn tỷ đồng, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 132,5-133,5 triệu đồng/người/năm. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm; trong đó Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa, UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã và đang được đẩy mạnh triển khai.

Các hoạt động bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa, xây dựng các phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao được nâng cao. An sinh xã hội được quan tâm; đời sống nhân dân được chú trọng với phương châm chuyển thành quả phát triển kinh tế vào đời sống, nâng cao thu nhập và phúc lợi cho người dân.

Hoạt động quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường. Cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục hành chính được tập trung triển khai, nhờ đó các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đều nằm trong Top đầu của cả nước. Hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành được nâng lên. Quốc phòng-an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng trên vẫn còn không ít tồn tại, vướng mắc làm ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong cả nhiệm kỳ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, về mặt khách quan có thể kể đến tình hình suy thoái kinh tế chung trên thế giới cũng như trong nước, tình hình dịch bệnh, thiên tai, môi trường... Nhưng những nguyên nhân bắt nguồn từ yếu tố chủ quan cũng cần được đặc biệt quan tâm, làm rõ để có thể kịp thời đưa ra những giải pháp khắc phục.

Đó là vai trò, trách nhiệm nêu gương của một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền có lúc, có nơi, có thời điểm chưa được phát huy đầy đủ.

Tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; phương thức, cách thức làm việc chưa chuyên nghiệp, thiếu khoa học, gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

Việc tổ chức chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình công tác, một số nhiệm vụ cụ thể được giao của một số ngành, địa phương chưa quyết liệt, chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Trong bối cảnh trong nước và trên thế giới có nhiều biến động cùng hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, Vĩnh Phúc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng; tỉnh vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các hạn chế, yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại, trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh.

Quá trình thực hiện có nhiều điểm mới, cách làm hay, sáng tạo, điển hình như việc giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng “sản phẩm” được thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

Quan điểm “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh” trở thành tư tưởng xuyên suốt, từ đó tỉnh đã ban hành các nghị quyết và cơ chế, chính sách nhằm nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, Làng văn hóa kiểu mẫu…

Có thể nói, bên cạnh những khó khăn, tồn tại, những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay khá toàn diện. Qua đó đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý để có thể tiếp tục thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong cả nhiệm kỳ.

Đó là kiên trì bám sát các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Tập trung cao độ, quyết liệt, bài bản cho việc triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và các chính sách của Trung ương về thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng chi tiết các kịch bản, giao nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Tổ chức, triển khai sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch vào thực tiễn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, rà soát các lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước và ngành, các lĩnh vực.

Kế thừa, phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ bản lĩnh chính trị, năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, cách làm bài bản, dân chủ, chắc chắn, có bước đi thích hợp. Xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá.

Tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị; thống nhất quan điểm phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế-xã hội và môi trường, lấy mục tiêu phục vụ nhân dân, con người là trung tâm của mọi quyết định, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, xây dựng xã hội ổn định, an toàn, môi trường sống, điều kiện sống tốt nhất cho người dân.

Bài, ảnh: Quang Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95141//nen-tang-mang-den-thanh-qua-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-vinh-phuc