Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng

Sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 27 để cho ý kiến về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao đang được Chính phủ quan tam thực hiện. Ảnh: Tuyengiao.vn

Theo báo cáo về tình hình 9 tháng và dự kiến cả năm 2023, Chính phủ cho biết nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.

Trong đó nổi bật là tăng trưởng kinh tế với quý sau cao hơn quý trước (GDP quý III tăng 5,33% so với cùng kỳ; quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá sôi động, 9 tháng tăng 6,32%; thu hút được 8,9 triệu lượt khách quốc tế, vượt mục tiêu cả năm. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,68%...

Một số ý kiến cho rằng cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các-bon và kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó là những vấn đề như một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả, như thủ tục hành chính, tiến độ lập và triển khai quy hoạch, việc triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm. Lạm phát có dấu hiệu đảo chiều tăng trong 3 tháng gần đây…

Bước sang năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Năm 2024, Chính phủ tiếp tục đặt ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó: Tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 - 4,5%...

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển bền vững, ổn định, lành mạnh các loại thị trường. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao; tập trung đào tạo 50 - 100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử đến năm 2025 và 2030…

Phúc Nguyễn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nen-kinh-te-viet-nam-tiep-tuc-la-diem-sang-356580.html