Nền kinh tế châu Âu chao đảo vì đại dịch

Khi số người mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt mốc một triệu, thế giới càng quan ngại sâu sắc hơn về nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái. Giới chức châu Âu, nơi ghi nhận khoảng 50% ca nhiễm trên thế giới, cũng có cùng nỗi lo này khi năm nền kinh tế lớn của 'lục địa già', gồm Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha, nằm trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (virus SARS-CoV-2) gây ra.

Ảnh minh họa đồng euro. (Nguồn: Reuters)

NDĐT - Khi số người mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt mốc một triệu, thế giới càng quan ngại sâu sắc hơn về nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái. Giới chức châu Âu, nơi ghi nhận khoảng 50% ca nhiễm trên thế giới, cũng có cùng nỗi lo này khi năm nền kinh tế lớn của “lục địa già”, gồm Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha, nằm trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (virus SARS-CoV-2) gây ra.

Nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái

Đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu với diễn biến khó lường, đặc biệt là tại “tâm chấn” châu Âu. Tính đến sáng 3-4, số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã lên tới 1.014.499, và 53.166 người đã tử vong tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng tại châu Âu, đã có hơn 503 nghìn người mắc và 33.600 người tử vong do Covid-19. Đáng chú ý, số ca tử vong trong ngày tại châu Âu liên tục lập kỷ lục. Hôm qua, châu Âu ghi nhận hơn 3.500 ca tử vong tại 32 quốc gia. Thông qua phân tích số liệu thống kê về dịch bệnh, hàng loạt tổ chức trên thế giới đã công bố những con số báo động về nguy cơ nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) ngày 27-3 công bố báo cáo dự đoán cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra sẽ khiến lượng du khách quốc tế trong năm 2020 giảm 20-30% so với tổng số khách du lịch quốc tế của năm 2019 (1,5 tỷ lượt). Theo đó, các khoản thu từ du khách quốc tế sẽ bay hơi khoảng 300-450 tỷ USD, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm khoảng 80% số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp không khói sẽ trực tiếp hứng chịu cú sốc đau thương này.

Trong khi đó, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo, đại dịch Covid-19 có thể khiến các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu giảm 30-40% trong giai đoạn 2020-2021.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trung tuần tháng 3 cũng đưa ra đánh giá ban đầu về tác động của dịch bệnh. Theo ILO, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp.

Đặt châu Âu vào trong bức tranh chung của thế giới, các nhà lãnh đạo cũng như tổ chức toàn cầu và khu vực không thể ngừng quan ngại về triển vọng kinh tế của “lục địa già”.

Năm nền kinh tế lớn của châu Âu lao đao trong tâm dịch

Khi Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha bất đắc dĩ lọt vào tốp 10 quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng Covid-19 thì cũng là lúc giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) và nhà lãnh đạo của các quốc gia này định hình rõ hơn về những thách thức mà họ chuẩn bị đương đầu.

Thay vì tăng trưởng 0,5% trong năm nay như dự báo của Ngân hàng Italy, nền kinh tế của “đất nước hình chiếc ủng” có thể sẽ giảm 3% hoặc nhiều hơn nữa, tùy thuộc vào thời gian và mức độ đại dịch hoành hành trên toàn quốc. Triển vọng kinh tế của Italy trong thời gian tới chắc chắn sẽ kém tươi sáng. Ngay lúc này, Italy đang phải chạy đua với thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế chứng kiến số ca bệnh và tử vong cao nhất châu Âu, với hơn 115 nghìn người bệnh và gần 14 nghìn ca tử vong.

Liên đoàn Công nghiệp Italy (Confindustria) cho biết, sản xuất công nghiệp trong quý I-2020 sẽ giảm 5,4%, mức giảm lớn nhất trong 11 năm qua. Theo phân tích của Confindustria, tác động của Covid-19 và các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh trong tháng 3 vừa qua là rất lớn vì hoạt động công nghiệp đã giảm 16,6% so với tháng 2, như vậy chỉ số sản xuất Italy đã quay về mức của 42 năm trước. Đây là hệ quả của việc Italy đóng cửa khoảng 60% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sản xuất.

Trong tuyên bố ngày 2-4, Confindustria đưa ra hai kịch bản. Nếu giai đoạn cam go của tình trạng y tế khẩn cấp hiện nay chấm dứt vào tháng 5-2020 và hoạt động sản xuất dần được khôi phục từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 6-2020 thì GDP của Italy trong hai quý đầu năm 2020 sẽ giảm 10% so cuối năm 2019. Nhưng về tổng thể, GDP của nước này trong năm nay sẽ giảm 6%. Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp được kéo dài sau tháng 5 tới thì Confindustria sẽ buộc phải hạ mức các dự báo. Theo đó, GDP của Italy sẽ giảm thêm khoảng 0,75% trong mỗi tuần các hoạt động sản xuất bị gián đoạn.

Với hơn 112 nghìn ca nhiễm và 10.300 ca tử vong, Tây Ban Nha đang là điểm nóng thứ hai về dịch bệnh tại châu Âu và thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Italy. Số liệu về tình hình thất nghiệp hằng tháng mới được công bố hôm qua cho thấy, dịch bệnh đang gây áp lực cho nền kinh tế Tây Ban Nha ở mức nào. Quốc gia có 46,8 triệu dân đã ghi nhận hơn 303 nghìn người mất việc làm trong tháng 3 vừa qua và có tới 3,55 triệu người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người đóng góp cho hệ thống an sinh xã hội giảm gần 834 nghìn trường hợp trong bối cảnh lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 14-3 trên toàn quốc, gây ảnh hưởng không ít đến các doanh nghiệp nhỏ và những người tự kinh doanh. Dữ liệu của Hệ thống giao thông công cộng Madrid đã nói lên phần nào tình trạng trì trệ của nền kinh tế. Cụ thể, nhu cầu tham gia giao thông công cộng của người dân đã giảm 93% so cùng kỳ năm 2019. Chính phủ Tây Ban Nha thông báo sẽ bơm 200 tỷ euro vào nền kinh tế quốc gia thông qua hàng loạt biện pháp ứng phó với các tác động của dịch bệnh.

Đến nay, Đức đã ghi nhận gần 85 nghìn ca bệnh và hơn 1.100 người chết do Covid-19, tỷ lệ tử vong tại đây thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác. Tuy nhiên, Hội đồng Chuyên gia kinh tế (GCEE) có nhiệm vụ tư vấn kinh tế cho Chính phủ Đức dự đoán, GDP của Đức trong năm 2020 có thể sẽ giảm 2,8% do dịch bệnh, sau đó tăng trưởng 3,7% vào năm 2021. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Đức IFO, nền kinh tế của nước này sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Hạ mức dự báo kinh tế xuống gần ba điểm phần trăm trong kịch bản được đánh giá là rất tích cực, IFO cho rằng nền kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái và giảm 1,5% trong năm 2020. Dù nhận định GDP của Đức vẫn tăng nhẹ trong quý I-2020 nhưng IFO cảnh báo cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra sẽ bộc lộ toàn bộ sức tàn phá của nó trong quý II, khiến GDP giảm 4,5 điểm phần trăm.

Loại trừ các tác động dài hạn như nhiều công ty bị phá sản, IFO dự báo tổng thiệt hại của nền kinh tế sẽ ở mức 115 tỷ euro (gần 124 tỷ USD) vào năm 2021. Viện nghiên cứu này đồng thời cảnh báo, đại dịch sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, số người có việc làm sẽ giảm lần đầu tiên trong vòng 15 năm gần đây. Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp xe hơi của Đức sẽ chịu tổn thất nặng nề trong năm nay và thậm chí lâu hơn nữa. Các hãng sản xuất và cung cấp xe hơi trên toàn quốc có thể phải cắt giảm hơn 100 nghìn việc làm, tương đương 12% tổng số 830 nghìn việc làm trong lĩnh vực vốn là thế mạnh của nước Đức.

Tình hình dịch bệnh tại Pháp ngày càng phức tạp khi số ca bệnh và tử vong tăng cao từng ngày, với gần 59.500 ca bệnh và 3.160 ca tử vong. Hôm qua, Bộ trưởng Lao động Pháp Muriel Penicaud thông báo, nước này đang triển khai “kế hoạch thất nghiệp một phần” đối với bốn triệu người lao động. Như vậy, trong năm người lao động tại Pháp lại có một người đang là đối tượng của chương trình ứng phó với dịch bệnh. Theo kế hoạch này, nhà tuyển dụng lao động sẽ trả cho nhân viên phần lớn tiền lương trong thời gian họ tạm thời nghỉ làm. Sau đó, nhà nước sẽ hoàn trả đầy đủ cho các doanh nghiệp số tiền có thể cao hơn mức lương tối thiểu 4,5 lần. Chính phủ Pháp đã nhanh chóng xúc tiến thủ tục giúp doanh nghiệp thực hiện kế hoạch chi trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, truyền thông địa phương ước tính, cơ chế giúp người lao động tránh nguy cơ thất nghiệp có thể khiến Pháp phải chi trả hàng tỷ euro. Trong tháng 3 vừa qua, chỉ số niềm tin hằng tháng tại Pháp giảm 10 điểm, mức tụt dốc sâu nhất kể từ khi chỉ số này được bắt đầu theo dõi vào năm 1980. Chính phủ dự báo, tăng trưởng của Pháp sẽ không đạt mục tiêu 1,3% trong năm 2020 khi GDP có nguy cơ giảm 1%.

Theo Standard & Poor's Global Ratings, hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh đang đối mặt với suy thoái và GDP của Eurozone và Anh sẽ giảm khoảng 2% trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc GDP năm 2020 của Eurozone và Anh sẽ mất khoảng 420 tỷ euro so với dự báo mà Standard & Poor's Global Ratings đưa ra hồi tháng 11-2019. Trong tình hình căng thẳng này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hối thúc chính phủ làm mọi việc có thể để vực dậy nền kinh tế. Chính phủ Anh mới đây thông báo sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vay 330 tỷ bảng (gần 400 tỷ USD) để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trước đó, Anh đã công bố gói 30 tỷ bảng nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Châu Âu loay hoay đưa ra giải pháp tổng thể

Nếu như tính đến ngày 1-2, châu Âu chỉ có hơn 20 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 thì lúc này con số đó đã sinh sôi nảy nở hàng chục nghìn lần. Thực tế khủng khiếp này đã đẩy các nền kinh tế lớn của châu Âu nằm trong tốp đầu “bảng xếp hạng Covid-19” mà chắc chắn chẳng quốc gia nào mong muốn lọt vào. Sau những ngày ít ỏi bình thản trước dịch bệnh, chính phủ các nước châu Âu đã liên tục ban bố và điều chỉnh biện pháp khẩn cấp, phong tỏa đất nước, hạn chế đi lại, đóng cửa doanh nghiệp không thiết yếu... tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình hình trong nước. Thậm chí, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez còn thừa nhận rằng, đất nước của ông đang trong tình trạng chiến tranh. Bên cạnh đó, các quốc gia châu Âu cũng giải ngân nhiều gói cứu trợ chưa từng có với hai mục tiêu chính là cải thiện hệ thống y tế và giải cứu nền kinh tế.

Sau khi các nước châu Âu triển khai chiến lược riêng lẻ để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, giới chức “lục địa già” mới thật sự bừng tỉnh và ráo riết tìm kiếm giải pháp tổng thể cho toàn khu vực. Trong một đại dịch có khả năng làm tê liệt châu Âu, các nhà lãnh đạo buộc phải triển khai biện pháp ứng phó chưa có tiền lệ. Có thể điểm lại những quyết định đáng chú ý nhất của EU liên quan đến vấn đề tài chính như khối này đã công bố quỹ đầu tư lên tới 37 tỷ euro để hỗ trợ khẩn cấp các nước trong khối, cho phép tất cả các nước thành viên đưa ra mọi biện pháp cấp thiết để bảo vệ nền kinh tế. EU cam kết huy động 140 triệu euro để triển khai 17 dự án, trong đó có dự án phát triển các loại vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Lần đầu tiên trong lịch sử, EU quyết định ngừng các nguyên tắc tài chính về nợ công và Ngân hàng châu Âu (ECB) đã tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro.

Giữa tháng 3-2020, các nước thành viên EU đã thông qua kế hoạch chung tạm thời đóng cửa biên giới khu vực EU. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, tất cả những người không phải công dân EU sẽ không được nhập cảnh vào khu vực này trong ít nhất 30 ngày và có thể kéo dài nếu cần thiết. EU vẫn cho phép hoạt động di chuyển nội khối nhưng sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát, hạn chế nhất định. Vì vậy, giới phân tích đã bình luận rằng, Covid-19 đang tấn công trực tiếp vào niềm tự hào "không biên giới" của EU.

Sau nhiều lần họp trực tuyến, đến ngày 26-3 vừa qua, Hội đồng châu Âu mới chính thức khẳng định, ưu tiên hàng đầu của EU là hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Đây là bước đột phá trong nhận thức chung của EU về ứng phó với dịch bệnh gây chết người hiện nay. Dù các biện pháp chung của EU được đưa ra khi số ca nhiễm đã tăng theo cấp số nhân, nhưng có thể thấy những biện pháp này đều có ý nghĩa quan trọng, giúp các nước châu Âu nhận thấy sợi dây kết nối trong “ngôi nhà chung” và không rơi vào hoảng loạn khi đứng trước “kẻ thù vô hình”. Từ trong tâm dịch của châu Âu, Thủ tướng Tây Ban Nha phát đi thông điệp, châu Âu phải lựa chọn giữa tinh thần đoàn kết, thống nhất và chủ nghĩa cá nhân khi dự án châu Âu đang bị đe dọa. Còn Thủ tướng Italy hối thúc, đã đến lúc EU phải chứng minh khối này là một khối thống nhất.

Những con số biết nói cho thấy tình thế của châu Âu đã thật sự khẩn cấp và các nước cần phải làm mọi việc có thể để chặn đứng đại dịch, nếu không thì hậu quả “lục địa già” phải gánh chịu sẽ là khôn lường trên mọi mặt!

HOÀNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43909202-nen-kinh-te-chau-au-chao-dao-vi-dai-dich.html