Nền chi phí tăng giữa lúc nhu cầu thấp kéo dài đang làm doanh nghiệp Việt bế tắc

Nhu cầu thị trường vẫn còn thấp, trong khi nền chi phí tăng cao (gồm cả lãi suất vẫn duy trì cao, giá điện tăng 3%) dẫn đến lợi nhuận sa sút, áp lực cân đối dòng tiền cho sản xuất kinh doanh… đang làm khó doanh nghiệp (DN) dệt may. Đây cũng là khó khăn chung khiến cho nhiều DN Việt bế tắc, để cắt giảm chi phí thì không chỉ cần sự tự thân của họ mà nên có sự điều chỉnh kịp thời ở khâu chính sách.

Trong báo cáo thường niên mới được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) công bố nhằm chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên 2023 (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5/2023) có cho biết trong quý 2/2023, diễn biến thị trường vẫn trong giai đoạn phức tạp, chưa có dấu hiệu cải thiện trong ngắn hạn.

Áp lực cân đối dòng tiền

Trước bối cảnh nhu cầu thấp và nền chi phí tăng cao, dự kiến lợi nhuận quý 2/2023 của Vinatex sẽ chỉ hơn 58,1 tỷ đồng, tức là chỉ bằng một nửa lợi nhuận quý 1/2023. Trong khi đó, lợi nhuận quý 1/2023 đã sụt giảm đến 72% so với cùng kỳ năm trước. Do đối mặt nhiều thách thức nên năm nay, Vinatex đặt mục tiêu lợi nhuận giảm gần 50% so với năm 2022.

Trước bối cảnh nhu cầu thấp và nền chi phí tăng cao, các nỗ lực giảm giá thành của DNsản xuất sẽ càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí bế tắc.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, việc quản trị dòng vốn cho sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn này của tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Theo ông Hiếu, khách hàng có xu thế giãn thời gian giao hàng và thời hạn trả nợ dẫn đến thời gian thu hồi vốn bị kéo dài. Nhu cầu về vốn lưu động tăng trong khi hạn mức vay vốn ngân hàng bị thắt chặt, tạo áp lực rất lớn cho các đơn vị trong việc cân đối dòng tiền cho sản xuất kinh doanh.

Không những vậy, với mức lãi suất xoay quanh 10%/năm như hiện nay càng làm chồng chất khó khăn cho các DN dệt may. Trong khi chi phí sản xuất tăng, các khách hàng cắt giảm đơn hàng do lo ngại về tiêu thụ cũng như chưa đẩy bớt hàng tồn kho, nên nhiều DN dệt may đều phải tạm hoãn, dừng các dự án mở rộng thị trường, hạn chế đầu tư, nâng cấp máy móc. Điều này càng làm mất sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, hạn chế cơ hội đón đầu các đơn hàng mới.

Các dự báo đều cho rằng ít nhất đến hết quý 3/2023 thì nhu cầu của thị trường dệt may vẫn còn thấp do việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng thế giới, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong bối cảnh lãi suất duy trì cao, tăng trưởng thấp và tình hình tài chính biến động.

Về vấn đề lãi suất, theo Ts. Daniel Borer (Đại học RMIT), trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất nhiều hơn, do tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam không tăng nhanh như các nước khác.

Ghi nhận ở Tp.HCM cho thấy các DN đều mong lãi suất giảm xuống còn 7 - 8%/năm. Còn thực tế có những thời điểm, các DN vẫn phải vay với lãi suất trên 10%/năm, trước đó là ở mức 13%, 14%, 15%. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính, điều kiện cho vay vẫn rất phức tạp.

Ngoài ra, các DN mong muốn có các giải pháp hợp lý hơn về dòng vốn, tín dụng, kéo dài chính sách giãn, hoãn, không chuyển nhóm nợ xấu đối với các trường hợp khó khăn…

Bế tắc giảm giá thành

Xét về tình hình hiện nay, như lưu ý của Ts. Borer, lĩnh vực tài chính Việt Nam thường là ngắn hạn. Hầu hết các công ty chỉ có thể đầu tư thông qua tín dụng ngắn hạn. Khi các khoản này đáo hạn, họ cần tái cấp vốn với lãi suất cao hơn bình thường, gây áp lực lên cơ cấu chi phí. Tín dụng dài hạn sẽ giúp củng cố sức mạnh tài chính cho các tập đoàn, và hơn thế nữa, còn cho toàn bộ nền kinh tế.

Vị chuyên gia của RMIT cho rằng, việc cho phép các công ty bắt tay vào các dự án dài hạn và không phải bận tâm về việc tái cấp vốn nợ trong thời gian ngắn sẽ là một bước đi đúng hướng. Ngoài ra, giải phóng dòng vốn sẽ giúp thị trường vốn Việt Nam hấp dẫn hơn đối với vốn nước ngoài.

Bên cạnh vấn đề về vốn vay, việc tăng giá điện 3% áp dụng từ tháng 5/2022 đang làm cho sức tiêu thụ của thị trường càng thêm nhiều thách thức. Người dân vừa lo chi phí sinh hoạt của gia đình sẽ bị đẩy lên cao và vừa lo hàng hóa “ăn theo” giá điện. Giới chuyên gia lưu ý cần tránh tình trạng “té nước theo mưa”, các loại hàng hóa dịch vụ sẽ tăng theo giá điện, gây áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Còn với các DN sản xuất, tăng giá điện ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chi phí của họ cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, càng góp phần tăng thêm áp lực về nền chi phí tăng. Điều này đòi hỏi các DN phải dự liệu, có những giải pháp để tiết giảm chi phí sản xuất.

Trao đổi với VnBusiness, một số chủ DN ở Tp.HCM cho rằng trong khi đơn hàng ngày càng ít đi, xuất khẩu thụt lùi, lợi nhuận rất thấp thì việc tăng giá điện sẽ khiến các nỗ lực giảm giá thành của họ sẽ càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí bế tắc. Để giảm bớt gánh nặng thì buộc DN phải giảm bớt những khoản chi phí khác, chẳng hạn như phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm…

Ông Lê Quốc Hiệp, giám đốc một DN trong ngành cơ khí nhận định, điều mà các DN e ngại là nền chi phí cao sẽ kéo dài cho cả năm nay, trong đó khoản tăng từ chi phí điện, tiền lương, rủi ro lãi suất cho vay tăng trở lại khi lạm phát có thể vượt mục tiêu 4,5%. Đi kèm với đó là nhu cầu tiêu thụ giảm do người dân thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.

Nói chung, trong hoàn cảnh đầy khó khăn hiện nay, bài toán mà các DN cần giải là phải cắt giảm chi phí và tìm giải pháp vượt qua các trở ngại trước mắt về đầu ra. Và để vãn hồi tình hình khó khăn thì không thể chỉ cần sự tự thân của DN mà nên có sự điều chỉnh kịp thời ở khâu chính sách.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nen-chi-phi-tang-giua-luc-nhu-cau-thap-keo-dai-dang-lam-doanh-nghiep-viet-be-tac-1092541.html