NATO thay đổi để thích nghi

Củng cố sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương là điều hết sức quan trọng trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang bước vào kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược với những thách thức to lớn và phức tạp hơn. Đây là thông điệp được Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh tại hội nghị NATO Talk 2021 do Viện Chính sách an ninh Liên bang Đức (BAKS) tổ chức tại Berlin.

Ngày 22-11, cuộc tập trận thường niên Winter Shield 2021 của NATO bắt đầu diễn ra tại Latvia. Ảnh: The Frontier Post

Ngày 22-11, cuộc tập trận thường niên Winter Shield 2021 của NATO bắt đầu diễn ra tại Latvia. Ảnh: The Frontier Post

Thận trọng

Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, châu Âu và Bắc Mỹ cùng thuộc NATO, việc thiết lập một “mối liên kết bền chặt” giữa hai bên có ý nghĩa đặc biệt, khi cả hai bờ Đại Tây Dương đều đang phải “đối mặt với nhiều thách thức an ninh mới và những vấn đề khác nhau cùng một lúc”.

Ông Stoltenberg một lần nữa nhấn mạnh, Nga - với tiềm lực quân sự khổng lồ, luôn là “đối thủ đáng kể nhất” của phương Tây, mà liên minh quân sự NATO là đại diện. Báo Wall Street Journal ngày 20-11 đăng bài viết cho rằng đã đến lúc các nước phương Tây cần từ bỏ niềm tin kiêu hãnh, rằng Nga là một quốc gia yếu mà người ta có thể áp đặt quan điểm của mình.

Theo bài báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hiện đại hóa quân đội và cải thiện thương mại nhiên liệu quốc tế, cũng như bao quanh nước Nga bằng “một vòng các quốc gia thân thiện”.

Trên thực tế, quan hệ giữa NATO và Nga đang trong giai đoạn cực kỳ căng thẳng. Nga, từ ngày 1-11, đã đình chỉ hoạt động của phái bộ ngoại giao nước này tại NATO để đáp trả việc NATO trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga. Phía Nga cáo buộc NATO phá hủy các cơ chế đối thoại giữa hai bên. Nga và NATO cũng liên tục chỉ trích lẫn nhau về các hoạt động quân sự ở khu vực biển Đen. Trung Quốc cũng được coi là một thách thức lớn khác của NATO mặc dù theo ông Stoltenberg, NATO “không coi Trung Quốc là đối thủ”.

Ngoài ra, như lời ông Stoltenberg, NATO còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn khác, như: các cuộc tấn công mạng thường xuyên và tinh vi hơn; cuộc khủng hoảng người di cư dọc biên giới giữa Belarus và Ba Lan; mối đe dọa khủng bố dai dẳng; sự phổ biến vũ khí hạt nhân; tác động của biến đổi khí hậu... Đây đều là những vấn đề không đơn giản, không thể tức thời giải quyết.

Bỏ qua bất đồng

Những thách thức trên buộc NATO phải thay đổi, và liên minh quân sự này dường như cũng đang cho thấy khả năng thích nghi trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược. Sau hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO vào tháng trước, giới quan sát cho rằng NATO đang có sự “chuyển mình” khi liên minh đã cho ra đời chiến lược phòng vệ chung và lần đầu tiên thành lập một quỹ đổi mới của NATO, cùng với các kế hoạch và cam kết của các nước thành viên. Ông Stoltenberg khẳng định sự thay đổi này là cần thiết để có thể thích ứng với bối cảnh mới và cũng để bảo vệ liên minh trong trường hợp xảy ra xung đột và khủng hoảng.

Với chiến lược phòng vệ chung, NATO muốn củng cố năng lực phòng thủ của liên minh, chống lại mọi cuộc tấn công đồng thời vào lãnh thổ các nước thành viên, trong đó đối phương có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, tấn công mạng hoặc tấn công từ không gian. NATO cho rằng chiến lược răn đe và phòng thủ ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương hiện là yêu cầu cấp thiết.

Các thành viên NATO cũng nhất trí thành lập quỹ đổi mới đầu tiên của khối trị giá hơn 1 tỷ USD, nhằm đầu tư phát triển các công nghệ mới nhất, từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ sinh học, máy tính lượng tử - những công nghệ có khả năng ứng dụng cao trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Theo ông Stoltenberg, NATO sẵn sàng bỏ qua bất đồng giữa thành viên để đạt sự đồng thuận vì lợi ích và an ninh chung.

HẠNH CHI tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nato-thay-doi-de-thich-nghi-776828.html