NATO nâng cao vai trò ở châu Á

Về mặt lịch sử và theo các quy định của Hiệp ước Washington, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có vai trò cụ thể ở châu Á. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Lạnh, NATO ngày càng hiện diện nhiều hơn ở 'ngoài khu vực', bao gồm cả việc triển khai quân sự đáng kể và kéo dài ở châu Á - 20 năm hiện diện ở Afghanistan.

NATO đã phát triển quan hệ đối với với một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chứ không dừng lại ở các mối quan hệ đối tác truyền thống với các nước châu Âu, Trung Á và Trung Đông. Việc phát triển quan hệ đối tác này hiện đang phải đối mặt với hai xu hướng trái ngược nhau. Thứ nhất, cuộc chiến Nga - Ukraine đang làm thay đổi sâu sắc môi trường an ninh châu Âu. Xét về khía cạnh các ưu tiên, NATO phải đặt trọng tâm vào vấn đề lãnh thổ và nguy cơ an ninh. Việc mở rộng NATO sang Phần Lan và Thụy Điển nằm trong khuynh hướng này - tái tập trung cho an ninh châu Âu.

NATO và một số quốc gia châu Á có sự tham gia chéo vào các cuộc tập trận, chủ yếu là với vai trò quan sát viên hoặc chuyên gia.

Thêm nữa, gần đây - kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Madrid năm 2022 - NATO ngày càng quan tâm hơn đến các thách thức an ninh bên ngoài địa bàn. Do vậy, sự phát triển quan hệ đối tác nói trên là kết quả của việc xác định lại lâu dài các ưu tiên của đồng minh Mỹ trên chính trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (chiến lược “Xoay trục sang châu Á” cuối cùng đã thành hiện thực, 1 thập kỷ sau thông báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama) và từ sức ép mạnh mẽ của Mỹ đối với các đồng minh.

Ngoài Mỹ, các đồng minh NATO khác cũng quan tâm đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Canada, Pháp. Họ nhận thấy rằng an ninh của khu vực này có những tác động tiềm tàng đối với thương mại và sự thịnh vượng của họ. Việc gia tăng hoạt động của Trung Quốc trong môi trường châu Âu, bao gồm cả việc hải quân Trung Quốc hoạt động ở Địa Trung Hải và biển Baltic cũng khiến NATO phải quan tâm.

Trong bối cảnh đó, NATO đã bắt đầu xác định lại vai trò của mình ở châu Á. Trong khi tất cả các đồng minh đều thừa nhận rằng NATO không đóng vai trò cốt lõi ở châu Á, tổ chức này đã củng cố năng lực ở lục địa này và đang theo đuổi mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời tìm kiếm các phương thức nhằm tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực. Tuy nhiên, trong môi trường an ninh hiện tại, rõ ràng NATO sẽ không thể đặt trọng tâm vào châu Á và sẽ chỉ đủ nguồn lực cũng như phạm vi hành động hạn chế trong khu vực.

Giữa NATO và châu Á cũng có sự tham gia chéo vào các cuộc tập trận (chủ yếu là dưới hình thức quan sát viên và chuyên gia) và quan trọng hơn là hợp tác kỹ thuật về các vấn đề cùng quan tâm như tiêu chuẩn quân sự và kỹ thuật hoặc phòng thủ chống tên lửa. NATO cũng đang nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình ở châu Á thông qua các cuộc đối thoại thường xuyên, đồng thời đề xuất mở văn phòng liên lạc thường trực ở Tokyo. Nhìn chung, điều này dẫn đến việc cải thiện đáng kể về bản chất mối quan hệ đối tác nói trên.

Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích chính trị thực sự trong việc phát triển hợp tác với các quốc gia đối tác châu Á, nỗ lực làm sâu sắc thêm sự phát triển này vẫn gặp phải một số hạn chế. Thứ nhất đó là nguồn lực. NATO là một tổ chức mang tính quy ước, khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ sâu sắc với các đối tác châu Á có thể vẫn còn hạn chế, đặc biệt khi các ưu tiên cạnh tranh liên quan đến tình hình an ninh ở châu Á có nguy cơ chiếm phần lớn sự quan tâm của NATO. Hơn nữa, NATO phụ thuộc vào các quốc gia đồng minh để phát triển bất kỳ sự hợp tác quân sự có ý nghĩa nào ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tuy nhiên chỉ một số ít trong số họ có đủ nặng lực và phương tiện để hiện diện nhiều hơn trong khu vực. Điều này cũng hạn chế sự tham gia của NATO vào các cuộc tập trận khu vực.

Thứ hai là sự lãnh đạo rõ ràng của Mỹ về vai trò này. Mặc dù Mỹ là nước ủng hộ tích cực nhất sự can dự của NATO ở châu Á, nhưng cho đến nay Washington vẫn chưa gửi được tín hiệu rõ ràng tới các đồng minh châu Âu, ngoài lời kêu gọi ủng hộ chính trị và nặng cao vấn đề Trung Quốc. Có vẻ như Washington chưa xác định mức độ tham vọng rõ ràng đối với các hoạt động của NATO ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thứ ba, 4 quốc gia đối tác chính của NATO trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) không có quan điểm thống nhất về quan hệ đối tác với NATO. Sự thiếu hứng thú của New Zealand và Hàn Quốc trái ngược với sự tham gia mạnh mẽ của Nhật Bản và Australia. Cả 4 quốc gia này cũng duy trì mối quan hệ song phương hoặc tiểu đa phương với Mỹ và với một số quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Liên minh AUKUS. Trong bối cảnh này, chẳng hạn, AUKUS và Liên minh Ngũ nhãn tạo thành một khuôn khổ hợp tác quốc phòng với Australia mạnh mẽ hơn nhiều so với NATO.

Cuối cùng, đó là chính bản thân các thành viên NATO không hoàn toàn nhất trí với nhau. Nhiều quốc gia đồng minh công khai ủng hộ việc phát triển quan hệ đối tác với các nước châu Á để làm hài lòng Mỹ, nhưng lại ngầm bày tỏ quan ngại và mong muốn NATO tập trung vào châu Âu. Phần lớn trong số này có hiểu biết hạn chế về khu vực và có rất ít cơ hội để phát triển quan hệ đối tác. Mặt khác, duy trì quan hệ với Bắc Kinh luôn là yếu tố không thể bỏ qua đối với các thành viên trong khối. Trong khi ủng hộ tầm quan trọng chiến lược của khu vực, Pháp đã bày tỏ hoài nghi về giá trị gia tăng của NATO và đôi khi giữ khoảng cách với Mỹ.

Nhiều đồng minh NATO, cũng đồng thời là thành viên EU, nhấn mạnh khía cạnh châu Âu trong mối quan hệ của mình và do vậy, các đồng minh châu Á như Nhật Bản chẳng hạn, sẽ phải tự tìm ra cách cân bằng giữa các khuôn khổ hợp tác khác nhau, không thể “toàn tâm toàn ý” được.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nato-nang-cao-vai-tro-o-chau-a-i731011/