NATO huấn luyện gì cho quân đội Ukraine nhiều năm qua?

Các thành viên NATO giúp Ukraine cải tổ toàn bộ hệ thống quân sự trong nhiều năm, từ cấp chỉ huy quân đội tới từng cá nhân binh sĩ, củng cố khả năng tác chiến.

Sau khi kết thúc một trận đánh ở miền Đông, trung úy Andriy Kulish thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đăng lên mạng xã hội lời cảm ơn các đồng nghiệp Canada.

Mùa hè 2021, quân đội Canada tham gia huấn luyện Tiểu đoàn Phản ứng nhanh của trung úy Kulish trong tác chiến đô thị, chiến thuật chiến trường và quân y. Khóa huấn luyện là một trong số nhiều chương trình đào tạo mà các nước NATO dành cho lực lượng vũ trang Ukraine.

Sự giúp đỡ của các nước NATO đã thay đổi toàn diện bộ mặt quân đội Ukraine, từ binh sĩ tới cấp chỉ huy ở Bộ Quốc phòng, thậm chí cả các quan chức giám sát quốc phòng tại Quốc hội Ukraine, theo Wall Street Journal.

 Binh sĩ Ukraine tham gia tập trận Rapid Trident năm 2021. Ảnh: Quân đội Mỹ.

Binh sĩ Ukraine tham gia tập trận Rapid Trident năm 2021. Ảnh: Quân đội Mỹ.

Thành công nhờ trợ giúp của NATO

Các chuyên gia quốc tế nhận định chương trình huấn luyện của NATO đóng một vai trò quan trọng giúp quân đội Ukraine đứng vững trong gần 6 tuần xung đột vừa qua.

Thông qua các hoạt động huấn luyện, tập trận chung, với sự tham gia của ít nhất 10.000 lượt binh sĩ mỗi năm kể từ 2014, NATO và các nước thành viên cải tổ đáng kể cấu trúc chỉ huy quân sự cứng nhắc của Ukraine theo các tiêu chuẩn phương Tây.

Thay vì chỉ đâu đánh đó, bảo sao nghe vậy, các binh sĩ Ukraine được huấn luyện suy nghĩ và tác chiến chủ động trên chiến trường. Trung úy Kulish cho biết anh cùng các đồng đội "đang áp dụng các giao thức tác chiến học được trong thời gian huấn luyện với NATO".

Phương Tây chưa bao giờ che giấu các hỗ trợ dành cho Ukraine. Dù vậy, NATO và các đồng minh cũng không thổi phồng sự trợ giúp, vừa để tránh khiêu khích Moscow, vừa tạo thuận lợi cho công tác thu thập tin tức tình báo.

Tám năm qua, Ukraine liên tục giao tranh với lực lượng ly khai ở miền Đông. Điều này giúp Ukraine sở hữu những binh sĩ được đào tạo qua chiến trường tinh nhuệ nhất châu Âu.

 Lực lượng Ukraine hôm 7/4 ở Severodonetsk. Ảnh: AFP.

Lực lượng Ukraine hôm 7/4 ở Severodonetsk. Ảnh: AFP.

Kinh nghiệm thực chiến giúp binh sĩ Ukraine tiếp thu các khóa đào tạo của NATO hiệu quả hơn, đồng thời chính họ cung cấp thông tin cho các chỉ huy NATO để xây dựng toàn cảnh bức tranh xung đột trực diện sẽ như thế nào.

Vào thời điểm chiến sự nổ ra, chương trình huấn luyện lực lượng vũ trang Ukraine đã được mở rộng đến mức phần lớn công tác đào tạo đã được chuyển giao cho các chuyên gia Ukraine. Các chỉ huy NATO nhận định Ukraine đã có thể tự lực triển khai hoạt động đào tạo.

"Sự ủng hộ và giúp đỡ trong nhiều năm đã mang đến những tác động to lớn", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.

Thay đổi tư duy quân sự

Hoạt động của NATO ở Ukraine tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với những gì diễn ra ở Iraq và Afghanistan.

Các cố vấn NATO cho rằng nguyên nhân bởi Ukraine có một xã hội tương đối đồng nhất về văn hóa và tôn giáo, người dân công nhận và ủng hộ chính phủ trung ương, tạo ra một nhà nước thống nhất.

Một trong những lý do quan trọng khác là người dân Ukraine biết họ đối mặt mối đe dọa từ bên ngoài, sau khi bán đảo Crimea bị sáp nhập và phiến quân ly khai chiếm đóng miền Đông năm 2014.

Các đơn vị chiến đấu chủ lực là mũi nhọn của một hệ thống quân sự được xây dựng lại hoàn toàn từ 2014. NATO mang tới cho quân đội Ukraine những khái niệm mới lạ như thanh tra chuyên nghiệp, kiểm toán độc lập, cũng như chuyên gia về hậu cần.

Các cố vấn NATO truyền cho Ukraine học thuyết về xây dựng năng lực quân đội, nơi các chỉ huy đặt ra mục tiêu, bảo đảm có đủ quân số và vũ khí để hoàn thành mục tiêu.

Để theo đuổi học thuyết quân sự này, NATO giới thiệu vai trò của hạ sĩ quan, đây là những binh sĩ giàu kinh nghiệm đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa cấp chỉ huy và binh sĩ ngoài mặt trận.

 Chuyên gia Anh hướng dẫn binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa vác vai NLAW. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia Anh hướng dẫn binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa vác vai NLAW. Ảnh: Reuters.

NATO cũng giúp lãnh đạo quân đội Ukraine thay đổi nhận thức về phương pháp chỉ huy. Theo đó, các chỉ huy cấp cao đặt ra mục tiêu quân sự cần đạt được, trong khi mệnh lệnh tác chiến để đạt mục tiêu ấy được chuyển cho các các chỉ huy cấp dưới.

"NATO đã tạo ra thay đổi rất, rất lớn. Cải tổ về hạ sĩ quan và phương pháp chỉ huy tăng cường hiệu quả tác chiến của quân đội gấp nhiều lần", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk nói.

Trung ủy Kulish cho biết đào tạo của NATO mang tới hiệu quả gấp đôi bởi người Ukraine hiểu rõ tư duy quân sự của Nga. "Họ vẫn sử dụng các chiến thuật đặc trưng và không thay đổi nhiều hàng chục năm qua", trung úy Kulish nói.

Binh sĩ người Ukraine cho biết để đối phó, lực lượng phòng thủ hoạt động linh hoạt, khó đoán, nhắm vào các cấp chỉ huy của đối phương.

Quyết tâm của Kyiv

Việc Nga nhanh chóng đánh bại các lực lượng Ukraine năm 2014, giành quyền kiểm soát Crimea và vùng lãnh thổ Donbas ở miền Đông, khiến Kyiv chấn động. Kết quả là cựu Tổng thống Petro Poroshenko yêu cầu cải tổ toàn diện quân đội, với sự giúp đỡ của NATO.

Một trong các trung tâm phối hợp chung giữa Ukraine và NATO được xây dựng ở thành phố Yavoriv, ngoại ô Lviv. Đây là cơ sở đã trúng tên lửa Nga giữa tháng 3.

Ưu tiên hàng đầu trong năm 2014 là trợ giúp quân đội Ukraine đang giao tranh với phiến quân ly khai ở miền Đông. NATO triển khai các khóa đào tạo quân y chiến trường, lập kế hoạch khẩn cấp dân sự và chống chiến tranh phá hoại hỗn hợp.

Các chuyên gia NATO cũng bắt đầu đào tạo Vệ binh Quốc gia Ukraine các chiến thuật chiến đấu hiện đại, sau đó mở rộng ra các đơn vị khác của quân đội Ukraine.

 Tổng thống Zelensky thăm khu vực miền Nam Ukraine tháng 12/2021. Ảnh: Ukrinform.

Tổng thống Zelensky thăm khu vực miền Nam Ukraine tháng 12/2021. Ảnh: Ukrinform.

Tại Kyiv, chính phủ trung ương làm việc với cố vấn NATO chuẩn bị cho những cải tổ sâu rộng hơn. Các cố vấn phương Tây giải thích rằng để quân đội Ukraine trở nên hiệu quả, toàn bộ mô hình quản lý phải thay đổi.

Cố vấn NATO phát hiện vấn đề ở mọi cấp độ. Khi các quan chức thủ cựu phản đối cải tổ, nhóm cố vấn phải tìm con đường khác để tác động lên giới chỉ huy quân đội.

"Chúng tôi tìm đến những chỉ huy sẵn sàng sử dụng và nhân rộng hiệu quả từ sự giúp đỡ của chúng tôi", Đại tá Kristopher Reeves, chỉ huy lực lượng huấn luyện của Canada, nói.

Đến năm 2018, huấn luyện đã mở rộng từ các đại đội 150 người lên các nhóm chiến đấu với 400 binh sĩ. Các sĩ quan Ukraine cũng thay thế chuyên gia phương Tây chỉ huy các bài tập mô phỏng tác chiến.

Các cuộc tập trận thường niên tổ chức ở Yavoriv do quân đội Mỹ dẫn đầu mang tên Rapid Trident. Kinh nghiệm từ Yavoriv được lực lượng Ukraine áp dụng hiệu quả tại Donbas trong những năm gần đây, trung sĩ Kulish cho biết.

Binh sĩ Ukraine được luân chuyển khỏi Donbas có thể chia sẻ kinh nghiệm tác chiến và cung cấp thông tin cho các huấn luyện viên NATO.

Quân đội Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây ở Donbas báo cáo lại về hoạt động của vũ khí, cũng như cách chúng được sử dụng trong tác chiến.

"Đây là mối quan hệ hợp tác hai chiều. Không có gì phải nghi ngờ, chúng tôi học được họ nhiều điều tương tự những gì họ học từ chúng tôi", Đại tá Liam Collins của quân đội Mỹ nói.

Các cố vấn NATO cũng gây sức ép buộc giới quan liêu ở Kyiv xây dựng các cấu phần khác của một quân đội chuyên nghiệp, như báo cáo kiểm toán, chương trình phát triển chuyên môn và quy trình đánh giá nhân sự. Qua thời gian, chất lượng nhân sự tuyển dụng được cải thiện.

"Kinh nghiệm tác chiến quan trọng hơn so với so sánh về ngân sách quốc phòng. Không phải tất cả đều tốt đẹp, nhưng chúng tôi có thể thấy hệ thống thăng cấp bậc của họ được thiết kế lại hợp lý hơn", Đại tá Reeves nói.

Những thay đổi, đi cùng kiểm soát của khối dân sự, tạo ra hệ thống giám sát phơi bày tham nhũng, lãng phí, đôi khi khiến các sĩ quan quân đội và giới chức quốc phòng thủ cựu tức giận. Tuy nhiên, ý chí chính trị của cựu Tổng thống Poroshenko và sau này là Tổng thống Volodymyr Zelensky đã giúp quá trình cải tổ quân đội tiếp tục.

Khi sức ép tăng lên trong năm 2021, tốc độ huấn luyện quân sự cũng được đẩy nhanh. Những tháng cuối trước khi chiến sự nổ ra, quân đội Anh phải chạy đua với thời gian để huấn luyện lực lượng Ukraine sử dụng thành thạo tên lửa chống tăng NLAW.

Số binh sĩ Ukraine tham gia các khóa đào tạo tăng gấp đôi, họ là những chàng trai, cô gái đến từ khắp mọi miền đất nước. Mỗi khóa đào tạo diễn ra trong 3-4 ngày, "hết lớp này đến lớp khác".

Thiếu tá Bill Ross của quân đội Anh cho biết London hy vọng ngay cả khi chỉ kịp đào tạo trực tiếp vài trăm người, các binh sĩ Ukraine có thể tự mình chỉ dạy cho các đồng đội khác.

Đầu tháng 2 vừa qua, khi thiếu tá Ross tới Bộ chỉ huy liên quân Ukraine ở Kyiv, ông tận mắt nhìn thấy bản đồ chiến lược phòng thủ của quân đội Ukraine. Trên bản đồ, mũi tên đỏ - hướng tiến quân của lực lượng Nga - hướng vào Ukraine từ cả ba mặt Bắc, Đông, Nam.

"Nhưng nguời Ukraine có kế hoạch phòng thủ, và chúng tôi ủng hộ kế hoạch ấy", thiếu tá Ross nói.

Duy Anh (Theo Wall Street Journal)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nato-huan-luyen-gi-cho-quan-doi-ukraine-nhieu-nam-qua-post1309711.html