NASA thẳng thắn nói về tiêu chuẩn kép trong vũ trụ

NASA gọi hợp tác Nga-Mỹ trong không gian là điều hiếm có, trong bối cảnh Mỹ vẫn đang áp lệnh trừng phạt đối với Roscosmos của Nga.

Giám đốc NASA Bill Nelson trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politico của Mỹ đã nói rằng, quan hệ hợp tác với Nga trong không gian vũ trụ là điều phi thường và tỏ ý hy vọng tiếp tục quan hệ đối tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.

Ông cho biết mình cũng đã bày tỏ ý kiến đó trong cuộc nói chuyện gần đây với người đứng đầu Roscosmos (Cơ quan nhà nước cho các hoạt động không gian) là cựu Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin.

"Chúng tôi có thể sống trong hòa bình, hợp tác với nhau, bất kể sự khác biệt của chúng ta về khía cạnh chính trị. Chúng tôi là đối tác của nhau trong vũ trụ, và tôi không muốn việc đó chấm dứt" - ông Nelson nói và cho rằng, Nga có ý định tiếp tục tham gia tích cực vào ISS trong tương lai gần.

"Ví dụ như chúng tôi thấy gần đây họ đã có một thứ gì đó giống như modul và dự định phóng lên ISS. Theo tôi, đó là một dấu hiệu tốt cho thấy họ không có ý định từ bỏ trạm vũ trụ trong bốn năm tới" - ông Nelson nhận định.

Ông cũng nhắc lại "buổi hò hẹn" (rendezvous) của hai con tàu vũ trụ Soyuz và Apollo vào năm 1975 đã đánh dấu sự khởi đầu hợp tác giữa hai nước trong không gian.

Hình minh họa các nhà du hành vũ trụ Liên Xô và Mỹ bắt tay nhau trên quỹ đạo khi tàu vũ trụ Apollo-Soyuz của hai quốc gia ghép nối trong vũ trụ

Hình minh họa các nhà du hành vũ trụ Liên Xô và Mỹ bắt tay nhau trên quỹ đạo khi tàu vũ trụ Apollo-Soyuz của hai quốc gia ghép nối trong vũ trụ

"Chính sách của chúng ta đã trở nên rất căng thẳng. Nhưng đâu là lĩnh vực duy nhất mà chúng ta có thể hợp tác? Điều đó đã xảy ra từ năm 1975, khi tàu vũ trụ của Mỹ tiếp cận và ghép nối với tàu vũ trụ Liên Xô ngay vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, khi ấy hai phi hành đoàn đã sống cùng nhau trong 9 ngày. Chúng tôi hợp tác với nhau kể từ đó, và sự hợp tác này thật phi thường" - người đứng đầu NASA đánh giá.

Ông tin rằng các đồng nghiệp trong lĩnh vực này ở Nga cũng có chung quan điểm với ông.

“Ngoài bối cảnh chính trị và một số tuyên bố mà tôi nghĩ là không mềm mỏng cho lắm, như các vị nghe thấy đấy, chúng có vẻ chính trị, tuy nhiên, nếu các vị nói chuyện với các những người làm trong ngành công nghiệp vũ trụ Nga, thì họ muốn sự hợp tác đó với người Mỹ được tiếp tục” - ông Nelson kết luận.

Được biết, tuyên bố của người đứng đầu NASA được giới quan sát cho là đúng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi Roscosmos vẫn hợp tác tốt với NASA, trong bối cảnh Hoa Kỳ vẫn đang áp đặt các lệnh trừng phạt đối với cơ quan hàng không vũ trụ của Nga.

Các doanh nghiệp Roscosmos lần đầu tiên hứng chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 2020 và cho đến thời điểm này, các lệnh trừng phạt này vẫn đang có hiệu lực.

Trong danh sách trừng phạt của Washington bao gồm Trung tâm Tên lửa và Không gian “Progress” và cơ sở khoa học dẫn đầu của tập đoàn Nhà nước là Viện Nghiên cứu Khoa học Chế tạo Máy Trung ương (trong thành phần có cả Trung tâm Quản lý các chuyến bay).

Thật trớ trêu trong bối cảnh đó, ngành hàng không vũ trụ Mỹ lại đang phải mua vé cho các phi hành gia bay lên trạm ISS trên các tàu vũ trụ của Nga; các tên lửa đẩy Nga vẫn đang ngày đêm chở hàng, phóng vệ tinh cho các nước phương Tây lên khoảng không vũ trụ; đồng thời các động cơ của Nga cũng đang là nòng cốt trong các tầng đẩy của tên lửa đẩy vũ trụ của Mỹ.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nasa-thang-than-noi-ve-tieu-chuan-kep-trong-vu-tru-3433691/