Nạo vét sông, đụng trúng khúc gỗ dẫn lối đến 'kho báu' nghìn tỷ

Bên trong khúc gỗ là những cục đá hình thù kỳ lạ có khắc chữ, dẫn đường đến 'kho báu' giá trị lên tới hơn 11.000 tỷ đồng.

Năm 2005 tại thị trấn Giang Khẩu, Trung Quốc, trong quá trình thi công công trình dẫn nước, một máy xúc vô tình đụng vào một khúc gỗ dưới lòng sông Mân.

Khám phá ban đầu cho thấy có những "cục đá" kỳ lạ bên trong khúc gỗ này, và chúng được xác định là đĩnh bạc sau khi người công nhân rửa sạch chúng. Tổng cộng có 10 đĩnh bạc, một trong số chúng còn có chữ viết "Năm Sùng Trinh thứ 10, hướng ngân ngũ thập lưỡng, thợ bạc Khương Quốc Khánh".

Các chuyên gia cho rằng, đây là kho báu của nhà Minh. Khúc gỗ này được xác định là Thanh cương bổng, một công cụ cất giấu bảo vật của Trương Hiến Trung - người lãnh đạo khởi nghĩa nông dân vào cuối thời nhà Minh. Thanh cương bổng là một khúc gỗ khoét rỗng, đựng các thỏi bạc, và nó đã được cất giấu trong lòng sông Mân.

Trương Hiến Trung từng là lãnh tụ của khởi nghĩa nông dân cuối thời nhà Minh. Ông đã cướp tài sản của thương gia giàu có và tích lũy khoảng hàng chục nghìn lượng vàng và bạc. Ông đã tìm cách giấu tài sản này bằng cách xây kè sông, đào hố và chôn tài sản trong đó. Sau khi ông bị quân nhà Thanh giết, thông tin về kho báu này biến mất.

Theo truyền thuyết dân gian, một bài đồng dao đã được truyền miệng và nói về cách tìm kho báu của Trương Hiến Trung. Dựa vào thông tin này, các nhà khảo cổ đã thăm dò khu vực sông Mân và cuối cùng tìm thấy một con hổ đá và một con rồng đá gần sông, được cho là dấu chỉ tới kho báu.

Trải qua nhiều năm, các nhà khảo cổ đã tiến hành nhiều cuộc khai quật và tìm thấy hàng chục nghìn cổ vật, trong đó có sách bằng vàng, đĩnh vàng và bạc.

Tổng cộng đã có hơn 52.000 cổ vật được khai quật và được ước tính có giá trị lên tới 500 triệu USD (hơn 11.000 tỷ đồng).

Mời quý độc giả xem thêm video: Bí ẩn kho báu “vượt thời gian” 3.300 năm ở Ai Cập.

Thiên Trang (th)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nao-vet-song-dung-trung-khuc-go-dan-loi-den-kho-bau-nghin-ty-1895952.html