Nâng tầm giá trị nông sản Ðiện Biên

Tỉnh Ðiện Biên có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó một số sản phẩm đã khẳng định được chất lượng, tạo thương hiệu trên thị trường nông sản Việt Nam. Với nhiều tiềm năng, những năm gần đây, các huyện trong tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện các chương trình, dự án nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Sản phẩm nông nghiệp Ðiện Biên được giới thiệu, quảng bá và bán tại Tuần Văn hóa - Du lịch vùng Tây Bắc, TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Luông Pha Băng (nước CHDCND Lào) năm 2023.

Gạo Ðiện Biên là sản phẩm đã tạo được thương hiệu trên thị trường nông sản Việt Nam; là sản phẩm nông sản duy nhất của Ðiện Biên được đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Ðể nâng cao giá trị sản phẩm, thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao Ðiện Biên, những năm gần đây huyện Ðiện Biên tăng cường triển khai, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo như: Nâng cao chất lượng bộ giống cơ giới hóa vào sản xuất; sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng hữu cơ...

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Những năm gần đây, huyện Ðiện Biên đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nông dân trên địa bàn đang dần thay thế hình thức gieo thẳng bằng sử dụng máy cấy gắn động cơ. Toàn huyện hiện có gần 150 chiếc máy cấy gắn động cơ. Diện tích sử dụng máy cấy tại vụ mùa năm 2023 đạt trên 500ha. Việc sử dụng máy cấy giúp hạn chế sâu bệnh, giảm sức lao động và đặc biệt là loại bỏ lúa tạp, lúa lẫn, qua đó giảm chi phí đầu tư cho người sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gạo Ðiện Biên. Huyện Ðiện Biên phấn đấu đến năm 2025, cơ bản diện tích lúa vùng lòng chảo Ðiện Biên áp dụng máy cấy gắn động cơ vào sản xuất. Ðồng thời, thí điểm mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Như vậy, đến năm 2025 huyện Ðiện Biên sẽ có một số diện tích lúa cơ giới hóa 100% trong toàn bộ quy trình sản xuất.

Các liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã được chính quyền địa phương, ngành chức năng chú trọng xây dựng đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất gạo chất lượng cao trên cánh đồng Mường Thanh. Hiện nay, huyện Ðiện Biên đã thu hút 3 đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, liên kết với người dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo chất lượng cao. Tổng diện tích liên kết khoảng 500ha. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phát triển sản xuất gạo theo chuỗi liên kết, gắn với thực hiện dự án cánh đồng lớn. Nhờ đó, sản phẩm gạo chất lượng cao của các liên kết đã thâm nhập được vào các thị trường lớn, khó tính như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên... Huyện Ðiện Biên tiếp tục mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư vào dự án sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gạo Ðiện Biên với toàn bộ diện tích hơn 4.100ha vùng lòng chảo.

Huyện Tủa Chùa nổi tiếng với sản phẩm chè. Những năm qua, huyện đã tập trung thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng sản phẩm chè theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị và mở rộng thị trường sản phẩm. Ðến nay, huyện Tủa Chùa đã xây dựng thành công 3 dòng sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP xếp hạng 3 sao. Năm 2023, huyện Tủa Chùa tiếp tục thu hút được thêm 1 cơ sở sản xuất xây dựng 1 dòng sản phẩm chè Hương Thành đạt chuẩn OCOP.

Bà Vừ Thị Cha, chủ thể kinh tế sản phẩm chè Hương Thành cho biết: Từ năm 2000, khi cơ sở chế biến chè đầu tiên xây dựng ở huyện Tủa Chùa, gia đình tôi đã tham gia sản xuất chè. Với hơn 20 năm kinh nghiệm chế biến chè Tủa Chùa, đồng thời muốn xây dựng, quảng bá, mở rộng thị trường sản phẩm chè Tủa Chùa, năm nay tôi đăng ký xây dựng 1 dòng sản phẩm chè Tủa Chùa đạt chuẩn OCOP. Vùng nguyên liệu sản phẩm tại vùng chè cây thấp xã Sính Phình với tổng diện tích khoảng 100ha. Sản lượng chè tươi ước đạt 100 tấn/năm, tương ứng với 20 tấn chè thành phẩm/năm. Hiện nay, đã hoàn thiện toàn bộ thủ tục trình UBND huyện Tủa Chùa xét duyệt.

Bên cạnh sản phẩm chè, rượu Mông pê cũng là sản phẩm nông sản đặc trưng, nổi tiếng của huyện Tủa Chùa. Năm 2023, trên cơ sở kế thừa và phát huy các sản phẩm truyền thống, huyện Tủa Chùa tiếp tục tìm chủ thể xây dựng sản phẩm rượu Mông pê đạt chuẩn OCOP.

Bà Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh Ðiện Biên cho biết: Công ty đang xây dựng sản phẩm rượu mang thương hiệu Tả Chải đạt chuẩn OCOP trên cơ sở rượu Mông pê truyền thống của người dân tộc Mông Tủa Chùa. Sản phẩm này có nhiều tiềm năng để phát triển bởi đây là sản phẩm mang tính biểu tượng của Tủa Chùa, đồng thời có vùng nguyên liệu rộng lớn là các vựa ngô tại xã Xá Nhè và 4 xã phía Bắc: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Sín Chải. Về công nghệ chế biến, Công ty cơ bản theo phương pháp thủ công truyền thống của người dân tộc Mông song có ứng dụng kỹ thuật tiết chế độ mạnh của rượu, loại bỏ các độc tố để sản phẩm rượu có mùi thơm đặc trưng.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Năm 2023, huyện Tủa Chùa xây dựng 5 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm được phát triển từ các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của huyện là: Rượu Mông pê và chè Tủa Chùa. Hiện nay, các chủ thể đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo đúng quy trình, quy định, trong tháng 11 Hội đồng cấp huyện tiến hành chấm sản phẩm OCOP cấp huyện. Năm nay UBND huyện Tủa Chùa cũng tập trung hỗ trợ, đồng hành cùng Công ty TNHH Hương Linh Ðiện Biên hoàn thành các tiêu chí để nâng hạng 3 dòng sản phẩm chè Tủa Chùa từ sản phẩm OCOP hạng 3 sao lên hạng 4 sao.

Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/210281/nang-tam-gia-tri-nong-san-%C3%B0ien-bien