Nâng tầm 'Cà Mau - Ðiểm đến' - Bài cuối: Mỗi năm thêm đẹp, thêm duyên

Nhìn thẳng, nhìn đúng, trúng tâm điểm vấn đề nội tại của Chương trình 'Cà Mau - Ðiểm đến' (Chương trình), ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Cà Mau, nhìn nhận: 'Ban đầu là những bước đi dò dẫm, thử nghiệm, những năm tiếp theo điều chỉnh tính chất, nội dung các hoạt động phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng và tạo nên chuỗi hoạt động trải dài từ đầu năm tới cuối năm. Chính vì vậy, Chương trình dần đổi mới, tạo ra những điểm hấp dẫn hơn để duy trì hệ thống các hoạt động hằng năm, vừa kỷ niệm các ngày lễ lớn, vừa đẩy mạnh phát triển du lịch'.

Nâng tầm “Cà Mau - Ðiểm đến”
Nâng tầm “Cà Mau - Ðiểm đến” - Bài 2: Nhìn từ thực tế

Cầu thị để đổi mới

Ðược xem là xương sống của các hoạt động du lịch trong năm 2024 với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch tỉnh đạt tổng số khách du lịch 2.350.000 lượt, tổng thu du lịch 3.480 tỷ đồng, Chương trình năm 2024 có 10 hoạt động chính xuyên suốt năm. Rất mừng là mở màn đầu năm với Lễ hội Nghinh Ông đã đạt con số ngoạn mục, năm đầu tổ chức chỉ từ 2-3 ngàn lượt thì năm nay gần 20 ngàn lượt khách; hay như Lễ hội Vía Bà Thủy Long những năm trước cũng chỉ vài ngàn lượt thì năm nay hơn 7 ngàn lượt khách... Ðây là con số đầu năm ấn tượng của Chương trình.

Năm 2024, Cà Mau phấn đấu đạt tổng số khách du lịch 2.350.000 lượt, tổng thu du lịch 3.480 tỷ đồng.

Song, qua phân tích từ ngành du lịch, so với lượt khách thì doanh thu rõ ràng là chi tiêu tổng thể chưa nhiều, tròm trèm khoảng 2 triệu đồng/khách. Ðây là mục tiêu đặt ra cho ngành du lịch để khách chi tiêu nhiều hơn. “Muốn khách chi tiêu nhiều hơn thì phải có nhiều chỗ cho khách du lịch vui chơi, mua sắm, trải nghiệm... đây chính là mục tiêu Chương trình phải hướng đến, đổi mới liên tục để khách thích thú hơn, trải nghiệm nhiều hơn... Theo đó, tỉnh sẽ phải nâng cấp hạ tầng du lịch, mở rộng quy mô các khu, điểm, tăng cường nguồn lực, mời gọi đầu tư... nâng hiệu quả đóng góp cho ngành kinh tế mũi nhọn”, ông Hiếu Hùng phân tích.

Ông Nguyễn Văn Hôn, điểm du lịch homestay Hoàng Hôn, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Du lịch Ðất Mũi đang tăng trưởng nhanh, nhưng đó cũng là áp lực buộc những người làm du lịch như chúng tôi phải đổi mới. Nếu không có sản phẩm mới thì khách đến sẽ dễ nhàm chán, lâu dài là mất sức hút. Năm nay, điểm du lịch Hoàng Hôn tiếp tục xây dựng các sản phẩm mới, như các khu nghỉ dưỡng sông nước đặc trưng ở Cà Mau, khách đến có cái mới, cái lạ để trải nghiệm thì sẽ ở lâu hơn, tiêu tiền cũng nhiều hơn”.

Cần phải nói thêm, về tính cấp thiết để Chương trình duy trì và nâng tầm, chính là đẩy mạnh tính liên kết tour, tuyến, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, không trùng lắp, đến mỗi nơi đều có đặc điểm riêng. Cũng bởi thế, mỗi năm tổ chức Chương trình, trong khuôn khổ còn có các hội nghị, hội thảo, tọa đàm... qua đó thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch các tỉnh ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh...

Các hoạt động chính của Chương trình “Cà Mau - Điểm đến” năm 2024 (Infographic của Lê Tuấn).

Theo ông Trần Hiếu Hùng, các trao đổi, đóng góp, hiến kế từ các chuyên gia, đối tác, doanh nghiệp... đã giúp Cà Mau giải được rất nhiều bài toán khó, nhờ đó đổi mới sản phẩm du lịch, cách tổ chức, đặc biệt là đưa ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu của từng phân khúc thị trường. Du lịch Cà Mau muốn bứt phá, cả nội lực và điều kiện hỗ trợ phải đồng bộ với nhau. Những nhà đầu tư chiến lược, phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường liên kết du lịch, tư duy, định hướng và nguồn lực phát triển du lịch... đều là những vấn đề cần phải giải quyết để du lịch Cà Mau có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa.

Kỳ vọng lớn, nỗ lực càng phải lớn

Thạc sĩ Phan Ðình Huê, chuyên gia về du lịch ÐBSCL, có những gợi ý sát sườn với Chương trình: “Cà Mau phải tính toán làm sao để lựa chọn được những sự kiện trọng tâm, trọng điểm của mỗi mùa, điểm đến. Không thể cái gì cũng muốn đưa vào, nhưng lại không có sự kiện nổi trội để thu hút khách. Ðồng thời, công tác thông tin truyền thông phải hiệu quả hơn, đổi mới hơn nữa. Ở đây không chỉ là thông tin trên các kênh chính thống, như báo chí, các hoạt động thông tin quảng bá, mà phải tận dụng các nền tảng số, mạng xã hội. Tại sao chúng ta không tranh thủ sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng trên không gian mạng như KOL, KOC... hay những cá nhân có uy tín, nổi tiếng, có sức lan tỏa mạnh và được dư luận chú ý quan tâm”.

“Ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành Chương trình để các công ty lữ hành, doanh nghiệp và khách du lịch chủ động lên lịch hẹn; đồng thời hướng các hoạt động Chương trình đến người trẻ có sở thích khám phá, trải nghiệm và đi du lịch ngắn ngày... Thông qua đó sẽ kích cầu dịch vụ du lịch và các dịch vụ liên quan... Ðặc biệt sẽ quan tâm tập trung tổ chức hoạt động dã ngoại về nguồn để hướng khách đến với các di tích lịch sử, giáo dục truyền thống, giới thiệu các di sản văn hóa của Cà Mau với khách du lịch, đoàn viên, học sinh...”, ông Trần Hiếu Hùng thông tin thêm.

Tại Ðiểm du lịch Hương Tràm tiếp tục tăng tính trải nghiệm, khám phá nét đặc trưng riêng có của rừng tràm U Minh Hạ.

Theo kế hoạch, năm 2025 Cà Mau sẽ có nhiều sự kiện trọng đại, Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” chắc chắn cũng sẽ có những hoạt động hấp dẫn, tạo sức hút. Ông Trần Hiếu Hùng tiết lộ, kỷ niệm 100 Lễ hội Nghinh Ông sẽ được tổ chức hoành tráng hơn, theo đó sẽ có đoàn tàu phục vụ du khách trải nghiệm các hoạt động lễ hội, dự kiến sẽ có dịch vụ lưu trú cho khách cùng sinh hoạt văn hóa, vui chơi xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội... Hay những năm tiếp theo, Cà Mau sẽ hướng đến phân khúc thị trường du lịch thể thao, trải nghiệm đi bộ xuyên rừng dài ngày để được cùng ăn, cùng ở, cùng vui với người dân dưới tán rừng... Và còn có trải nghiệm cuộc sống nông dân với việc thuê nhà làm vườn, trồng rau, nuôi cá...

Riêng đối với các hoạt động đã tạo được tiếng vang và dấu ấn, như Ngày hội Cua Cà Mau, sẽ được tổ chức 2 năm 1 lần; Festival Tôm tổ chức 3 năm 1 lần; các sự kiện khác do các địa phương tổ chức cũng sẽ có nhiều đổi mới, nhiều chuỗi hoạt động hấp dẫn... Ngay chính các doanh nghiệp, hộ dân làm du lịch cũng sẽ thay đổi tư duy, đổi mới thường xuyên để thực sự là điểm đến lý tưởng.

Với sự thành công của Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023, Cà Mau sẽ tổ chức định kỳ 3 năm 1 lần với nhiều đổi mới, đột phá.

Ông Giang Hoàng Hon, chủ điểm du lịch Hương Tràm, kỳ vọng: “Khi khách được trải nghiệm, vui chơi, thưởng thức món ngon khách sẽ nhớ đến mình lâu hơn, lan tỏa tích cực hơn. Song, dẫu đổi mới thế nào thì chất lượng phải hàng đầu. Làm du lịch là tư duy không ngừng, người làm du lịch cũng phải tư duy, góp phần cùng tỉnh đổi mới, thu hút đông đảo khách đến chơi. Hiện điểm du lịch Hương Tràm đang hướng đến tăng tính trải nghiệm, khám phá và hướng đến nâng cấp dịch vụ, đáp ứng mọi đối tượng khách, kể cả khách nước ngoài”.

Ðặc biệt, năm 2025, Cà Mau sẽ nối tuyến chuyến bay cất cánh nhiều nơi trong cả nước thì lượng khách du lịch sẽ bùng nổ và Cà Mau phải phát triển theo để đáp ứng mọi nhu cầu của khách. Như vậy, tính liên kết giữa các tỉnh rất quan trọng để tạo ra những tour tuyến hấp dẫn hơn, mới mẻ hơn...

"Cà Mau - Ðiểm đến cần phải hướng đến trở thành thương hiệu du lịch nói riêng và là kênh quảng bá, xúc tiến thương mại - dịch vụ, kinh tế - xã hội đặc trưng, đặc biệt và lâu bền của cả Cà Mau. Phải tạo ra tính chất mở, đồng thời cũng định hình những giá trị cốt lõi, nổi trội nhất để gợi nhớ, gợi thương, tăng thêm nét đẹp, nét duyên, sức hấp dẫn cho vùng đất Cà Mau, con người Cà Mau. Có làm được hay không, tất cả đều phải trông cậy vào chính nội lực, tư duy và hành động của Cà Mau ngay bây giờ”, Thạc sĩ Phan Ðình Huê gửi gắm./.

Hải Nguyên - Băng Thanh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nang-tam-ca-mau-iem-den-bai-cuoi-moi-nam-them-dep-them-duyen-a32232.html