Nắng nóng, phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Từ đầu năm 2024 đến nay, TP HCM có hơn 1.600 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng

Thời tiết nắng nóng là điều kiện để virus phát triển, bệnh cũng thường gia tăng vào tháng 4 đến 6 và từ tháng 9 đến 12.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), trong 1 tuần, từ ngày 18 đến 24-3, thành phố ghi nhận 118 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 1/3 so với trung bình 4 tuần trước.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), bệnh nhi khám tay chân miệng tăng. Chăm sóc con trai 3 tháng tuổi tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, chị Trần Thị Thu Thủy (ngụ Đồng Nai), cho biết bé bị lây bệnh từ anh trai. "Con trai lớn đi học và mắc bệnh tay chân miệng, về nhà lây cho bé. Vì còn nhỏ, sức đề kháng kém nên sau 1 ngày lây, bé sốt cao liên tục. Đến ngày thứ 2, bé bắt đầu nổi nước ban đỏ trong miệng nên tôi đưa bé đến phòng khám gần nhà. Tại đây, bác sĩ cho rằng bé không mắc tay chân miệng mà cho thuốc về nhà uống nhưng nửa đêm bé sốt cao kèm giật mình. Đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu thì được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 2A" - chị Thủy nói.

Còn con chị V.T.M.H (ngụ TP HCM) nhập viện cách đây 5 ngày trong tình trạng sốt cao, miệng có nhiều nốt đỏ bóng nước. Khi thấy dấu hiệu này chị nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán tay chân miệng. "Sau 5 ngày điều trị, hiện tình hình sức khỏe bé cải thiện, hết sốt, các bóng nước đã khô... Nếu bé ổn hơn bác sĩ sẽ sớm cho xuất viện" - chị H. cho hay.

ThS-BS Nguyễn Đình Qui, quyền Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết 2-3 tuần trước, bệnh viện không tiếp nhận trường hợp nào. Tuy nhiên, 1 tuần trở lại đây, bắt đầu xuất hiện trẻ mắc tay chân miệng nhập viện điều trị, trung bình khoảng 2-3 ca/ngày. Dự báo thời gian tới lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng.

Theo bác sĩ Qui, đây là bệnh đến hẹn lại lên, cùng thời điểm mùa nắng nóng là điều kiện virus dễ phát sinh. Vì vậy, bệnh viện chủ động trang bị giường, thuốc men dành riêng cho bệnh nhi mắc tay chân miệng nhằm tránh tình trạng lây nhiễm chéo.

Bác sĩ Qui nhấn mạnh biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm của tay chân miệng là tổn thương thần kinh vì có thể sẽ gây di chứng não nặng nề sau này. Do đó, cha mẹ lưu ý các dấu hiệu cảnh báo như trẻ sốt có hồng ban bóng nước tay chân miệng, ngủ giật mình, đặc biệt trong 30 phút đầu khi ngủ, do đó cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám kịp thời.

Đối với những trường hợp nhập viện trẻ sốt trên 2 ngày và từ độ 2A trở lên, thường bệnh kéo dài 7-10 ngày trẻ có thể xuất viện. Tuy nhiên, với những trẻ mắc bệnh kèm theo bệnh lý nền (hen suyễn, viêm phổi, tim,…) đều có diễn biến phức tạp hơn so với những trẻ đơn thuần mắc bệnh tay chân miệng.

HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-nong-phong-ngua-benh-tay-chan-mieng-196240405201846036.htm