Nắng nóng, khô hạn hoành hành, vợ chồng đưa con đi học về nhà sụt sâu thành hố

Nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến gia đình anh Lịch và 26 hộ dân khác trên địa bàn huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) bị sụt lún, ước tính thiệt hại 3,685 tỷ đồng.

Hai căn nhà sát bên kênh Sáng 2 lối vào ấp văn hóa Trung Đoàn (huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) bất ngờ bị sụt lún nghiêm trọng, sáng 8/4.

Căn nhà 2 lầu rộng khoảng 45m2 của anh Huỳnh Văn Lịch (33 tuổi) bị đổ sụt phần chân đỡ khoảng 3m so với mặt đường. "Buổi sáng vợ chồng tôi đưa con đi học, đến khoảng 9h, bà con gọi điện thông báo căn nhà bị nghiêng sụt", anh nói.

Cửa ra vào lầu 1 của căn nhà nay đã nằm hoàn toàn dưới hố sụt.

Bên cạnh nhà anh Lịch, căn nhà của anh Lâm Văn Đèo cũng chung cảnh tan hoang. Theo lời chia sẻ của vợ anh Đèo, khi ấy hai vợ chồng đang bán hàng tạp hóa thì căn nhà bất ngờ "đổ cái uỳnh", nhiều hàng hóa đồ đạc rơi dưới hố sụt, bị đất chèn lấp.

"Mấy ngày trước nền nhà phía gần đường chỉ có vài vết nứt rất nhỏ nên tôi không nghĩ lại bị sụt như vậy. Giờ chỉ biết mang đồ đạc đi gửi mỗi nhà một ít, đi ở nhờ chờ ổn định để khắc phục thôi", người phụ nữ lo lắng khi rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Nhiều người dân xung quanh đã hỗ trợ hai gia đình tháo dỡ, vận chuyển những đồ đạc ra bên ngoài. Tất cả vật gia dụng hay đồ đạc còn sử dụng được như cánh cửa hay thiết bị vệ sinh đều được tháo rời để mang đi.

Theo báo cáo của UBND huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 7/4, toàn huyện có 470 căn nhà dọc theo các tuyến kênh, trong số đó có 26 căn đã bị sạt lở, ước tính thiệt hại hơn 3,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 67 căn nhà có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao nằm ở 2 địa bàn trọng điểm xảy ra tình trạng này là xã An Minh Bắc và Minh Thuận.

Do ảnh hưởng mùa khô năm 2024 và kết hợp với tình trạng nắng nóng kéo dài, nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất như nuôi tôm càng, tưới tiêu cho hoa màu... là rất lớn. Từ đó, làm khô, cạn nước mặt trên các kênh trong khu vực vùng đệm nên đã ảnh hưởng đến sản xuất và gây ra tình trạng sạt lở, sụt lún nhà, đường giao thông trên địa bàn huyện.

Tính đến ngày 7/4, toàn huyện đã có 297 điểm sạt lở, sụt lún và rạn nứt có nguy cơ sạt lở với chiều dài gần 8.183m đường.

Trước tình hình trên, huyện U Minh Thượng đã kịp thời hỗ trợ di dời, thăm hỏi, động viên các hộ dân; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tại các điểm sạt lở, sụt lún; mở thêm các tuyến đường, đường tạm để nhân dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Địa phương đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khảo sát tình trạng sụt lún, sạt lở và hậu quả thiên tai gây ra đã đủ điều kiện công bố thiên tai và cấp độ rủi ro do thiên tai để có các chính sách hỗ trợ người dân, ổn định cuộc sống, giảm thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài.

Nguyễn Huế

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nang-nong-kho-han-hoanh-hanh-vo-chong-dua-con-di-hoc-ve-nha-sut-sau-thanh-ho-2268278.html