Nắng nóng kéo dài, đồng khô người khát

Nắng nóng khốc liệt, nước ngầm sụt giảm, các cánh đồng khô khốc, cà phê rũ héo, cây trồng chết vì hạn. Đó là thực trạng hạn hán đang hoành hành ở các tỉnh Tây Nguyên.

Sông Pô Cô chảy qua khu vực giáp ranh giữa TP Kon Tum và huyện Sa Thầy cạn nước. Ảnh: HỮU PHÚC

Những cánh đồng héo rũ

Có mặt tại cầu Kroong (xã Kroong, TP Kon Tum), chúng tôi thấy bên dưới cầu, sông Pô Cô đã cạn nước, trơ đá. Bên bờ sông, anh A Xoan (xã Kroong) tất bật dùng máy bơm vét nước để tưới vườn cà phê 3 sào nằm giáp ranh xã Kroong (TP Kon Tum) và Sa Bình (huyện Sa Thầy). Vườn cà phê của A Xoan có hàng chục cây bị khô, lá rũ héo vì thiếu nước. “Năm nay khô hạn, nước sông xuống thấp, cũng vì chưa kịp tưới mà cà phê bị héo. Gia đình phải huy động máy, dồn lực cứu cà phê”, anh A Xoan than thở...

Theo UBND tỉnh Kon Tum, từ tháng 3 đến tháng 5, khô hạn, thiếu nước có nguy cơ cao xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới thuộc TP Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Nam Đăk Glei. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước là hơn 1.700ha. Để đối phó với hạn hán, thiếu nước, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đập, hồ chứa để phục vụ chống hạn. Trong trường hợp thiếu nước, chính quyền địa phương cần có giải pháp chở nước sinh hoạt từ nơi khác đến để hỗ trợ nhân dân.

Khô hạn cũng đang hoành hành tại nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai. Tại huyện Ia Pa, huyện Phú Thiện... hàng trăm hécta lúa đang trong giai đoạn làm đòng, nhiều diện tích trồng khoai lang, bắp đối mặt với nguy cơ thiếu nước... Theo ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, trước mắt, sở đề nghị các huyện, thị xã, thành phố, người dân, quản lý chặt chẽ nguồn nước; áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cho lúa, cây trồng cạn. Về lâu dài, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi lớn để phục vụ tưới; tăng cường xây dựng mới các hồ chứa để chuyển nước tưới cho các vùng thường xuyên bị hạn.

Còn tại tỉnh Đắk Nông, nhiều cánh đồng ở huyện Krông Nô đã héo rũ, khô khốc vì nắng gắt và thiếu nước. Nhiều hồ đập của địa phương này cũng đang trong tình báo động vì mực nước xuống thấp, không đủ cung cấp nước tưới. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, hiện nay trên địa bàn có 1.500ha hoa màu tại 2 xã Nam Xuân và Đắk Sôr đang trong tình trạng thiếu nước tưới. Trong đó, có khoảng 30% diện tích là cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả không đủ nước tưới cho đợt 2, đối mặt nguy cơ hư hại. Theo ông Nguyễn Tường Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, hiện nay đa số các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh mực nước đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023, nguy cơ thiếu nước cho cây trồng cao. Do đó, phía công ty đã xây dựng các phương án, tập trung điều tiết nguồn nước cho các vùng thiếu nước. Đồng thời, đề nghị các địa phương vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, khơi thông mương, suối tránh thất thoát...

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, đánh giá, trước tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, hạn hán có khả năng sẽ kéo dài gây bất lợi cho nhiều diện tích cây trồng ở Tây Nguyên. Do đó, ngành chức năng phải xây dựng các giải pháp để chống hạn; phải hướng dẫn, định hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp với khí hậu địa phương. Đối với người dân, cần phải nâng cao tư duy trong sản xuất, thay đổi các giống cây trồng có hiệu quả kinh tế và có khả năng chống chịu hạn cao.

Thiếu nước sinh hoạt

Tại tỉnh Lâm Đồng, mực nước hồ Đan Kia (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) gần chạm mực nước chết, buộc Công ty CP cấp thoát nước Lâm Đồng (vận hành 2 nhà máy xử lý nước sinh hoạt Đan Kia 1 và Đan Kia 2 cung cấp nước sinh hoạt cho toàn TP Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương) đề nghị Nhà máy thủy điện Ankroet giảm công suất phát điện trong thời gian tới. Đây là biện pháp tạm thời để đối phó với tình trạng khô hạn hiện tại. Nếu tình trạng nước hồ Đan Kia giảm sâu thì nguy cơ thiếu nguồn cung cấp nước cho hai nhà máy này.

Hồ Đan Kia (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cạn trơ đáy. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Nắng hạn kéo dài nhiều tháng qua đã khiến nguồn nước giếng sinh hoạt của người dân trên địa bàn các xã Đại Lào và Lộc Châu (TP Bảo Lộc) cũng tụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, nguồn nước giếng đào của hơn 300 hộ dân tại 2 địa phương này đang bị trơ đáy khiến bà con lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, mới đây UBND TP Bảo Lộc đã đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc phối hợp xử lý các tồn tại, vướng mắc liên quan đến Dự án Nước sạch nông thôn cho các hộ dân tại 2 xã Lộc Châu, Đại Lào.

Ngày 5-3, tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Phước, qua kiểm tra thực tế tại huyện Bù Gia Mập, hơn 300 hộ dân tại các xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập thiếu nước sinh hoạt trầm trọng; khoảng 100ha cây trồng ở các xã này bị thiếu nước tưới, có nguy cơ chết khô. Nếu nắng nóng kéo dài, dự kiến sẽ có khoảng 2.170ha cây trồng thiếu nước tưới và khoảng 805 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Tại huyện Lộc Ninh, nếu tình hình nắng nóng kéo dài đến giữa tháng 3, dự kiến sẽ có hơn 300ha cây trồng thiếu nước tưới và hơn 300 hộ thiếu nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Quyết, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Phước, cho biết, đơn vị đã đề nghị UBND các huyện Bù Gia Mập và Lộc Ninh chủ động phòng chống hạn hán, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt; có các biện pháp hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân...

BÙI LIÊM

MAI CƯỜNG - ĐOÀN KIÊN - HỮU PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nang-nong-keo-dai-dong-kho-nguoi-khat-post729431.html