Nắng nóng gay gắt tại nhiều nước, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét

Từ năm 2023 đã chứng kiến mức nền nhiệt tăng cao kỷ lục trên toàn cầu, trong đó châu Á đang nóng lên với tốc độ đặc biệt nhanh.

Mặt trời đỏ rực buổi bình minh tại Kuantan, bang Pahang, Malaysia, ngày 4/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều nước Đông Nam Á chứng kiến chuỗi những ngày nắng nóng gay gắt. Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế chuyên theo dõi khí hậu và thời tiết, từ năm 2023 đã chứng kiến mức nền nhiệt tăng cao kỷ lục trên toàn cầu, trong đó châu Á đang nóng lên với tốc độ đặc biệt nhanh.

* Nắng nóng gay gắt bao trùm nhiều nước

Một đợt nắng nóng "đổ lửa" đã tàn phá nhiều khu vực ở Đông Nam Á và Nam Á trong tuần qua, ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động người dân. Và nắng nóng dự báo sẽ kéo dài.

Tại Myanmar, nhiều khu vực trên cả nước ghi nhận nền nhiệt tăng đột biến, trong đó không ít địa phương báo cáo mức nhiệt trên 40 độ C. Theo Cục Khí tượng thủy văn Myanmar, nhiệt độ ở miền Trung và vùng đồng bằng nước này tiếp tục tăng cao trong hai ngày 28 và 29/4/2024.

Trong bối cảnh nhiệt độ gia tăng trên khắp đất nước, Bộ Y tế Myanmar đưa ra khuyến cáo người dân thực hiện những biện pháp đề phòng để bảo vệ sức khỏe. Thông thường, tháng 4 và tháng 5 hằng năm là hai tháng nắng nóng nhất ở quốc gia Đông Nam Á này trước khi mùa mưa bắt đầu. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết năm nay trở nên trầm trọng hơn do hình thái thời tiết El Nino.

Còn tại Thái Lan, người dân cũng phải trải qua đợt nắng nóng gay gắt trong tuần qua. Chính quyền thành phố Bangkok đã đưa ra cảnh báo nắng nóng cực độ dự kiến vượt ngưỡng 52 độ C.

Trong khi nhiệt độ đo được ở tỉnh Lampang, miền Bắc Thái Lan ngày 22/4 đã lên tới 44,2 độ C. Ít nhất 30 người đã tử vong do sốc nhiệt kể từ đầu năm đến nay. Nắng nóng dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những ngày tới ở Thái Lan. Chính phủ nước này đã kêu gọi người dân uống đủ nước, bôi kem chống nắng, tránh hoạt động ngoài trời để tránh say nắng.

Người dân tắm sông tránh nóng tại Bulacan, Philippines, ngày 6/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Philippines, cảnh báo chỉ số nắng nóng đạt mức “nguy hiểm’ với nhiệt độ vượt quá 42 độ C đã được đưa ra đối với nhiều khu vực bao gồm vùng thủ đô Manila. Bộ Y tế Philippines ngày 24/4 cho biết từ đầu năm cho đến ngày 18/4, nước này đã ghi nhận ít nhất 34 trường hợp mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng, trong đó đã có 6 ca tử vong.

Malaysia đã phát cảnh báo thời tiết nắng nóng trong mùa Hè 2024 và Bộ Giáo dục nước này khuyến cáo những biện pháp bảo vệ sức khỏe đối với học sinh, sinh viên trên cả nước trong bối cảnh nước này lần đầu tiên nâng cảnh báo nắng nóng lên mức 1 tại 10 khu vực.

Tại Lào, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ liên tục duy trì ở mức cao tới hơn 40 độ C, trong khi không khí ô nhiễm nặng trên cả nước khiến các cơ quan chức năng của Lào phải liên tục đưa ra các cảnh báo về hiện tượng thời tiết cực đoan, đồng thời khuyến nghị người dân có biện pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe.

Tại Việt Nam, khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ đang trong đợt nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-39 độ C, có nơi hơn 39 độ C. Cảnh báo nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến ngày 30/4, từ ngày 1 và 2/5 nắng nóng trên cả nước có khả năng giảm dần.

Người lao động vất vả dưới cái nắng gay gắt với nền nhiệt cao. Ản: Tuấn Anh - TTXVN

Ở khu vực Nam Á, nắng nóng cũng đang làm không ít người dân Nepal khốn khổ. Nền nhiệt trong ngày 24/4 tại tỉnh Lumbini ở miền Nam nước này lên mức 43 độ C, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân với một số trường hợp báo cáo hiện tượng rối loạn tiêu hóa, mất nước và đau đầu. Bộ Y tế Nepal đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự phòng trong trường hợp nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người.

Trong khi đó, nhiệt độ trên khắp đất nước Bangladesh trong tuần qua đã vượt 42 độ C buộc nhà chức trách phải đóng cửa các trường học trên khắp cả nước. Nhiệt độ trung bình ở thủ đô Dhaka cao hơn 4-5 độ C so với mức trung bình trong cùng kỳ này của 30 năm. Dự báo nắng nóng thiêu đốt còn duy trì ở Bangladesh trong ít nhất 1 tuần nữa. Các bệnh viện và phòng khám đã được yêu cầu chuẩn bị cho lượng bệnh nhân tăng cao do các bệnh liên quan đến nhiệt độ. Trong bối cảnh nắng nóng cực đoan tấn công, hàng nghìn người dân ở Bangladesh ngày 24/4 đã cùng tập trung cầu nguyện để trời đổ mưa.

Bang Odisha ở miền Đông Ấn Độ đã hứng chịu đợt nắng nóng cục bộ trong vài ngày với nhiệt độ ở nhiều nơi vượt quá 40 độ C. Trung tâm Khí tượng Ấn Độ (IMD) tại Bhubaneswar cho biết thị trấn Boudh ở Odisha ngày 19/4 có nhiệt độ cao nhất bang, 44,3 độ C, tiếp theo là Baripada với 44,2 độ C.

Do nhiệt độ tăng cao, chính quyền địa phương đã đóng cửa các trường học trong 3 ngày để bảo vệ sức khỏe của học sinh. Đợt nắng nóng này đã kéo dài khắp miền Đông Ấn Độ đến hết ngày 23/4. Giữa đợt nắng nóng gay gắt đang hoành hành, bang Odisha ở miền Đông Ấn Độ đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do say nắng và 71 trường hợp mắc bệnh liên quan đến nắng nóng.

Hằng năm, nắng nóng cực đoan đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người dân Ấn Độ. Số liệu chính thức cho biết, các đợt nắng nóng từ năm 1992 đến 2015 đã khiến hơn 22.000 người chết.

Theo dự báo của Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), quốc gia Nam Á này đối mặt với nắng nóng cực đoan từ tháng 4 đến tháng 6, trong đó các khu vực miền Trung và miền Tây sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế Ấn Độ đã tổ chức một cuộc họp đánh giá về mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế trong xử lý các bệnh liên quan đến nắng nóng.

Nhà chức trách Ấn Độ khuyến cáo người dân phòng ngừa các bệnh liên quan nắng nóng như phát ban nhiệt, phù nề do nhiệt (bàn tay, bàn chân và mắt cá chân bị sưng), ngất xỉu và sốc nhiệt.

Do nhiệt độ cao oi bức ngột ngạt trong thời gian gần đây đã buộc trường học tại một số quốc gia châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Philippines… phải cho học sinh học trực tuyến, tương tự như phương pháp áp dụng trong giai đoạn dịch COVID-19.

Trẻ em tắm ao tránh nóng tại Dhaka, Bangladesh ngày 17/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

* Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng

Liên hợp quốc cho biết châu Á là khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất do các hiểm họa về khí hậu và thời tiết năm 2023, trong đó lũ lụt và bão là nguyên nhân chính gây thương vong và thiệt hại kinh tế. Báo cáo của Liên hợp quốc nhấn mạnh tốc độ gia tăng của các chỉ số biến đổi khí hậu quan trọng như nhiệt độ bề mặt Trái đất, sự tan chảy của các dòng sông băng và mực nước biển dâng, sẽ có tác động nghiêm trọng đối với xã hội, nền kinh tế và hệ sinh thái trong khu vực.

Kể từ tháng 6/2023, nhiệt độ Trái Đất liên tiếp xác lập kỷ lục mới, với sự góp phần của các đợt nắng nóng khắp các đại dương trên toàn cầu. Tháng 3/2024 vừa qua là tháng thứ 10 liên tiếp thế giới chứng kiến nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại.

Giới khoa học đã lường trước xu hướng này do diễn biến mạnh của El Nino - hình thái thời tiết gây nhiệt độ cao tại vùng trung tâm Thái Bình Dương và tác động tới các hiện tượng thời tiết trên toàn cầu.

Khi El Nino suy yếu, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu hằng tháng sẽ giảm bớt. Các nhà khoa học về khí hậu cũng nhấn mạnh rằng phần lớn nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục hiện nay là do tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra, như lượng phát thải khí carbon dioxide và methane từ quá trình sử dụng than, dầu và khí đốt tự nhiên.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về hệ lụy của những đợt nắng nóng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất làm việc, hệ sinh thái và nền kinh tế của người dân các nước. Điều này khẳng định tính cấp thiết của việc phải nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nắng nóng gay gắt tại Bordeaux, Pháp ngày 5/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015 đặt mục tiêu kìm hãm đà tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp. Giới khoa học cũng cho biết, mục tiêu giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 là vô cùng quan trọng để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C - giới hạn giúp tránh những tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, năm 2023, lượng phát thải khí CO2 trong lĩnh vực năng lượng của thế giới đã tăng cao kỷ lục. Các cam kết hành động chống biến đổi khí hậu được đưa ra cho đến thời điểm hiện tại gần như không thể đáp ứng mục tiêu giảm lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.

Trong bối cảnh đó, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell cảnh báo cộng đồng quốc tế chỉ còn 2 năm để hành động nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, vấn đề trái đất nóng lên đang dần chệch ra khỏi chương trình nghị sự của các chính trị gia trên thế giới. Theo ông Stiell, khoảng thời gian 2 năm tới có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ðể đưa thế giới thoát khỏi "hiểm họa cận kề" từ biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây kêu gọi đoàn kết để đương đầu với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Ông đề nghị tất cả quốc gia cam kết thực hiện những đóng góp mới ở cấp quốc gia vào năm 2025, phù hợp với việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Theo đó, cần tăng gấp đôi kinh phí thích ứng lên ít nhất 40 tỷ USD hằng năm vào năm 2025 để bảo đảm công bằng về khí hậu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phải có trách nhiệm đặc biệt trong chống biến đổi khí hậu, bởi họ chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu.

Có thể thấy, thế giới không còn nhiều thời gian để biến cam kết thành hành động và nhiệm vụ chính của các cuộc đàm phán về khí hậu tại COP29 ở Azerbaijan cuối năm 2024 được kỳ vọng sẽ là cơ hội thúc đẩy các quốc gia thống nhất một mục tiêu mới về tài chính khí hậu, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc đầu tư chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu.

Trọng Đức (tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nang-nong-gay-gat-tai-nhieu-nuoc-bien-doi-khi-hau-ngay-cang-ro-net/331385.html