Năng lượng tái tạo đạt kỷ lục 30% lượng điện năng toàn cầu

Dữ liệu mới cho thấy năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục, chiếm tới 30% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023.

Dữ liệu mới cho thấy năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục, chiếm tới 30% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023.

Hệ thống pin mặt trời ở Jakarta, Indonesia, ngày 3/5. (Ảnh: AFP)

Hệ thống pin mặt trời ở Jakarta, Indonesia, ngày 3/5. (Ảnh: AFP)

Con số trên làm dấy lên hy vọng rằng mức phát thải khí nhà kính toàn cầu sắp đạt đến đỉnh điểm.

Tuy nhiên, có những lo ngại rằng nhiều quốc gia đang bị cản trở trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch vì không thể tiếp cận được số tiền mặt cần thiết tài trợ cho hoạt động này.

"Cột mốc" năng lượng tái tạo vào năm 2023 được thúc đẩy bởi một năm bùng nổ về năng lượng gió và đặc biệt là năng lượng mặt trời, trong đó Trung Quốc, Brazil và Hà Lan dẫn đầu về việc triển khai nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 51% sản lượng điện mặt trời mới và 60% sản lượng gió mới, ngay cả khi nước này đang tiếp tục xây dựng một lượng lớn năng lượng than mới.

Bà Christiana Figueres - cựu giám đốc Cơ quan biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc - cho biết nhiên liệu hóa thạch "lỗi thời" hiện không thể cạnh tranh với "những đổi mới theo cấp số nhân và đường cong chi phí ngày càng giảm trong năng lượng tái tạo và lưu trữ".

Trang trại điện gió trên một cánh đồng ở khu Eure-et-Loir thuộc vùng Centre-Val de Loire, Pháp. (Ảnh: AFP)

Trang trại điện gió trên một cánh đồng ở khu Eure-et-Loir thuộc vùng Centre-Val de Loire, Pháp. (Ảnh: AFP)

Trong hai thập kỷ qua, việc sử dụng năng lượng mặt trời và gió đã vượt qua kỳ vọng và phát triển nhanh hơn nhiều so với dự kiến, tăng từ mức chỉ 0,2% sản lượng điện toàn cầu trong năm 2000 lên 13,4% vào năm 2023.

Ông Dave Jones - Giám đốc Chương trình Hiểu biết Toàn cầu tại Ember - nhận định sự tăng trưởng vượt bậc trên là do các chính sách và công nghệ "đã chín muồi" cũng như chi phí giảm mạnh.

Chi phí sản xuất năng lượng mặt trời đã giảm một nửa vào năm 2023 bất chấp nhu cầu tăng cao nhờ sự bùng nổ năng lực sản xuất.

Trong khi đó, các vấn đề cản trở năng lượng gió - chẳng hạn như chi phí lạm phát - bắt đầu được giải quyết, mở ra nhiều dự án điện gió hơn.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai vào năm 2023, các nhà lãnh đạo đã cam kết tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Ember cho rằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện trên toàn cầu có thể đạt đỉnh vào năm 2023 và sẽ bắt đầu giảm trong năm nay, cùng với tình trạng ô nhiễm và khí thải mà chúng mang lại. Vì ngành điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lượng khí thải toàn cầu, điều đó có nghĩa là lượng khí thải toàn cầu cũng có thể bắt đầu giảm sớm.

Việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở các quốc gia đang phát triển sẽ là vấn đề then chốt tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc COP29 trong năm nay ở Azerbaijan.

Theo VTV.VN

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/18/189185/nang-luong-tai-tao-dat-ky-luc-30-luong-dien-nang-toan-cau.htm