Nâng hạng thị trường chứng khoán, hút vốn 'tỷ đô' vào Việt Nam

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là hai nhóm vấn đề mang tính trọng yếu, để triển khai các giải pháp sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đề ra. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, trong đó nổi bật là việc thu hút dòng vốn ngoại 'tỷ đô', cũng như thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Duy Dũng

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Duy Dũng

Nâng hạng ảnh hưởng rất lớn tới việc phân bổ vốn của khối ngoại

Phát biểu tại Chương trình đối thoại tháng 7, với chủ đề "Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán", vừa tổ chức ngày 26/7 tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương cho biết, hiện cơ quan quản lý đã và đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra, nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các TTCK của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng TTCK, phân loại chỉ số tham chiếu cho TTCK. Chính vì vậy, việc phân loại TTCK của các tổ chức xếp hạng có ảnh hưởng rất lớn trong việc dẫn dắt luồng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.

Theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường trong nước. Cụ thể, việc nâng hạng thị trường dự kiến sẽ thu hút dòng vốn ngoại ròng khoảng 7,2 tỷ USD/năm vào Việt Nam; đồng thời sẽ giúp khả năng định giá cổ phiếu được cải thiện, từ đó ảnh hưởng tích cực đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Cũng theo WB, việc được nâng cấp lên trạng thái từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ dẫn đến cơ sở nhà đầu tư đa dạng hơn; mặt khác cũng góp phần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường trong nước.

Trong Báo cáo phân loại thị trường mới nhất của FTSE Russell được công bố ngày 30/3/2023, Việt Nam tiếp tục là thị trường cận biên (Frontier) và nằm trong Danh sách theo dõi khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market). Về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE.

“Thời gian qua, UBCKNN đã nỗ lực tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bên có liên quan nhằm trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại để TTCK sớm được nâng hạng theo kế hoạch đã được phê duyệt” - Chủ tịch UBCKNN chia sẻ.

Cần giải quyết 2 nhóm vấn đề mang tính trọng yếu

Theo Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương, việc nâng hạng TTCK phụ thuộc vào đánh giá và quyết định từ phía các tổ chức xếp hạng quốc tế như FTSE Russell, MSCI. Thời gian qua, cơ quan quản lý đang chủ động đưa ra và nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng đưa ra. Việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi là lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên để đạt được mục tiêu theo kế hoạch, UBCKNN cần sự phối hợp tích cực, có hiệu quả của các bộ, ngành liên quan.

"Thời gian qua, UBCKNN đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bên liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cuối tháng 8/2023, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức xếp hạng tại Hong Kong (Trung Quốc) nhằm đánh giá tiềm năng để TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi".

Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương

Theo lãnh đạo UBCKNN, có hai nhóm vấn đề mang tính trọng yếu trước mắt ảnh hưởng đến việc nâng hạng cho TTCK và đòi hỏi sự phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành liên quan, bao gồm: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước) và Giới hạn sở hữu nước ngoài (thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Theo đó, đối với yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, hiện tại, Việt Nam vẫn quy định phải bảo đảm đủ tiền và chứng khoán trước giao dịch theo các quy định tại Thông tư 120/2020/TT-BTC; trong khi đó, yêu cầu của các tổ chức xếp hạng thì “Không yêu cầu ký quỹ trước giao dịch”. Do vậy, phương án để có thể tháo gỡ được đặt ra thông qua việc triển khai đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường cơ sở và dần tiến tới giảm ký quỹ trước giao dịch.

Hiện nay, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và UBCKNN đã chuẩn bị xây dựng mô hình CCP cho thị trường cơ sở, ví dụ: Mô hình khi ngân hàng lưu ký được chấp thuận là thành viên bù trừ. Mô hình này cần có sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước trong việc sửa đổi quy định liên quan trong lĩnh vực ngân hàng.

Đối với vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài, một số giải pháp được đề xuất gồm triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR); triển khai cổng công bố thông tin giao dịch ngoài biên độ của nhà đầu tư nước ngoài (Foreign Board) với các cổ phiếu hết room ngoại; đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu nước ngoài.

Dự kiến sẽ có khoảng 7,2 tỷ USD/năm vào Việt Nam nếu thị trường được nâng hạng

Lợi ích khi được nâng hạng, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế khoảng 70% các quyết định phân bổ vốn vào chứng khoán phụ thuộc vào sự xếp hạng phân loại thị trường chứng khoán. Còn theo World Bank, dự kiến có thể có khoảng 7,2 tỷ USD/năm sẽ đổ vào Việt Nam nếu được nâng hạng thị trường.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nang-hang-thi-truong-chung-khoan-hut-von-ty-do-vao-viet-nam-132861.html