Nâng hạng lên thị trường mới nổi 'hút mạnh' dòng vốn ngoại

Theo các chuyên gia, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên mới nổi sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cổ phiếu thu hút dòng vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.

Năm 2024 được giới đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng sẽ là thời điểm vàng để đón đầu dòng vốn ngoại. Ảnh: TL

Năm 2024 được giới đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng sẽ là thời điểm vàng để đón đầu dòng vốn ngoại. Ảnh: TL

Mở ra nhiều cơ hội

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - Thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường mới nổi. Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ chỉ số (ETF). Thu hút vốn sẽ giúp tăng cường nguồn lực cho các doanh nghiệp niêm yết để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Dòng vốn ngoại thường sẽ đến trước thời điểm nâng hạng

Theo một số thống kê, dòng vốn ngoại thường sẽ đến trước thời điểm chính thức nâng hạng khoảng 1 - 2 năm và thúc đẩy thị trường chứng khoán bật tăng mạnh. Điển hình như TTCK Qatar tăng hơn 45% (từ tháng 9/2013 - tháng 9/2014), Saudi Arabia tăng hơn 23% (tháng 3/2017 - tháng 3/2018), Romania tăng hơn 18% (từ tháng 9/2018 - tháng 9/2019). Vì thế, giai đoạn 2024 được giới đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng sẽ là thời điểm vàng để đón đầu dòng vốn ngoại.

Bên cạnh cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, việc nâng hạng thị trường còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho thị trường chứng khoán Việt Nam, khắc phục tình trạng các nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ lệ giao dịch trên 90% toàn thị trường thông qua việc tăng hút dòng vốn ngoại, vốn có tính ổn định cao, vào thị trường.

Thời gian qua, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy lộ trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, song vẫn còn một số tiêu chí cần tiếp tục được hoàn thiện và cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, các tổ chức và thành viên thị trường.

Ông Phan Khánh Linh - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và đầu tư TechProfit Việt Nam cho biết, theo dự kiến của rất nhiều tổ chức đánh giá uy tín, TTCK Việt Nam để được nâng hạng theo tiêu chuẩn MSCI và FTSE Russell sẽ vào khoảng năm 2025. Một số tiêu chí quan trọng để có thể nâng hạng đang được thúc đẩy, chúng ta phấn đấu để có một hệ thống giao dịch có thể giúp thị trường giao dịch nhanh chóng hơn, giao dịch T+0.

Trước mắt, việc triển khai KRX, các công ty chứng khoán cũng đã có bước chuẩn bị chạy đà trong thời gian qua, UBCKNN cũng có những động thái rõ ràng việc có thể sớm vận hành KRX. Đó là một phần quan trọng để có thể rút ngắn quãng đường nâng hạng thị trường.

“Bên cạnh đó, cần một trung tâm thanh toán bù trừ, đây là cái khó vì cần có một trung tâm thanh toán bù trừ đủ lớn để đứng ra làm đơn vị trung gian, để mua toàn bộ lệnh bán của nhà đầu tư và xử lý lỗi giao dịch, điều này cần có nhiều thời gian. UBCKNN đã họp với ngân hàng lớn ở trong nước, cũng như ngân hàng nước ngoài để tham vấn về vấn đề này, đây là động thái khẩn trương của UBCKNN. Ngoài ra, các tiêu chí khác như giới hạn sở hữu nước ngoài; “room" khối ngoại còn lại; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; cho vay chứng khoán; bán khống… cũng đang được quan tâm và tháo gỡ” - ông Linh cho hay.

Tăng nguồn lực bền vững cho các doanh nghiệp

Đánh giá về cơ hội cho TTCK khi được nâng hạng, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng, khi được nâng hạng rủi ro sẽ giảm đi và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh tay để đầu tư vào TTCK Việt Nam. Hai yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư là mức độ rủi ro của thị trường và mức độ sinh lời của thị trường. Năm 2024 khi nền kinh tế được dự báo sáng hơn thì cả hai yếu tố này đều tích cực do đó sẽ thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Chi nhánh Hà Nội - Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt chia sẻ, nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ hướng tới. Việc nhận được sự ủng hộ quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước là điều rất cần thiết để thúc đẩy tiến độ và nhanh chóng giúp Việt Nam đạt được những điều kiện để nâng hạng thị trường.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Quy mô, thanh khoản của TTCK Việt Nam ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn khi nhiều sai phạm đều bị xử lý nghiêm là một điểm nhấn tích cực nhất. Tính minh bạch cũng được gắn liền với việc chủ động hội nhập với thế giới, quan tâm đến các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, trong đó 100% các doanh nghiệp trong rổ VN30 đã công bố thông tin bằng tiếng Anh” - bà Hằng nói.

Nhìn nhận về những cơ hội khi được nâng hạng, bà Hằng cho rằng, cơ hội lớn nhất đó chính là việc sẽ thu hút được dòng vốn ngoại với quy mô lớn mà theo các tổ chức ước tính con số có thể lên đến 3 - 4 tỷ USD. Với sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức lớn có nguồn lực dồi dào, tầm nhìn dài hạn, chấp nhận đồng hành lâu dài với các doanh nghiệp sẽ giúp thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững hơn.

Việc thu hút được các dòng vốn dài hạn từ nước ngoài sẽ giúp tăng cường nguồn lực cho các doanh nghiệp niêm yết để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế./.

Mai Tấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nang-hang-len-thi-truong-moi-noi-hut-manh-dong-von-ngoai-141898.html