Nâng chất lượng nguồn nhân lực du lịch - Bài cuối: Tránh lãng phí trong đào tạo

Đội ngũ lao động trực tiếp và quản lý các cấp ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ đã và đang có nhiều đóng góp đáng kể vào phục hồi và phát triển du lịch.

Đào tạo nghiệp vụ buồng, bàn, nhà hành, khách sạn tại Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Song thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, nhân lực du lịch ở nước ta hiện nay vừa cần được bổ sung về lượng, đồng thời cần được nâng cao về “chất”, nhất là được đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng đáp ứng những thay đổi về thị trường, xu hướng du lịch, tránh đào tạo lãng phí, không đáp ứng yêu cầu.

Đào tạo đúng nhu cầu

Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo và đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho lao động theo hướng thị trường cần gia tăng các kỹ năng về công nghệ thông tin, du lịch thông minh, hình thức tổ chức trải nghiệm cùng các kiến thức liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ. Đây là giải pháp cần thiết để nhân lực du lịch có những đóng góp hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia, hiện nay nhu cầu, xu hướng du lịch của du khách có nhiều thay đổi. Du lịch không còn là nhu cầu của một số người mà đã trở thành nhu cầu rộng rãi của cư dân. Số lượng người đi du lịch ngày càng đông, nhu cầu du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Vì vậy, cần nâng trình độ phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam lên ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, để biến nhân lực thành lợi thế quốc gia và năng lực cạnh tranh du lịch.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình (Phòng Quản lý lưu trú du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) nêu dẫn chứng, xu hướng du lịch tách biệt, đi nhóm nhỏ rất cần có sự cá nhân hóa dịch vụ. Điều này đòi hỏi nhân sự trong cơ sở lưu trú có sự tinh tế, đáp ứng nhu cầu, phục vụ theo sở thích của từng khách và có hồ sơ lưu trữ về những khách hàng cũ. Hoặc xu hướng du lịch thực hiện “chuyến đi để đời”, đòi hỏi nhân sự trong cơ sở lưu trú du lịch cung ứng những sản phẩm đặc biệt chất lượng cao, mang đến cho khách những “kỳ nghỉ trong mơ”, đặc biệt các du khách có khả năng chi trả cao.

Từ góc độ doanh nghiệp trực tiếp thiết kế, quản lý và điều hành nhiều tour du lịch về Đồng bằng sông Cửu Long, ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Du lịch và Truyền thông C2T cho rằng, trang bị kỹ năng cho lao động lĩnh vực du lịch, dịch vụ hiện nay cần chú trọng các kỹ năng mới, đáp ứng nhu cầu du khách. Chẳng hạn đưa du khách về các làng quê, trải nghiệm loại hình du lịch nông nghiệp, làng nghề, hòa mình với đời sống người dân, rất cần những hướng dẫn viên có kỹ năng kể câu chuyện văn hóa của làng quê, biết quay phim, chụp hình đẹp cho du khách. Những nông dân tham gia làm du lịch cũng là đội ngũ nhân lực cần được chú ý đào tạo, có kỹ năng, hiểu biết về tâm lý du khách, giới thiệu những câu chuyện, nét đẹp của làng quê một cách sinh động...

Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, góp phần khẳng định vị thế của ngành Du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực, Sở đặc biệt coi trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ nhân lực, nhất là lao động trực tiếp như: hướng dẫn viên, phục vụ nhà hàng, buồng, phòng, lễ tân… Thời quan qua, Sở phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thành phố tổ chức các hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi, thi nghiệp vụ buồng, phòng, tạo điều kiện để đội ngũ lao động được cập nhật, bổ sung các thông tin mới về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm. Sở phối hợp với các địa phương trao đổi, hướng dẫn cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch tại một số quận, huyện, góp phần nâng chất nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.

Chú trọng đào tạo kỹ năng

Để nâng cao chất lượng nhân lực trong bối cảnh thị trường du lịch đa dạng hơn, du khách mong muốn có những dịch vụ phù hợp, được cá biệt, đặc thù hóa ở mức tối đa. Nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ nhân lực, nhất là các lao động trực tiếp lĩnh vực du lịch, dịch vụ cần được trang bị các kỹ năng phù hợp từng thị trường, loại hình du lịch và dòng du khách.

Dẫn chứng cụ thể đối với dòng du khách Hồi giáo, theo ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Halal quốc gia Việt Nam, với khoảng 140 triệu lượt du khách Hồi giáo đi du lịch khắp thế giới mỗi năm, đây là thị trường du khách rất lớn đối với du lịch Việt Nam. Tiếp cận thị trường mới mẻ này, phải có đội ngũ lao động hiểu người Hồi giáo ăn uống rất đặc thù, theo nghi thức tín ngưỡng riêng. Các điểm lưu trú phải có nhân lực hiểu rõ, đảm bảo phục vụ, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cơ bản phù hợp với người Hồi giáo. Đơn vị cung cấp các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cần chú ý trang bị cho nhân viên các kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phục vụ khách du lịch có tôn giáo là Đạo Hồi một cách kỹ lưỡng, chi tiết, phù hợp với nhu cầu ăn uống, thói quen sinh hoạt tôn giáo, tôn trọng nghi thức tín ngưỡng của du khách để nắm bắt cơ hội, đón được dòng khách nhiều tiềm năng này.

Cùng quan điểm chú trọng trang bị kỹ năng, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng, cơ quan chức năng cần khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu nhân lực du lịch cả trước mắt cũng như dài hạn; xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành phù hợp với quy hoạch chung, yêu cầu phát triển và các mục tiêu, định hướng phát triển du lịch. Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường thu hút các chuyên gia giỏi, lao động có tay nghề cao từ bên ngoài vào những lĩnh vực ưu tiên hoặc lĩnh vực, công việc mà lực lượng tại chỗ còn “mỏng” và yếu. Các cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn các hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm du lịch, đào tạo tay nghề để khôi phục, phát triển nghề cổ truyền, tạo điểm tham quan du lịch và sản xuất hàng lưu niệm phục vụ phát triển du lịch.

Chia sẻ kinh nghiệm tăng cường liên kết phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đào tạo đúng yêu cầu của người sử dụng lao động, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu, Thạc sĩ Đinh Bích Diệp cho biết: “Đóng chân” trên địa bàn phát triển mạnh du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng với đa dạng dòng du khách, Trường chú trọng đào tạo ngoại ngữ, rèn luyện các kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề. Sinh viên của trường được tham gia nhiều chương trình thực tập, kiến tập tại các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế tại Bà Rịa-Vũng Tàu và trong khu vực, giúp các em sớm làm quen với môi trường thực tế, sử dụng tốt tiếng Anh, có tác phong làm việc tự tin và có kỹ năng làm việc nhóm rất tốt. Trường ký kết hợp tác đào tạo và tuyển dụng với các đối tác lớn tại Bà Rịa-Vũng Tàu như các điểm đến lưu trú, nghỉ dưỡng đẳng cấp: The Grand Ho Tram Strip, Pullman, Marina Bay, Angsana, Melia Hồ Tràm..., giúp sinh viên vừa rèn nghề, trau dồi kỹ năng, vừa có việc làm ngay trong quá trình thực tập.

Thanh Trà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/nang-chat-luong-nguon-nhan-luc-du-lich-bai-cuoi-tranh-lang-phi-trong-dao-tao-20240401112826491.htm