Nâng chất lượng điều hành để thăng hạng PCI

UBND tỉnh Nam Định vừa có báo cáo tình hình thực hiện chỉ số PCI năm 2022; qua đó, rút kinh nghiệm và bàn các giải pháp duy trì và nâng cao chỉ số thành phần cùng các chỉ tiêu cơ sở trong năm 2023.

Hoạt động sản xuất của Công ty Huyền Bính đóng trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Hoạt động sản xuất của Công ty Huyền Bính đóng trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trên tinh thần thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại để khắc phục và vươn lên, thăng hạng trong Bảng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức khảo sát, đánh giá và nghiên cứu, UBND tỉnh Nam Định vừa có báo cáo tình hình thực hiện chỉ số PCI năm 2022; qua đó, rút kinh nghiệm và bàn các giải pháp duy trì và nâng cao chỉ số thành phần cùng các chỉ tiêu cơ sở trong năm 2023.

Theo báo cáo từ VCCI, năm 2022, Nam Định xếp ở vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong Bảng xếp hạng PCI với mức điểm 65,29; trong đó chỉ số gia nhập thị trường là 7,03; tiếp cận đất đai 7,57; tính minh bạch 5,67; chi phí thời gian 7,40; chi phí không chính thức 6,93; cạnh tranh bình đẳng 4,31; tính năng động 6,74; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được 5,94 điểm...

Kết quả khảo sát PCI 2022 đã ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục đánh giá cao và đồng tình quan điểm: cán bộ đăng ký doanh nghiệp tại bộ phận một cửa đã hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, thái độ phục vụ nhiệt tình, thân thiện, am hiểu về chuyên môn. Không có bất cứ doanh nghiệp nào phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục đăng ký doanh nghiệp để chính thức hoạt động.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đánh giá chưa cao về mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục liên quan tới các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng, quy trình giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện là không đúng như văn bản quy định và tỷ lệ doanh nghiệp khó khăn khi thực hiện thủ tục này đã tăng hơn so với năm 2021.

Các chỉ tiêu liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện đã được bổ sung vào Bộ chỉ tiêu của PCI từ năm 2021. Lĩnh vực này được Chính phủ rất quan tâm và nhấn mạnh trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Điều này đòi hỏi hệ thống chính quyền các cấp của tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp để hoàn tất các giấy phép kinh doanh có điều kiện trước khi đi vào hoạt động.

Phân tích nguyên nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định Mai Văn Quyết cho hay, so với năm 2021, các chỉ số như gia nhập thị trường bị giảm điểm; việc khai trình sử dụng lao động hay cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp vẫn còn thấp; số ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn còn cao hơn điểm trung vị của cả nước; sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Thậm chí, trang thông tin điện tử của chính Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tại một số thời điểm cũng chưa được cập nhật kịp thời, chưa đa dạng, hấp dẫn người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin về cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch hay tình hình đầu tư kinh doanh tại địa phương.

Đây là những vấn đề cơ bản cần sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, song song với việc tuyên truyền, định hướng và hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký hoặc sửa đổi đăng ký doanh nghiệp qua hình thức mới như đăng ký trực tuyến, đăng ký qua bưu điện.... Đồng thời, địa phương các cấp cũng cần phải tích cực tìm ra giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh Nam Định vẫn còn một số hạn chế khác như, quy mô nền kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực; phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa phát huy hết các giá trị văn hóa tại địa phương; liên kết vùng còn hạn chế, chưa chú trọng phát triển giao thông đối ngoại; kết nối hạ tầng khu vực ven biển chưa thuận lợi nên chưa khai thác hiệu quả, tiềm năng kinh tế biển; các chỉ số về cải cách hành chính vẫn còn hạn chế...

Do đó, để khắc phục điểm nghẽn hiện tại và thúc đẩy nền kinh tế Nam Định có sự bứt phá mạnh mẽ hơn trong tương lai, qua đó cải thiện thứ hạng PCI của tỉnh trong năm 2023, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công các khu, cụm công nghiệp đã được cấp phép, đang thi công để tạo mặt bằng sạch thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ những điểm “nghẽn” về tạo dựng hạ tầng hướng tới sự đồng bộ, hoàn thiện và hiện đại mới mong tăng cường sự quan tâm và thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Tỉnh phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn II. Xây dựng cầu qua sông Đào.

Xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B), xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển... để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, gia tăng năng lực, tính kết nối liên vùng cho hệ thống giao thông. Tỉnh cũng thúc đẩy tinh thần quyết liệt đầu tư các công trình hạ tầng phụ trợ như điện lực, nước sạch, viễn thông, xử lý nước thải đến chân các công trình khu, cụm công nghiệp để đảm bảo tính chủ động cung ứng hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Cùng với đó, phải quyết liệt nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính. Sau khi được phê duyệt, các ngành, các địa phương phải khẩn trương công bố công khai và gia tăng các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, thực hiện các quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng yêu tránh tình trạng cấp tỉnh, đặc biệt là cấp lãnh đạo tỉnh thì quyết liệt nhưng các cấp dưới lại “từ từ”, chưa quyết liệt, nhiệt tình. Người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh, đùn đẩy trong tham mưu, đề xuất các phương án xử lý tình huống phát sinh trong xúc tiến thu hút đầu tư, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục hành chính của địa phương, đơn vị mình một cách hiệu quả, đúng quy định, pháp luật.

Tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác 874 để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư.

Quan trọng hơn, tỉnh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, làm tốt việc hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đến tìm hiểu xúc tiến đầu tư vào tỉnh; tranh thủ sự ủng hộ, trợ giúp của các bộ, ngành Trung ương trong kết nối, giới thiệu xúc tiến, thu hút đầu tư về địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.../.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nang-chat-luong-dieu-hanh-de-thang-hang-pci/301657.html