Nâng chất lượng công chức ngay từ đầu vào

Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức có nhiều điểm mới. Trong đó, nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận là những quy định cụ thể về cơ quan quản lý, đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức; đối tượng được xét tuyển công chức; thi tuyển công chức… Báo Hànôịmới ghi nhận được nhiều ý kiến cho rằng đây là biện pháp siết chặt đầu vào nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực trong các cơ quan hành chính nhà nước…

Các thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn của thành phố Hà Nội năm 2019. Ảnh: Hữu Nguyễn

Ông Nguyễn Tuệ Sơn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Oai:
Hình thức thi kết hợp phỏng vấn và viết là cần thiết

Nghị định số 138/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2020. Trong đó, đáng chú ý là việc nội dung thi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng sẽ được chuyển sang thi tại vòng 2 thay vì vòng 1 như các quy định trước đây. Đặc biệt, quy định vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành nêu rõ: “Căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn; viết; kết hợp phỏng vấn và viết”.

Theo tôi, hình thức thi kết hợp phỏng vấn và viết là hết sức cần thiết nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào trong giai đoạn hiện nay. Bởi, qua phỏng vấn, cơ quan tuyển dụng sẽ hiểu rõ thêm về trình độ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phản xạ của ứng viên. Cũng từ phỏng vấn trực tiếp, cơ quan tuyển dụng sẽ thấy rõ sự nhiệt huyết và năng lực phù hợp với vị trí đang tuyển dụng hay không, từ đó chọn lọc được nhân sự có thực lực, thực tài, đáp ứng được yêu cầu công việc.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa):
Góp phần thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức

Đội ngũ cán bộ, công chức là lực lượng nòng cốt trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn của từng lĩnh vực. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghệ số đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo quy định về thi tuyển công chức tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành phải căn cứ vào chức trách, tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn của ngạch công chức và phải phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Theo tôi, quy định cụ thể về xác định vị trí việc làm trước khi tổ chức thi tuyển là nội dung quan trọng để thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức. Qua xác định vị trí việc làm, từng cơ quan, đơn vị đã xác định được vị trí nào cần thiết phải tuyển dụng và cần bao nhiêu người với những tiêu chuẩn, năng lực gì để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Từ đây sẽ giảm thiểu những chồng chéo về nhiệm vụ của các vị trí việc làm khi tuyển dụng, sắp xếp, bố trí công chức phù hợp với từng vị trí cụ thể.

Ông Lê Đình Tuấn, công chức bộ phận “một cửa” UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng):
Tiếp tục tạo “hướng mở” trong thu hút nhân tài

Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ra đời trên cơ sở kế thừa và thay thế Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; đồng thời bãi bỏ Điều 1 - Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP vẫn kế thừa những quy định tiến bộ của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP. Cụ thể, người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an…, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động, con liệt sĩ, con thương binh… được cộng 5 điểm (vào điểm thi vòng 2) thay vì 20 điểm như trước. Đặc biệt Nghị định số 138/2020/NĐ-CP tiếp tục không phân biệt loại hình đào tạo (chính quy, tại chức, văn bằng 2, đào tạo từ xa) trong thi tuyển công chức. Theo tôi, quy định này tạo sự công bằng giữa các đối tượng dự thi, đồng thời tạo “hướng mở” cho các cơ quan quản lý công chức trong tuyển dụng nguồn nhân lực, chú trọng thu hút nhân tài.

Bà Nguyễn Thị Liên, đảng viên 41 năm tuổi Đảng, Chi bộ số 17, phường Thượng Thanh (quận Long Biên):
Đổi mới, hoàn thiện công tác tuyển dụng và đánh giá đội ngũ công chức

Việc tuyển dụng đầu vào công chức là khâu đầu tiên, làm tiền đề giúp công tác bố trí vị trí việc làm đúng người, đúng việc có thể phát huy cao nhất vai trò của mỗi công chức. Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đã đóng góp hiệu quả cho công tác đổi mới, hoàn thiện việc tuyển dụng và đánh giá đội ngũ công chức. Nghị định đã không chỉ bổ sung hình thức thi viết kết hợp phỏng vấn nhằm chọn lọc kỹ hơn chất lượng đầu vào, mà còn quy định rất chi tiết, cụ thể các đối tượng trong diện được xét tuyển công chức.

Việc này vừa giúp hạn chế tối đa tình trạng “chạy chọt”, vừa khuyến khích người tài làm việc và đóng góp trí tuệ cho cơ quan nhà nước.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/985609/nang-chat-luong-cong-chuc-ngay-tu-dau-vao