Nâng cấp QL37 qua Yên Bái: Vì sao có đoạn đường cao hơn nhà dân 3 mét?

Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến QL37 đi qua huyện Trấn Yên (Yên Bái) sau khi hoàn thành có một số vị trí cao hơn nhà dân gây ra ngập úng.

Mặt đường cao hơn nhà tới 3 mét

Dự án mở rộng tuyến quốc lộ 37 (QL37) đi qua huyện Trấn Yên (Yên Bái) được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2009, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 427,1 tỷ đồng, Sở GTVT Yên Bái làm chủ đầu tư và đại diện là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái (Ban QLDA ĐTXD CTGT Yên Bái).

Tuyến đường QL37 được nâng cấp, thuận tiện cho việc đi lại nhưng khiến một số hộ dân ở thôn Lương Thiện (xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên) không biết xử lý ra sao khi nền đường mới cao hơn nền nhà từ 0,5 - 3,5m. Đồng thời, hệ thống cống thoát nước đi qua các hộ này lại chưa hoàn thành.

19 hộ dân tại thôn Lương Thiện, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên giáp với QL37 chịu ảnh hưởng do nhà thấp hơn đường từ 0,5-3,5m.

19 hộ dân tại thôn Lương Thiện, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên giáp với QL37 chịu ảnh hưởng do nhà thấp hơn đường từ 0,5-3,5m.

Cơn mưa lớn vào tối 29/7 đã khiến nước, đất đá, bùn tràn vào một số nhà dân, gây ngập úng. Từ đêm 29/7 đến 9h sáng 30/7, một số hộ dân thôn Lương Thiện đã mang đồ đạc chặn tại QL37 khiến các phương tiện không thể di chuyển được…

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (thôn Lương Thiện) bức xúc nói: Ngôi nhà của gia đình tôi đang thấp hơn 3m so với mặt đường QL37 nên đi lại rất khó khăn vất vả. Mỗi khi mưa lớn là lại thấp thỏm trong biển nước.

Trước kia con đường chưa được nâng cấp sửa chữa thì nền đường chỉ bằng cửa nhà và có cua tay áo, nhưng từ khi xẻ đồi, cắt cua thì mặt đường lại cao hơn nền nhà. Các hộ dân đã nhiều lần viết đơn kiến nghị gửi lên chính quyền các cấp và các cơ quan đơn vị chức năng nhưng chưa được giải đáp thỏa đáng.

Cùng chung hoàn ảnh với gia đình chị Hà, nhà bà Triệu Thị Bình ở cách đó không xa cũng bị thấp hơn mặt đường. Mỗi khi mưa xuống, nước và đất đá đều tràn vào nhà.

Nhiều ngôi nhà có tầng 1 lọt thỏm dưới mặt đường QL37.

Nhiều ngôi nhà có tầng 1 lọt thỏm dưới mặt đường QL37.

Bà Bình cho biết: “Trưa 30/7, lãnh đạo UBND huyện Trấn Yên, lãnh đạo Sở GTVT, đại diện Ban QLDA, đại diện nhà thầu thi công cùng với chính quyền địa phương đã gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân bị ảnh hưởng. Sau buổi làm việc, họ đã cam kết giải quyết các vấn đề trong tháng 8/2023”.

Chưa có rãnh thoát nước do dân không bàn giao mặt bằng

Theo thống kê trên địa bàn xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên có 19 hộ bị ảnh hưởng trong đó 15 hộ có nhà được xây kiên cố, còn lại là 4 ngôi nhà gỗ.

Ông Hà Ngọc Tâm, Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh cho biết, việc ngập úng ở các hộ dân ngoài nguyên nhân do dự án chưa hoàn thiện hệ thống cống rãnh, còn có một phần do 2 hộ gia đình tự ý lắp cống nước tại khu vực Km 299+289 khiến ách tắc dòng chảy.

Thêm vào đó, những ngày qua do mưa lớn, lượng nước từ thuợng nguồn đổ về theo độ dốc của đường khiến cho các hộ dân có móng nhà thấp hơn đường bị ngập.

Một số nhà bị nước đọng ở hành lang cửa nhà do mặt đường cao hơn nhà.

Một số nhà bị nước đọng ở hành lang cửa nhà do mặt đường cao hơn nhà.

“Về phía địa phương, chúng tôi đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt đối với 2 gia đình tự ý san lấp mặt bằng gây ách tắc dòng chảy. Ngay trong chiều ngày 2/8, Sở GTVT Yên Bái, cùng đơn vị thi công phối hợp với chính quyền xã Lương Thịnh yêu cầu 2 gia đình khắc phục hiện trạng", ông Tâm nói.

Đơn vị thi công phối hợp cùng chính quyền xã Lương Thịnh tiến hành nạo vét hệ thống cống, rãnh bị hộ dân vùi lấp dẫn tới ngập nước.

Đơn vị thi công phối hợp cùng chính quyền xã Lương Thịnh tiến hành nạo vét hệ thống cống, rãnh bị hộ dân vùi lấp dẫn tới ngập nước.

Trong khi đó, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD CTGT tỉnh Yên Bái khẳng định: “Việc triển khai dự án nâng cấp QL37, đoạn Km 280 - Km 340 đến nay cơ bản hoàn thành nền đường, công trình thoát nước, tuy nhiên tại lý trình Km 299+27,88 một số hộ dân bị ảnh hưởng nước chảy vào sân nhà.

Ban QLDA đã kịp thời kiểm tra và đề nghị các hộ bàn giao mặt bằng đã nhận tiền đền bù để thi công hệ thống rãnh dọc nhằm đảm bảo thoát nước và vệ sinh môi trường, tuy nhiên các hộ không đồng ý.

Đơn vị thi công hoàn toàn theo thiết kế, nếu hạ cốt nền đường xuống nữa thì đường có độ dốc tương đối lớn sẽ không đảm bảo ATGT cho các phương tiện lưu thông".

Đơn vị thi công đã gia cố khắc phục chia dòng chảy để hạn chế lượng nước từ trên dốc cao dồn xuống hạ lưu

Đơn vị thi công đã gia cố khắc phục chia dòng chảy để hạn chế lượng nước từ trên dốc cao dồn xuống hạ lưu

Cụ thể, do đường trước đây có độ trũng, cắt cua nên bắt buộc phải nâng nền đường để đảm bảo có độ dốc tối đa 8%. Nếu khi nâng cấp không nâng mặt đường sau khi cắt cua sẽ có độ dốc trên 10%, chính vì vậy mặt đường sẽ cao hơn nhà dân tại lý trình Km 299+27,88.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành để rà soát lại số hộ bị ảnh hưởng để báo cáo cơ quan có thẩm quyền nhằm giải quyết triệt để tình trạng trên.

Sau khi có thống kê, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dự án thì sẽ có phương án hỗ trợ, cải tạo mặt bằng thích hợp để người dân có cuộc sống ổn định”, ông Cường cho biết thêm.

Hà Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ql-37-qua-yen-bai-vi-sao-duong-cao-hon-nha-dan-sau-nang-cap-d599507.html