Nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

Thuốc lá là nguyên nhân gây ra hàng loạt căn bệnh nguy hại đến sức khỏe, trong đó nhiều bệnh gây tử vong do hút thuốc lá thời gian dài. Khói thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp cho người hút mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ em, phụ nữ mang thai và môi trường xung quanh. Việc nâng cao ý thức của mỗi người trong phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) có vai trò quan trọng để có môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Ra quân tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ra quân tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hiện nay, tại nơi công cộng, mặc dù nhiều nơi vẫn có biển cấm hút thuốc lá nhưng không khó bắt gặp hình ảnh người hút thuốc lá thản nhiên hút thuốc. Phần lớn những người xung quanh cũng coi đó là chuyện bình thường, người nào khó chịu thì tự tránh, nếu có phản ứng thì chỉ nhận được sự thờ ơ, không hài lòng của người hút thuốc. Trong nhiều gia đình, người cao tuổi, trẻ em, thậm chí phụ nữ mang thai cũng thường xuyên hít phải khói thuốc của người thân.

Chị Đinh Thị Mỹ Dung, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Tôi thấy Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa đi vào cuộc sống, cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bằng việc có chế tài xử phạt nghiêm và với mức xử phạt cao như xử phạt nồng độ cồn khi lái xe thì sẽ hạn chế được người hút thuốc lá. Trong gia đình tôi và hàng xóm bên cạnh, vẫn còn nhiều người hút thuốc lá, rất khó chịu và nguy hiểm cho người cao tuổi, trẻ em, về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi người...

Ông Đinh Văn Viễn, xã Sơn Lai (huyện Nho Quan) năm nay hơn 60 tuổi nhưng có gần 40 năm hút thuốc lá. Thời điểm nghiện nặng, mỗi ngày ông hút ít nhất hút 2 bao thuốc lá. Cách đây 5 năm, ông phải nhập viện điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Cuộc sống hiện nay của ông ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, thường xuyên phải thở bằng máy. Mỗi năm ông phải vào Bệnh viện Phổi Ninh Bình điều trị vài đợt, mỗi đợt kéo dài từ 13-15 ngày. Mắc bệnh nặng, việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, ông Viễn thấy ân hận vì mình đã hút thuốc lá quá nhiều và trong thời gian dài.

Ông Phan Khắc Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là cơ quan thường trực và là đầu mối trong công tác PCTHCTL của tỉnh, thời gian qua, Trung tâm đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và không sử dụng thuốc lá. Trong đó, việc nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh là điều ai cũng cần phải làm.

Việc tuyên truyền được triển khai sâu rộng, thông qua hội nghị, hội thảo, bằng các panô, áp phích, tờ rơi, biển báo cấm hút thuốc đặt tại nơi công cộng, các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế... Đồng thời, tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông lưu động... giúp mọi người có nhận thức đúng đắn, đầy đủ và nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá tới người thân, gia đình và cộng đồng.

Tuyên truyền cho người lao động tại doanh nghiệp.

Năm 2020 và 2021, Trung tâm đã tổ chức hàng chục buổi truyền thông trực tiếp thông qua hội thi, trao đổi, thảo luận... cho các đối tượng, trong đó tập trung cho đối tượng hội viên nông dân, người dân tại thôn, xóm, phố, học sinh, sinh viên… Sản xuất hàng trăm panô, hàng nghìn tờ rơi, tài liệu truyền thông, băng đĩa... có nội dung tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá, tài liệu hướng dẫn xây dựng cơ quan, đơn vị, khu dân cư không khói thuốc, cấp phát, chuyển đến các thôn, xóm, phố trên địa bàn tỉnh...

Qua công tác tuyên truyền, vận động, việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại các cơ quan công sở, các khách sạn, nhà hàng và các cơ sở y tế, giáo dục... được thực hiện khá tốt và từng bước đi vào nề nếp. Hiện, 100% các cơ quan, đơn vị có treo biển cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc; 80% cơ quan có quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc trong quy chế nội bộ; không có hiện tượng quảng cáo và bày bán thuốc lá trong phạm vi cơ quan, công sở...

Hiện nay, gần 100% các khách sạn, nhà hàng lớn đều có các quy định cấm hút thuốc lá trong khu vực, có chỗ riêng cho người hút thuốc. Gần 100% cơ quan, đơn vị có biển cấm hút thuốc được treo tại nơi dễ nhớ, dễ nhìn. Tỷ lệ cán bộ, y bác sỹ bỏ thuốc lá chiếm trên 90%; số người bệnh, người nhà bệnh nhân hút thuốc tại khuôn viên các bệnh viện giảm đáng kể. Đặc biệt, tại các khoa khám bệnh, hồi sức, cấp cứu, phòng bệnh nội trú... của các bệnh viện tuyến tỉnh không còn tình trạng người hút thuốc lá. Tại các trường học, hầu như không có học sinh hút thuốc, đội ngũ cán bộ, giáo viên hút thuốc cũng giảm dần...

Tuy nhiên, theo ông Phan Khắc Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bên cạnh những thuận lợi cũng còn những khó khăn nhất định. Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên công tác truyền thông chưa được triển khai thường xuyên. Một bộ phận người dân nhận thức chưa đúng, chưa có những hiểu biết cần thiết về tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật PCTHTL. Công tác tuyên truyền còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, ở số người sử dụng thuốc lá, thuốc lào...

Cũng theo ông Phan Khắc Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời gian tới, để duy trì bền vững những kết quả đã đạt được, Trung tâm tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mở rộng ra nhiều đối tượng trong xã hội, tạo thành ý thức trách nhiệm trong xã hội. Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và cộng đồng trong việc nâng cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nang-cao-y-thuc-cua-nguoi-dan-trong-phong-chong-tac-hai-cua/d20220524113153643.htm