Nâng cao vị thế, tiếng nói của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh

Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh có mục tiêu nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030 với mục tiêu chung của Chương trình nhằm bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia và trên phạm vi quốc tế.

Các nữ quân nhân bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) lên đường đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tăng cường sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của quốc gia, cũng như trong gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế; Phòng ngừa và ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh sự cố, thảm họa và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; Tăng cường lồng ghép giới trong hoạt động cứu trợ và phục hồi, bao gồm khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình, an ninh; trong khắc phục hậu quả chiến tranh và phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống; Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đáp ứng nhu cầu cụ thể và thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong bối cảnh khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống.

Đồng thời, nâng cao năng lực và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế; tích cực thúc đẩy và tham gia các sáng kiến, giải pháp trong khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương về Phụ nữ, hòa bình và an ninh; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình, an ninh.

Hiện nay, với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… Hiện đã có 30,26% đại biểu nữ trong Quốc hội (khóa XV). Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có trên 50% lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã có 29,8% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Những doanh nghiệp này không những góp phần giải quyết việc làm cho người dân, mà còn góp phần khẳng định chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tỷ lệ các nhà khoa học nữ chiếm khoảng 46% trong tổng số các nhà nghiên cứu của cả nước. Phụ nữ cũng là lực lượng quan trọng trong thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Chương trình Quốc gia khởi nghiệp.

Đặc biệt, trong tiến trình hội nhập toàn diện của đất nước, phụ nữ trong lực lượng vũ trang và lĩnh vực đối ngoại cũng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh đất nước, khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nang-cao-vi-the-tieng-noi-cua-phu-nu-trong-tham-gia-cac-linh-vuc-hoa-binh-an-ninh-post282652.html