Nâng cao vị thế của hải quan Việt Nam trong hội nhập quốc tế

Để tiến tới xây dựng hải quan số, hải quan thông minh, Hải quan Việt Nam cần ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông minh của hải quan các nước tiên tiến trên thế giới.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, dẫn đến, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu và là ưu tiên cao trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Bối cảnh trên mở ra những cơ hội phát triển lớn, song cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết về đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, cách thức quản trị trong các ngành nghề, bao gồm cả lĩnh vực hải quan.

Các đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: Hữu Thọ/BNEWS/TTXVN

Giai đoạn hiện nay, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Trong lĩnh vực hải quan, Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 phê duyệt Chiến lược Phát triển hải quan đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ cũng đề ra mục tiêu cơ bản hoàn thành hải quan số đến năm 2025.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan...

Để tiến tới xây dựng hải quan số, hải quan thông minh, Hải quan Việt Nam cần ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thông minh của hải quan các nước tiên tiến trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Hải quan Việt Nam đã được Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) giao đăng cai Hội nghị và Triển lãm Công nghệ của WCO năm 2023.

Đây là một trong những sự kiện thường niên quan trọng nhất của WCO và cũng là hội nghị mang tính chất toàn cầu về ứng dụng công nghệ mới nổi, mà trọng tâm là chuyển đổi số, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, máy học, internet vạn vật… mang tính thời sự và phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam nói chung và Hải quan Việt Nam nói riêng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, thông qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, vị thế của Hải quan Việt Nam và tạo được niềm tin để WCO tin tưởng để giao nhiệm vụ quan trọng này cho chúng ta.

Việc Hải quan Việt Nam chủ trì tổ chức sự kiện trên sẽ giúp khẳng định sự đóng góp của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ WCO. Đây cũng là lần đầu tiên Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức một sự kiện toàn cầu của WCO có quy mô lớn tới 1.000 - 1.500 đại biểu, với sự tham dự của lãnh đạo WCO, lãnh đạo Tổng cục Hải quan các nước, cũng như các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tham dự triển lãm.

Ở góc độ quảng bá hình ảnh quốc gia, với số lượng lớn đại biểu dự kiến sẽ tham dự, hội nghị cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế trên toàn thế giới về các danh lam thắng cảnh, các địa điểm tham quan du lịch của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), hội nghị là cơ hội để Hải quan Việt Nam giới thiệu về các nỗ lực hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ của Hải quan Việt Nam trong việc triển khai các nội dung chuyển đổi số, xây dựng hải quan thông minh, góp phần nâng cao hình ảnh của Hải quan Việt Nam. Việc đăng cai hội nghị cũng sẽ mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước khi hải quan các nước chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc áp dụng các công nghệ về quản lý hải quan hiện đại.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tham gia phiên toàn thể 1 "Chiến lược đằng sau công nghệ: Ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu". Ảnh: Q Hùng/BNEWS/TTXVN

Với vai trò diễn giả tại Hội nghị, tại phiên toàn thể 1 với chủ đề “Chiến lược phía sau công nghệ: Ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức toàn cầu”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cùng Tổng Thư ký WCO, Chủ tịch Hội đồng WCO, Chuyên gia cấp cao về Tạo thuận lợi thương mại của Ngân hàng Thế giới đã trao đổi về các nội dung như: Khai thác sức mạnh của công nghệ để ứng phó với các thách thức mới nổi của thương mại toàn cầu; yếu tố con người trong tiến trình chuyển đổi số; quản trị ứng dụng công nghệ; thu thập, khai thác, quản trị dữ liệu từ hệ sinh thái thương mại với sự trợ giúp của công nghệ; vai trò của công nghệ trong chia sẻ kiến thức và làm cho nghề hải quan trở nên thu hút đối với thế hệ trẻ.

Tại phiên toàn thể 6 với chủ đề “Công nghệ hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại trong kỷ nguyên số: Các bài học thành công”, đại diện lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan đã trình bày về “Cơ chế một cửa ASEAN” với các nội dung như: Giới thiệu về quá trình phát triển, lợi ích của Cơ chế một cửa khu vực so với Cơ chế một cửa quốc gia; các lợi ích chính của các chức năng hiện tại của Cơ chế một cửa ASEAN; cách thức Cơ chế một cửa ASEAN giải quyết các vấn đề liên quan đến hài hòa hóa và tiêu chuẩn hóa dữ liệu và đảm bảo tuân thủ với các yêu cầu quốc gia khác nhau và các kế hoạch triển khai trong tương lai của Cơ chế một cửa ASEAN.

Vai trò điều phối tại phiên chuyên đề B1 về “Hải quan Xanh vì tương lai bền vững: Các giải pháp đổi mới dành cho quản lý thương mại và quản lý biên giới”, đại diện Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan đã điều phối các diễn giả trao đổi về các nội dung về kinh tế xanh, chuỗi cung ứng tuần hoàn; các giải pháp để tăng cường hiệu quả kiểm soát về tuân thủ môi trường, ngăn chặn các lô hàng phế liệu; và các giải pháp giảm lượng khí thải carbon trong hoạt động Hải quan.

Ngoài ra, tham gia Triển lãm, Hải quan Việt Nam đã bố trí không gian Triển lãm giới thiệu về lịch sử phát triển, tiến trình hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ của Hải quan Việt Nam, các thành tựu đạt được trong công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan.

Theo ông Ludovic Thanay - Chuyên gia cao cấp phụ trách Truyền thông và sự kiện của WCO, sự kiện lần này được tổ chức rất thành công thông qua các kết quả tích cực với sự tham dự của 1.200 đại biểu đến từ 95 cơ quan Hải quan, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và 48 gian hàng triển lãm về các giải pháp công nghệ mới nhất.

Ông Ludovic Thanay cho biết, Hải quan Việt Nam đã tích cực phối hợp và hỗ trợ WCO trong tổ chức sự kiện này trên nhiều phương diện như: tham gia các cuộc họp bàn với WCO, hỗ trợ công nghệ, địa điểm tổ chức... Chuyên gia cao cấp phụ trách Truyền thông và sự kiện của WCO cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Hải quan Việt Nam trong việc phấn đấu trở thành cơ quan hàng đầu trong khu vực về ứng dụng công nghệ, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số của Hải quan thế giới.

Bà G. Visser LLM - Tham tán Hải quan Hà Lan tại Việt Nam có trụ sở tại Singapore phụ trách khu vực gồm Hải quan Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam cho rằng, sự kiện lần này là diễn đàn tốt để hải quan các nước học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, không chỉ từ các cơ quan hải quan mà còn từ các doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ.

"Với nhiệm vụ của hải quan hiện nay thì không thể thiếu đi các thiết bị công nghệ để phục vụ cho hoạt động của mình." - bà G. Visser LLM nhấn mạnh.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nang-cao-vi-the-cua-hai-quan-viet-nam-trong-hoi-nhap-quoc-te/318392.html