NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH TRƯỚC QUỐC HỘI

Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Do đó, trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội cũng như việc Quốc hội giám sát tối cao hoạt động này nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật được thực hiện nghiêm minh, đầy đủ.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội

Tại Điều 69 Hiến pháp 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Tiếp đó, Điều 94 Hiến pháp năm 2013: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”.

Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật của Chính phủ là sự kiểm soát của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân đối với Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Theo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ thông qua các hoạt động sau đây: Xem xét báo cáo công tác của Chính phủ; Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Xem xét việc trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ; Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; Xem xét báo cáo của Ủy ban lâm thời do Quốc hội thành lập để điều tra một vấn đề nhất định; Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với thành viên Chính phủ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;…

TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật là hoạt động cơ bản nhất của Chính phủ, các cơ quan của chính phủ, hoạt động này có phạm vi vô cùng rộng lớn bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động của nhà nước, xã hội và công dân… Do đó, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH đều tham gia giám sát việc thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ. Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là thẩm quyền giám sát mà từng chủ thể có thể tiến hành các phương thức giám sát phù hợp.

Cùng quan điểm, TS. Mai Thị Thanh Tâm, Viện Nhà nước và Pháp luật – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội là việc Chính phủ giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của Quốc hội. Trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội xuất phát từ chính vị trí, vai trò của Quốc hội; vị trí, vai trò của Chính phủ và mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Cũng theo TS. Mai Thị Thanh Tâm, thời gian qua, dù với tư cách là tập thể Chính phủ hay tư cách cá nhân các thành viên Chính phủ thì Chính phủ cũng ngày càng có trách nhiệm giải trình tốt hơn trước Quốc hội. Trách nhiệm giải trình của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ được xác lập và ngày càng được đề cao. Trách nhiệm giải trình của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm chính về hiệu quả thực hiện hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính đã được thể hiện rõ qua các báo cáo công tác, các phiên trả lời chất vấn trực tiếp của Thủ tướng trước Quốc hội. Đồng thời, trách nhiệm giải trình của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cũng được thể hiện rõ nét hơn trong việc gánh chịu các hệ quả bất lợi nếu những chính sách phát triển ngành, lĩnh vực không mang đến hiệu quả.

Đánh giá hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội có nhiều đổi mới, đạt được kết quả tích cực, PGS. TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật nhấn mạnh, kiểm soát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu của Nhân dân đối với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước (trong đó có Chính phủ) là nội dung quan trọng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước, ngăn chặn sự lạm quyền của cơ quan nhà nước, bảo đảm, bảo vệ chủ quyền của Nhân dân. Quốc hội kiểm soát quyền lực nhà nước của Chính phủ thông qua việc thực hiện các chức năng giám sát tối cao của mình.

PGS.TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS.TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Giải trình trong cơ chế kiểm soát quyền hành pháp được áp dụng không chỉ với mục đích đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp của hoạt động hành pháp mà còn có thể bao hàm cả tính hiệu quả của việc thi hành pháp luật. Vì vậy, về nội dung này, TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ cho rằng, trách nhiệm giải trình của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và người có thẩm quyền có thể mang tính đạo đức, chính trị hoặc pháp lý. Sự kỳ vọng từ bên ngoài đối với người giải trình là sự tự giác khi giải thích, làm rõ các thông tin liên quan đến quá trình giải quyết nhiệm vụ được giao; ý thức về bổn phận trên cương vị của người được trao quyền; trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội; tôn trọng các yêu cầu đặt ra trong cơ chế giải trình.

Trên thực tế, trách nhiệm về công tác thi hành pháp luật của Chính phủ đã được quy định tại các văn bản khác nhau. Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lênh, quyết định của Chủ tịch nước hay cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tết (các khoản 6, 7 Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Nếu được hệ thống hóa thành chế định riêng về trách nhiệm giải trình và quan trọng hơn là được áp dụng chính xác, kịp thời, triệt để, nghiêm minh thì các quy định sẵn có này sẽ phát huy tác dụng một cách hiệu quả.

Ngoài ra, các ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, công khai, minh bạch, trách nhiệm báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội luôn luôn gắn liền với giải trình và trách nhiệm giải trình của Chính phủ, thành viên của Chính phủ trong thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật. Do đó, việc lựa chọn chủ đề, vấn đề giải trình cần phải được chuẩn bị kỹ, sát với mục đích, yêu cầu đặt ra cho hoạt động giải trình. Thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ có phạm vi rất rộng lớn, trong khi thời gian dành cho hoạt động giải trình là không nhiều nên hoạt động giải trình cần xác định trọng tâm, trọng điểm những mặt công tác, những lĩnh vực thật sự bức xúc, cấp thiết phải giải quyết, đang đặt ra, tránh dàn trải và hình thức./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83053