Nâng cao năng lực cán bộ tham gia giải quyết vụ việc môi trường

Sở Tư pháp vừa phối hợp với Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo Thực trạng năng lực và nhu cầu nâng cao năng lực của các cơ quan tư pháp, đội ngũ cán bộ của các cơ quan tư pháp, các chức danh bổ trợ tư pháp tham gia giải quyết vụ việc về môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Lực lượng công an bắt ghe khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. Ảnh: Công an cung cấp

TS Nguyễn Minh Khuê, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp và Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương đồng chủ trì hội thảo.

* Quan tâm giải quyết vụ việc môi trường

Hội thảo được tổ chức để nghe đại diện các cơ quan tư pháp, các cán bộ có chức danh bổ trợ tư pháp có ý kiến, trao đổi, đánh giá thực trạng về môi trường trên địa bàn tỉnh; tổ chức và hoạt động tham gia giải quyết vụ việc môi trường; những khó khăn, vướng mắc khi thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và các chức danh bổ trợ tư pháp.

Ông Trình Trọng Trung (đại diện Sở TN-MT) cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường nhằm cân bằng các yếu tố phát triển bền vững giữa phát triển kinh tế - môi trường và con người. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TN-MT.

Hằng năm, Sở TN-MT đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; phối hợp với đơn vị liên quan đi kiểm tra đột xuất khi có phản ảnh của người dân. “Công tác bảo vệ môi trường luôn được quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ và dần đi vào nề nếp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thi hành luật” - ông Trung cho hay.

Theo thượng tá Lương Đại Thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CSMT) Công an tỉnh, thời gian qua, lực lượng CSMT đã triển khai thực hiện tương đối đầy đủ các nội dung của công tác phòng chống tội phạm, các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. CSMT chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra, xác minh, xử lý những vi phạm pháp luật về môi trường. Trong đó, một số công tác phối hợp quan trọng như: tuần tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh xử lý với các đối tượng khai thác cát trái phép; vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm bẩn, heo bệnh, heo chết; vận chuyển chất thải vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, CSMT còn phối hợp kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng gian, hàng giả trong các dịp lễ, Tết; khảo sát tình hình phát sinh, xử lý xả thải ra môi trường đối với các doanh nghiệp... “Đến nay, công tác kiểm tra, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Nhiều vụ việc nghiêm trọng đã được phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong bảo vệ môi trường” - thượng tá Lương Đại Thủy chia sẻ.

Thông qua xét xử các vụ án, những năm qua, TAND tỉnh cũng đã tích cực đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường, xét xử nghiêm các loại tội phạm liên quan, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa các hành vi gây ô nhiễm môi trường. “Hiện nay, dù không có tòa chuyên trách hoặc thẩm phán chuyên trách giải quyết các vụ án đặc thù về môi trường, nhưng với năng lực của đội ngũ thẩm phán đang có thì TAND tỉnh vẫn đảm bảo được chất lượng giải quyết các vụ án có liên quan” - ông Phạm Thành Dương, Phó chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh cho hay.

* Bàn giải pháp khắc phục những tồn tại, khó khăn

Ngoài những mặt tích cực, vấn đề giải quyết vụ việc môi trường vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Theo các cơ quan tư pháp của tỉnh, tội phạm trong lĩnh vực môi trường ngày càng phức tạp, một số doanh nghiệp vì lợi nhuận mà sẵn sàng vi phạm pháp luật. Hiện tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn vệ sinh thực phẩm có xu hướng ngày càng gia tăng, đối tượng phạm tội có trình độ học vấn, kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên môn về quản lý môi trường, kỹ thuật môi trường ngày càng cao và cố tình tìm cách đối phó. Điều đó đã gây nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý của các cơ quan chức năng.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu tổ chức và năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia giải quyết vụ việc môi trường vẫn còn những hạn chế nhất định; trong khi vụ việc giải quyết vấn đề môi trường rất khó khăn như: thu thập chứng cứ, xác định và đánh giá lượng chất thải để làm căn cứ xử lý. Lực lượng tham gia xử lý môi trường còn thiếu nhiều, một số cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ trong giải quyết vụ việc môi trường vẫn còn thiếu; quy định pháp luật còn bất cập, chưa đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về xác định vi phạm, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường; một số vấn đề mới phát sinh về bảo vệ môi trường chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh…

Qua đó, đại diện các cơ quan tư pháp đã nêu ra những đề xuất, kiến nghị trong giải quyết vụ việc về môi trường. Trong đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong việc quản lý nhà nước về môi trường và thực hiện thẩm quyền của mình trong xử lý các vi phạm về môi trường; tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về môi trường theo hướng sát với thực tế của yêu cầu đấu tranh chống loại tội phạm này. Thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật; đầu tư mua sắm trang thiết bị để giúp công tác giải quyết vụ việc môi trường được nhanh, hiệu quả.

TS Nguyễn Minh Khuê, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp cho rằng, những chia sẻ, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị rất thiết thực, chính đáng. Đoàn công tác đã ghi chép đầy đủ và tiếp tục nghiên cứu để có những đề xuất với cơ quan có thẩm quyền cấp Trung ương. Viện Khoa học pháp lý sẽ sớm phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của các cơ quan tư pháp, các chức danh bổ trợ tư pháp nhằm giúp cho công tác giải quyết vụ việc về môi trường ngày càng tốt hơn trong thời gian tới.

Từ năm 2016 đến nay, Sở TN-MT đã trực tiếp ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hơn 1 ngàn quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN-MT, với tổng số tiền phạt gần 71 tỷ đồng.

Thành Nhân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202206/nang-cao-nang-luc-can-bo-tham-gia-giai-quyet-vu-viec-moi-truong-3121268/