Nâng cao kỹ năng phân tích chính sách về đất đai cho đại biểu dân cử

Với các chuyên đề được thiết kế khoa học, thực tiễn cùng sự chia sẻ của những báo cáo viên có bề dày kinh nghiệm, Hội nghị bồi dưỡng 'Kỹ năng phân tích chính sách đối với các quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư' (khai mạc sáng 25.4, tại Tuyên Quang) đã thu hút sự tham gia của hơn 110 đại biểu là các ĐBQH, đại diện Thường trực HĐND và cán bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND đến từ 24 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Vấn đề mang tính thời sự

Theo đánh giá của Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, các chuyên đề được trình bày tại hội nghị đều là những vấn đề “thời sự” đang thu hút sự quan tâm rất lớn của đông đảo đại biểu dân cử, cử tri và Nhân dân cả nước. Nhất là trong bối cảnh, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước đang tập trung trí tuệ để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị vào sửa đổi Luật Đất đai 2013. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của dự án Luật quan trọng này trong hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hường xã hội chủ nghĩa và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn mới.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên và Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Kim Dung đồng chủ trì hội nghị

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên và Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Kim Dung đồng chủ trì hội nghị

Trước đó, trong đề dẫn hội nghị, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cũng đã nhắc đến nội dung được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan; đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu khai mạc hội nghị

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu khai mạc hội nghị

Sau khi được xem xét, cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV (diễn ra vào tháng 11.2022), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 3.1 đến ngày 15.3 theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chỉ trong hơn 2 tháng, dự án Luật này đã thu hút hơn 12 triệu lượt ý kiến Nhân dân tham gia hoàn thiện. Dự kiến, sẽ tiếp tục được thảo luận tại Kỳ họp thứ Năm, trước khi dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV.

"Có thể khẳng định, việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đã phát huy quyền làm chủ, huy động tối đa trí tuệ, tâm huyết, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện Dự thảo Luật. Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai", Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Hành trang quý cho đại biểu dân cử

Tại hội nghị, từ góc độ cơ quan dân cử địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Kim Dung cho biết: những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai nói chung và chính sách đối với các quy định liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất nói riêng.

Công tác này luôn được thực hiện công khai, dân chủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Những người bị thu hồi đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bố trí việc làm. Đối với các hộ được bố trí tái định cư bảo đảm đúng phương châm, nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Kim Dung phát biểu tại hội nghị

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Kim Dung phát biểu tại hội nghị

Cùng với hệ thống chính trị toàn tỉnh, với vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, thời gian qua, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành 15 nghị quyết về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng để thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. "Được đánh giá là “đúng, trúng”, những quyết sách của cơ quan dân cử địa phương từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã đóng góp hết sức tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh", bà Dung nhấn mạnh.

Dù vậy, nhìn từ thực tế địa phương, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang cũng thẳng thắn chia sẻ, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất cũng còn không ít vướng mắc, khó khăn. Đơn cử, như: việc bố trí đất sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống lâu dài cho các hộ tại nơi ở mới. Một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp thực hiện đạt thấp so với chủ tiêu được phân bổ do quy trình thực hiện thu hồi đất theo Điều 69 của Luật Đất đai còn tốn khá nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, còn không ít nội dung liên quan đến quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được hướng dẫn cụ thể; việc phân cấp phân quyền thực hiện các thủ tục thu hồi đất chưa kịp thời; việc xác định giá bồi thường khi thu hồi đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc (tư vấn giá, giá thực tế cao hơn giá bồi thường)…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Ban tổ chức và các Báo cáo viên

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Ban tổ chức và các Báo cáo viên

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, một trong những vấn đề lớn hiện nay tỉnh Tuyên Quang luôn trăn trở đó là làm sao để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Hội nghị bồi dưỡng "kỹ năng phân tích chính sách đối với các quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" có ý nghĩa hết sức thiết thực. "Đây cũng là “diễn đàn” trao đổi những kinh nghiệm quý báu để mỗi đại biểu đều có thể vận dụng vào hoạt động thực tiễn của bản thân mình, địa phương mình”, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh.

Báo cáo viên trình bày chuyên đề tại hội nghị

Báo cáo viên trình bày chuyên đề tại hội nghị

Các đại biểu thảo luận tổ ở từng chuyên đề cụ thể

Các đại biểu thảo luận tổ ở từng chuyên đề cụ thể

Trong 2 ngày diễn ra (25 - 27.4), các đại biểu dân cử tham gia sẽ được nghe các báo cáo viên là những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trao đổi, phân tích và thảo luận theo nhóm về nhiều hàng loạt nội dung thiết thực, ý nghĩa. Nhất là, các kỹ năng: phân tích chính sách đối với các quy định liên quan đến giá đất; tham mưu về phân tích chính sách đối với một số vấn đề trong xây dựng Luật Đất đai; phân tích chính sách đối với các quy định liên quan đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phân tích chính sách đối với các quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật, chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định pháp luật, tự nguyện trả lại đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; tham mưu về phân tích chính sách đối với một số vấn đề trong xây dựng Luật Đất đai (dành cho đội ngũ tham mưu, giúp việc cơ quan dân cử)…

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 110 đại biểu đến từ 24 tỉnh, thành phố trong cả nước

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 110 đại biểu đến từ 24 tỉnh, thành phố trong cả nước

Ở từng chuyên đề, Ban tổ chức đều dành thời gian thích hợp để các báo cáo viên và đại biểu tham dự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng và thực hiện bài tập thực hành liên quan đến nội dung bồi dồi dưỡng. Từ đó, góp phần tạo nền tảng, giúp các đại biểu dân cử có thể chủ động và tích cực tham gia ý kiến, thảo luận, phân tích chính sách… liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại các kỳ họp sắp tới.

Bách Hợp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/nang-cao-ky-nang-phan-tich-chinh-sach-ve-dat-dai-cho-dai-bieu-dan-cu-i325675/