Nâng cao khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp

Các ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV Phú Yên. Ảnh: LÊ HẢO

Những tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng Phú Yên chưa được như mong đợi. Tính đến ngày 31/8/2023, dư nợ cho vay toàn địa bàn chỉ tăng 1,77% so với cuối năm 2022; trong khi đó, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 15%. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn, tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn.

Tăng trưởng tín dụng thấp

Theo đại diện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, sau một thời gian dài nền kinh tế ảm đạm, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, một số khách hàng chưa kịp thời hồi phục sau giai đoạn dịch COVID-19 đã phát sinh nợ xấu/nợ quá hạn nên các tổ chức tín dụng phải thận trọng trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển nền kinh tế, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Về phần mình, các ngân hàng thương mại đã tiết giảm tối đa chi phí, hạ lãi suất huy động đầu vào để giảm lãi suất đầu ra đến 3-4%/năm so với đầu năm. Các ngân hàng cũng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, chương trình hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; đồng thời tích cực tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, lắng nghe vướng mắc của khách hàng để cùng ngồi lại tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Ký, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TX Sông Cầu cho biết: Sức khỏe của nhiều doanh nghiệp hiện nay rất èo uột. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố; trong đó có việc doanh nghiệp non trẻ, chưa có kinh nghiệm, tích lũy vốn chưa nhiều, thị trường biến động thất thường, khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế… Đặc biệt, sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có khả năng phục hồi.

Theo ông Dương Xuân Phương, Giám đốc BIDV Phú Yên, những tháng đầu năm nay, mặc dù BIDV Phú Yên có điều kiện để tăng trưởng tín dụng và chưa bị giới hạn chỉ tiêu nhưng mức tăng trưởng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý nên cũng chưa thể tiếp cận vốn tín dụng.

Không riêng BIDV Phú Yên, một số chi nhánh ngân hàng thương mại khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Tính đến hết tháng 8/2023, dư nợ cho vay toàn địa bàn chỉ đạt 46.256 tỉ đồng, tăng 1,77% so với cuối năm 2022; trong khi mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 15%.

Đẩy mạnh tuyên truyền về sản phẩm, dịch vụ

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ông Dương Xuân Phương cho biết: BIDV Phú Yên sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của doanh nghiệp và người dân. Trong đó đặc biệt tập trung vào việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp và cá nhân; tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến. Đơn vị cũng sẽ rà soát, kiến nghị với Hội sở chính hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng đến mọi tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp…

Tại Agribank Phú Yên, để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn, ngân hàng này chú trọng tuyên truyền, phổ biến các sản phẩm, dịch vụ, chương trình cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất… đến khách hàng thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, fanpage “Agribank chi nhánh tỉnh Phú Yên”, treo băng rôn quảng bá trước trụ sở và thông tin trên màn hình trình chiếu tại quầy giao dịch ở tất cả các điểm giao dịch trực thuộc. Ngoài ra, để đưa thông tin đến các địa bàn vùng sâu vùng xa, ngân hàng này còn tổ chức các điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng (địa bàn hai huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân) và thông qua tổ vay vốn liên kết với các tổ chức đoàn thể ở địa phương.

Theo ông Hoàng Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Đặng Gia (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh), doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng biết được một số chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng nhưng chưa thể tiếp cận. “Chúng tôi mong muốn ngân hàng công bố thủ tục rõ ràng, có thể có thông báo đến tận công ty thông tin về các chính sách hỗ trợ đang được triển khai, doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện gì, liên hệ với đơn vị nào để được hướng dẫn thủ tục vay vốn khi có nhu cầu”, ông Quỳnh nói.

Chúng tôi mong muốn ngân hàng công bố thủ tục rõ ràng, có thể có thông báo đến tận công ty thông tin về các chính sách hỗ trợ đang được triển khai, doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện gì, liên hệ với đơn vị nào để được hướng dẫn thủ tục vay vốn khi có nhu cầu.

Ông Hoàng Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Đặng Gia

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/307823/nang-cao-kha-nang-tiep-can-von-cua-nguoi-dan-doanh-nghiep.html