Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất

Với mục tiêu đảm bảo nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả, ngày 3/10/2022, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình 29 thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Cụ thể hóa chương trình này, các địa phương đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở.

Đoạn đường thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) đi xã Thanh Vân đang được thi công.

Thực hiện phát triển hệ thống đường giao thông liên xã, Huyện ủy Quản Bạ đã ban hành chỉ thị về Cuộc vận động “toàn dân tham gia hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi công cộng, giai đoạn 2021- 2025”. Căn cứ theo Luật Đất đai 2013 và chủ trương của Huyện ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực vào cuộc, xuống từng thôn, bản tổ chức họp bàn, tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích khi những con đường mới được mở ra. Chủ tịch UBND thị trấn Tam Sơn, Nhữ Thị Nga, cho biết: “Thực hiện chỉ thị của Huyện ủy, để đẩy mạnh vận động nhân dân tham gia hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi, UBND thị trấn đã chỉ đạo triển khai tới các thôn, tổ dân phố, thành lập tổ tuyên truyền, vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, được bà con nhất trí ủng hộ cao. Đặc biệt với tuyến đường Bảo An toàn bộ nhân dân sinh sống hai bên đường đã hiến đất làm đường. Bên cạnh đó, hàng năm UBND thị trấn có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất công bố cho nhân dân biết, để đảm bảo người dân sử dụng đất hiệu quả và đúng mục đích”.

Nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể trong quá trình tuyên truyền, vận động là yếu tố quan trọng để làm thay đổi nhận thức của nhân dân. Vì thế, nhiều gia đình sinh sống gần nơi có công trình dân sinh đều tự nguyện góp công sức, hiến một phần đất vào việc làm đường. Từ sự đồng thuận, chung sức của người dân, mạng lưới hạ tầng giao thông và các thiết chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Đến nay, huyện Quản Bạ đã có 1.136 hộ hiến 72.701 m2 đất để thực hiện 19 công trình, gồm 2 công trình xây dựng cơ bản, 17 công trình thuộc Chương trình xây dựng Nông thôn mới, trị giá khoảng trên 11,2 tỷ đồng.

Ông Chu Đình Xôi, thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn, chia sẻ: “Được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động hiến đất làm đoạn đường từ thị trấn đi xã Thanh Vân, gia đình tôi đã nhất trí với chủ trương của huyện. Do đoạn đường này đã xuống cấp nhiều năm nay, đường nhiều ổ gà, đi lại khó khăn khi trời mưa, trời nắng thì bụi mù. Chính vì vậy, khi có chủ trương làm đường các hộ dân sống gần đoạn đường này rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ với mong muốn có con đường mới thoáng rộng, sạch sẽ để đi lại thuận tiện hơn”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha, cho biết: Sau 2 năm thực hiện cuộc vận động, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiến đất làm các công trình phúc lợi đã được nâng lên. Đã có nhiều hộ tham gia hiến đất làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi. Trong tình hình nguồn ngân sách của địa phương còn hạn hẹp, chính quyền địa phương đã huy động được các nguồn lực trong nhân dân để triển khai xây dựng hạ tầng nông thôn. Kinh nghiệm rút ra là việc tuyên truyền phải đi trước một bước, từ tuyên truyền, vận động tốt làm người dân hiểu được tính chất, ý nghĩa của việc hiến đất tham gia cùng với nhà nước làm các công trình do chính mình quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả.

Toàn tỉnh hiện có trên 792.948 ha đất tự nhiên; trong đó, đất phi nông nghiệp chiếm 4,1%, đất chưa sử dụng chiếm 13,2%, đất nông nghiệp chiếm 82,7%. Tại các địa phương, có từ 68 - 94% diện tích đất tự nhiên được sử dụng cho nông nghiệp. Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý và sử dụng đất trên địa bàn tỉnh được các cấp coi trọng và chỉ đạo sát sao, phát huy tiềm năng, giá trị tài nguyên đất, phục vụ cho các mục tiêu phát triển KT – XH của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có quy hoạch chung đô thị cho 11 huyện, thành phố và được điều chỉnh phù hợp với định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2030. Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện cơ bản đồng bộ với quy hoạch phát triển KT – XH, quy hoạch đô thị, quy hoạch Nông thôn mới... làm cơ sở quan trọng trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các huyện, thành phố đã tích cực xây dựng phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; ban hành bảng giá đất hàng năm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai. Quá trình tổ chức thực hiện các kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất luôn có sự thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cấp chính quyền.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, tin rằng công tác quản lý, sử dụng đất đai ngày càng có hiệu quả, cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai, từng bước đi vào nền nếp; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai được tăng cường. Góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202306/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-su-dung-dat-a902329/