Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng

Để người dân có thể từng bước làm giàu từ nghề rừng, các cấp, ngành đang hướng tới nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế rừng theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh.

Nhiều người dân đang có thu nhập ổn định từ phát triển kinh tế rừng.

Gia đình anh Lương Văn Mì ở thôn Nậm Lúc Hạ, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà đã có nhiều năm phát triển kinh tế rừng, hiện có hơn 7 ha cây mỡ và quế. Anh Lương Văn Mì chia sẻ, từ năm 2020, gia đình thực hiện mô hình sản xuất cây quế hữu cơ. Cây trồng này đem lại thu nhập ổn định, giá bán luôn nhỉnh hơn so với thị trường, đặc biệt là sản phẩm quế đã có doanh nghiệp ký hợp đồng đến tận nơi thu mua. Gia đình có 5 ha cây quế 12 năm tuổi đang cho thu hoạch theo hình thức tỉa thưa dần và trồng dặm ngay, mỗi năm cũng đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Anh Lương Văn Lợi, Tổ trưởng Tổ sản xuất quế hữu cơ thôn Nậm Lúc Hạ cho biết, hiện thôn có 66 hộ tham gia mô hình sản xuất quế hữu cơ, trong đó có 30 hộ nghèo. Năm 2022 - 2023, nhờ thu hoạch quế hữu cơ đã có 22 hộ thoát nghèo.

Người dân xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà phát triển rừng quế hữu cơ cho thu nhập cao.

Theo thống kê của địa phương, trên địa bàn huyện Bắc Hà hiện có hơn 16.000 ha rừng trồng, trong đó 10.471 ha rừng quế, đặc biệt có 3 vùng sản xuất quế hữu cơ đã có chứng nhận quốc tế gồm vùng quế hữu cơ Nậm Đét với 1.324 ha; 340 ha tại xã Bản Cái và 584 ha tại xã Nậm Lúc. Ông Trần Văn Chuyên, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà cho biết, tại huyện vùng cao Bắc Hà, người dân phần lớn đang hướng tới phát triển kinh tế rừng, với hơn 16.000 ha rừng trồng đang mang lại thu nhập, trong đó nhiều nhất là cây quế. Để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, huyện Bắc Hà đang hướng tới phát triển rừng quế hữu cơ và định hướng nhân rộng mô hình trong tương lai.

Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp tỉnh Lào Cai có bước phát triển rõ nét. Tư duy lâm nghiệp đã chuyển sang "phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học", hay "phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững". Hằng năm, các chỉ tiêu về trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; cơ bản những diện tích rừng trồng mới được áp dụng các biện pháp thâm canh; năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng ngày càng tăng; các nhà máy chế biến lâm sản được đầu tư xây dựng gắn với việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung, người dân có thu nhập cao từ rừng.

Năm 2021, giá trị sản xuất lâm nghiệp toàn tỉnh đạt 2.655 tỷ đồng (tăng 1.255 tỷ đồng so với năm 2015), tăng bình quân trên 12%/năm, chiếm hơn 15% tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp; giá trị rừng trồng trung bình đạt 35 triệu đồng/ha; tạo việc làm ổn định cho hơn 25.000 lao động của tỉnh, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó có đóng góp không nhỏ của dịch vụ môi trường rừng với kinh phí thu từ các nhà máy thủy điện trung bình 190 tỷ đồng/năm; du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, du lịch sinh thái vườn rừng, phát triển kinh tế trang trại, nông - lâm kết hợp...

Người dân thu hoạch quế hữu cơ tại huyện Bắc Hà.

Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh cho rằng, phát triển kinh tế đồi rừng tại tỉnh Lào Cai thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, khẳng định bước đi đúng đắn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh. Bước đầu đã tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân sống bằng nghề rừng ngày càng được nâng cao, giảm số hộ nghèo. Hiện tại, Lào Cai đang có hơn 100.000 ha rừng sản xuất, chủ lực là cây quế với hơn 61.000. Đến nay, hơn 4.000 ha cây quế đang cho thu hoạch. Bên cạnh đó là các loại cây rừng khác như cây trẩu và cây thông...

Lào Cai hiện đã có hơn 4.000 ha cây quế được cấp chứng nhận quế hữu cơ. Sắp tới cần nhân rộng lên trên 10.000 ha quế hữu cơ được chứng nhận để nâng giá trị sản phẩm. Do đó, việc phát triển vùng nguyên liệu phải gắn với doanh nghiệp, doanh nghiệp là đầu tầu thúc đẩy ngành hàng quế phát triển.

Sản phẩm phụ từ quế hữu cơ cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững, Lào Cai cần tiếp tục tập trung thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển kinh tế đồi rừng cũng như tăng cường sự lãnh đạo, vào cuộc, gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương; triển khai hiệu quả Dự án trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cao-hieu-qua-kinh-te-rung-post381969.html