Nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Ngày 6/7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Tuấn Khanh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Tuấn Khanh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.

Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố ban hành nhiều hướng dẫn thực hiện quy trình giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam gắn với công tác mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và công tác dân chủ, pháp luật, trong đó có hướng dẫn cụ thể các hình thức, nội dung giám sát, phản biện xã hội của mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội theo quy định của Nghị quyết liên tịch 403, Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT.

Xây dựng và ban hành sổ tay hướng dẫn công tác giám sát của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư công cộng đồng, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, đưa tin về hoạt động giám sát, phản biện xã hội trên các kênh tuyên truyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các chuyên trang, chuyên mục ở Đài PT-TH địa phương...

Nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị và phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có giá trị cả về lý luận và thực tiễn được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao; là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, bảo đảm các luật, pháp lệnh, nghị quyết được thông qua phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao; các bộ, ban, ngành thực hiện các quy định trên thực tế bảo đảm hiệu quả; góp phần nâng cao hiệu quả công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc, trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát 2.689 cuộc; MTTQ cấp huyện giám sát 11.638 cuộc và mặt trận cấp xã giám sát 46.136 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trên nhiều lĩnh vực.

Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát, trong đó, MTTQ cấp tỉnh giám sát được 1.981 cuộc, MTTQ cấp huyện giám sát 13.213 cuộc và MTTQ cấp xã giám sát 72.162 cuộc.

Nội dung giám sát gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của từng địa phương, được nhân dân quan tâm với nhiều lĩnh vực, trọng tâm công tác xây dựng Đảng, chính quyền; quản lý tài nguyên đất đai; quản lý hành chính; thực hiện trách nhiệm công vụ; lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng; công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội; công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp...

Ủy ban MTTQ các cấp đã tham gia giám sát với các cơ quan có thẩm quyền được 159.492 cuộc. Trong đó, cấp tỉnh tham gia giám sát 5.521 cuộc; cấp huyện tham gia giám sát 29.428 cuộc; cấp xã tham gia giám sát 124.543 cuộc.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức được 14 hội nghị phản biện xã hội. Các tổ chức chính trị-xã hội cũng tổ chức phản biện xã hội nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì, tổ chức 23.869 hội nghị phản biện, trong đó cấp tỉnh tổ chức được 827 hội nghị, cấp huyện tổ chức được 3.488 hội nghị, cấp xã tổ chức được 19.554 hội nghị.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở...

Từ năm 2017 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức 16 cuộc giám sát, phối hợp tham gia 164 cuộc giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các đoàn thể chính trị-xã hội đã chủ trì tổ chức giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực liên quan đến đời sống đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tỉnh.

Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố đã thành lập, chủ trì 122 cuộc giám sát, phối hợp tham gia giám sát 205 cuộc; mặt trận cấp xã chủ trì giám sát 1.217 cuộc. Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ, chức 17 hội nghị phản biện xã hội, phản biện hình thức gửi dự thảo văn bản 85; Ủy ban MTTQ cấp huyện tổ chức 79 hội nghị, phản biện hình thức gửi dự thảo văn bản 110; cấp xã tổ chức 510 hội nghị, phản biện hình thức gửi dự thảo văn bản 296.

Các nội dung phản biện xã hội của MTTQ đã thu hút sự quan tâm và phối hợp tham gia của các tổ chức, cơ quan liên quan; tổng hợp được nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý trên nhiều lĩnh vực, được các cơ quan soạn thảo đồng tình, tiếp thu, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc ban hành các cơ chế, chính sách đảm bảo khả thi, phù hợp thực tiễn của địa phương.

Việc triển khai các chương trình giám sát tại một số địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động giám sát của MTTQ các cấp đã tạo điều kiện để các tổ chức và nhân dân phát huy quyền làm chủ, theo dõi, phát hiện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong thực thi chính sách.

Sau mỗi chương trình giám sát, các đoàn giám sát đều chủ động ban hành thông báo kết quả giám sát theo quy định, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Mối quan hệ với các cấp, các ngành và nhân dân ngày càng được gắn bó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập để các tầng lớp nhân dân được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo công bằng, bình đẳng, góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.

Hoàng Hà

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96000//nang-cao-hieu-qua-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-cua-mttq-viet-nam