Nâng cao giá trị vịt bầu Chiêm Hóa

Tháng 11-2016, Trung tâm Dịch vụ huyện Chiêm Hóa phối hợp với Công ty TNHH Hà Đức, thị trấn Vĩnh Lộc thực hiện Dự án 'Chọn lọc, khôi phục và phát triển đàn vịt bầu tại 3 xã Hùng Mỹ, Yên Lập và Kiên Đài'. Sau 4 năm triển khai, dự án đã có hiệu quả tích cực, nâng cao giá trị vịt bầu Chiêm Hóa trên thị trường.

Ông Hà Quang Mai, nguyên Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, Chủ nhiệm dự án cho biết, mục tiêu của dự án là khôi phục lại giống gen quý của vịt bầu Chiêm Hóa. Đây là giống vịt bản địa được nuôi từ những năm 60 của thế kỷ trước, có sức chống chịu bệnh, lớn nhanh, thịt thơm ngon, tỷ lệ nạc cao. Do không chú trọng phát triển nên giống vịt có nguy cơ mai một. Qua khảo sát vị trí địa lý và khí hậu, nhóm thực hiện đã chọn 3 xã Yên Lập, Hùng Mỹ, Kiên Đài bởi ở các địa phương này có diện tích mặt nước lớn, có nhiều ao, hồ nhỏ phù hợp cho đàn vịt phát triển.

Dự án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 tuyển chọn 216 con vịt đủ tiêu chuẩn bố, mẹ đưa về nuôi sinh sản tại Công ty TNHH Hà Đức; giai đoạn 2 sẽ chọn lọc, ấp nở 2.000 con vịt con, cấp cho các hộ dân tham gia, toàn bộ được tiêm các loại vắc xin phòng dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con tuân thủ các quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo hướng an toàn sinh học.

Anh Hoàng Văn Thu, thôn Nà Khà, xã Kiên Đài là 1 trong 7 hộ dân được chọn để thực hiện dự án. Tháng 9 - 2017, anh nhận nuôi 100 con vịt con 7 ngày tuổi, sau 6 tháng nuôi, đàn vịt lớn nhanh, mỗi con trọng lượng từ 1,7 đến 2,2 kg, bán đàn vịt trừ chi phí anh lãi khoảng 10 triệu đồng. Anh cho biết, so với các giống vịt gia đình từng nuôi, giống vịt bầu lớn nhanh, ít mắc bệnh, khi nuôi được tập huấn kỹ thuật, nên hiện nay gia đình tự nhân giống và nuôi theo quy mô lớn.

Cán bộ dự án tham quan mô hình nuôi vịt nhà ông Nông Văn Long, thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ.

Trong quá trình thực hiện dự án đã có 6 lớp tập huấn kỹ thuật cho 200 lượt hộ dân, cán bộ tham gia về kỹ thuật sử dụng máy ấp trứng, cách làm chuồng, úm vịt con theo hướng an toàn sinh học, có sự hỗ trợ của giảng viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Chị Đỗ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Lập cho biết, tại xã có 10 hộ tham gia dự án. Lúc mới nhận nuôi ai cũng bỡ ngỡ, nhưng được hướng dẫn kỹ thuật, được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, 50% kinh phí mua thức ăn nên giờ bà con rất chủ động xây dựng mô hình. Sau 6 tháng nuôi, mỗi con vịt đều có trọng lượng từ 2kg - 2,2kg, đến nay khi dự án đã kết thúc, nhưng số hộ chăn nuôi vịt toàn xã đã tăng lên 60 hộ, nhiều hộ chọn nuôi quy mô lớn vài trăm con, hàng năm thương lái ở Hà Nội, Vĩnh Phúc bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Toàn huyện Chiêm Hóa hiện có gần 1 vạn con vịt bầu tập trung nhiều nhất ở 3 xã tham gia dự án khoảng 7.000 con, mỗi năm huyện xuất bán ra thị trường trên 20 tấn vịt thương phẩm, doanh thu được 4 tỷ đồng. Anh Hà Văn Doãn, Giám đốc Công ty TNHH Hà Đức cho biết: Do được nuôi đúng quy trình, sử dụng đệm lót sinh học BALASA N01, nên vịt bầu Chiêm Hóa có chất lượng thịt ngon, trọng lượng lớn và màu sắc lông đẹp, được thị trường ưa chuộng. Nhiều hộ dân sau khi tham gia dự án đã chuyển hướng sang chăn nuôi vịt quy mô lớn và trở thành các hộ khá, giàu.

Bài, ảnh: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nang-cao-gi%C3%A1-tr%E1%BB%8B-vit-bau-chiem-h%C3%B3a-124199.html