Nâng cao giá trị sản vật bản địa giúp người dân Năm Căn giảm nghèo

Một số HTX ở huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) ngày càng chú trọng việc khai thác và nâng cao giá trị sản vật bản địa như tôm, cua, cá ghẹ… nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Qua đó góp phần giúp cho vùng đất ngập mặn này giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Tại ấp Lung Ðước, xã Tam Giang có HTX Tài Thịnh Phát Farm đang được xem là “điểm sáng” trong hoạt động kinh tế hợp tác ở huyện Năm Căn nhờ vào việc nâng cao giá trị sản vật bản địa, qua đó góp phần giúp cho người dân ở địa phương thoát nghèo.

“Điểm sáng” HTX ở Tam Giang

Như chia sẻ của chị Lê Thị Điều, ở ấp Lung Đước: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong xã. Từ khi ở xã thành lập HTX Tài Thịnh Phát Farm, tôi có công việc để làm, thu nhập ổn định, kinh tế gia đình cũng khá hơn. Việc thành lập HTX đã giải quyết việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn như tôi rất nhiều, nay gia đình tôi đã thoát nghèo, tôi thấy rất phấn khởi.

Tam Giang đang “điểm sáng” trong hoạt động kinh tế hợp tác ở huyện Năm Căn nhờ vào việc nâng cao giá trị sản vậtbản địa.

Bên cạnh việc giải quyết việc làm thường xuyên cho trên chục lao động địa phương, thời gian qua HTX Tài Thịnh Phát Farm đã mở rộng liên kết các hộ dân nuôi thủy sản trong vùng để chủ động và đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Nhờ đó, từ 7 thành viên chính thức ban đầu, đến nay HTX này có thêm 59 thành viên liên kết, là những nông hộ có đất nuôi thủy sản, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, với tổng diện tích trên 160 ha, trong đó, có 50 ha được hỗ trợ và đã được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ (đây là một chứng nhận nhằm kiểm chứng độ an toàn, độ sạch của thực phẩm, góp phần tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước và xuất khẩu).

Ngoài bán các sản phẩm từ cua, tôm cho HTX, các thành viên và hộ dân liên kết còn có thể kiếm thu nhập 4 - 6 triệu đồng mỗi tháng từ nghề lột vỏ cua. Bình quân mỗi tháng HTX cung ứng ra thị trường từ 4 -5 tấn cua tươi sống, từ 100 đến 200kg thịt cua sinh thái, ngoài ra, các sản phẩm làm từ tôm cũng cho ra thị trường khoảng 2 tấn mỗi tháng.

Để mọi người biết đến nhiều hơn các sản phẩm từ cua Năm Căn, HTX còn giúp xây dựng ổn định vùng nguyên liệu, thu nhập cho hơn 50 hộ dân.

Mỗi tháng, HTX này sơ chế từ 500 đến 1.000 kg cua, đạt lợi nhuận từ 30 đến 40 triệu đồng. Mỗi giờ, người lột vỏ cua chuyên nghiệp sẽ lột được khoảng 2kg cua thịt. Những sản phẩm như mai cua, gạch cua được chia ra để bán riêng cho các cơ sở kinh doanh ăn uống.

Tính đến tháng 9/2023, HTX Tài Thịnh Phát Farm đã có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm: Tôm khô sinh thái, thịt cua sinh thái, chả tôm sinh thái và chà bông tôm.

Ngoài ra, 2 sản phẩm của HTX là Tôm khô sinh thái được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 và Thịt cua sinh thái được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực đồng bằng Sông Cửu Long năm 2022. Hiện nay, HTX đang hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm tiềm năng để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vào cuối năm nay đó là mặt hàng cua tươi sống, riêu tôm, tôm nõn.

Dám nghĩ, dám làm

Bà Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát Farm, cho biết từ khi 4 sản phẩm của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao thì doanh số sản phẩm tăng gấp đôi, sản phẩm được nhiều hệ thống siêu thị lớn biết đến. Nếu sản phẩm nâng hạng 4 sao sẽ tạo được sức cạnh tranh lớn trên thị trường cũng như hướng đến thị trường xuất khẩu.

Nhờ HTX Tài Thịnh Phát Farmnângcao giá trị cho thủy sản bản địa đã giúp nhiều lao động địa phương thoát nghèo.

Theo bà Trang, hiện tại HTX đã nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, tăng số lượng lao động. Ngoài ra, HTX còn được cấp giấy chứng nhận HACCP và có chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm tôm sú với diện tích 50 ha.

Từ HTX nêu trên, có thể khẳng định thương hiệu và đưa những sản phẩm chế biến từ sản vật bản địa của vùng đất Năm Căn đến với chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn ở nhiều tỉnh, thành phố và xuất khẩu là cả quá trình, đòi hỏi phải tư duy, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các HTX trong huyện.

Nhất là khi huyện Năm Căn được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật thơm ngon, bổ dưỡng, mang hương vị riêng biệt của vùng ngập mặn Cà Mau như các loài thủy sản tôm, cá, cua, ghẹ…

Đơn cử như HTX Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Năm Căn ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Năm Căn thành lập từ cách đây 4 năm, cũng được xem là điển hình của khu vực kinh tế hợp tác trong việc khai thác, nâng giá trị sản vật bản địa và giúp giảm nghèo cho lao động địa phương.

Thời gian qua HTX này vừa quảng bá sản phẩm bánh phồng tôm của địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, đồng thời cũng nhằm tạo sinh kế cho các chị em nhàn rỗi, giúp chị em có được cuộc sống ổn định hơn.

HTX Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Năm Căn đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phục vụ người tiêu dùng và từng bước khẳng định vị trí trên thị trường cả nước. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập ổn định.

Sản phẩm của HTX được chế biến từ con tôm Năm Căn và các nông sản bản địa, hiện có 4 loại: Bánh phồng tôm, bánh phồng chuối, bánh phồng môn, bánh phồng mít. Mỗi loại sản phẩm, trước khi bán ra thị trường đều được kiểm tra nghiêm ngặt từng khâu như chế biến, thành phẩm, đóng gói…

Tính bình quân mỗi tháng HTX này đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 500kg bánh các loại mỗi tháng, đồng thời ký kết độc quyền thị trường miền Bắc 1.000kg bánh/tháng. HTX có nhiều khách hàng tiềm năng được ký gửi sản phẩm: Các nhà hàng, điểm dừng chân, các cửa hàng tạp hóa…Sắp tới, HTX còn nhiều chiến lược kinh doanh mới nhằm thu hút thị trường các tỉnh.

Hoặc như HTX nuôi cua Tân Hiệp Phát ở xã Lâm Hải - vùng nguyên liệu cua chủ lực của Năm Căn với diện tích hơn 5.000 ha. Thời gian qua HTX này đã xây dựng thương hiệu cua đạt chuẩn OCOP 3 sao. HTX cũng mạnh dạn tìm hướng mới để nâng cao giá trị mặt hàng cua, chẳng hạn như thử nghiệm sản xuất mặt hàng cua 2 da. Nếu thành công, con cua Năm Căn sẽ mang lại lợi nhuận, danh tiếng trên thị trường.

Tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi

Ngoài ra, có thể kể đến một số HTX khác ở huyện Năm Căn đang hoạt động hiệu quả nhờ tận dụng khai thác, nâng cao giá trị sản vật bản địa, đơn cử như: HTX sò huyết giống xã Đất Mới, HTX Cua giống Cái Trăng (xã Hàm Rồng)...

Vùng đất ngập mặn Năm Căn đang giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo nhờ sự góp sức quan trọng của các HTX trong việc khai thác thế mạnh từ các sản vật bản địa.

Vùng đất ngập mặn Năm Căn đang giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo nhờ sự góp sức quan trọng của các HTX trong việc khai thác thế mạnh từ các sản vật bản địa.

Ông Trần Hữu Mành, Giám đốc HTX Sò huyết giống xã Đất Mới, cho biết bình quân mỗi năm hợp tác xã thu hoạch được khoảng 60 tấn sò giống, doanh thu tương đương 7 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, thời điểm vào vụ, số lao động tăng lên trên 30 người.

Để khai thác hiệu quả sản vật bản địa, trong năm 2023 này, cùng với các HTX, toàn huyện Năm Căn nỗ lực để có thêm 12 sản phẩm tiềm năng đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao; nâng hạng cho năm sản phẩm đã đạt 3 sao lên hạng sao cao hơn. Các sản phẩm tiềm năng phát triển mới cũng được chế biến từ tôm, cua, như tôm sú sinh thái ngủ đông, bánh phồng cua, tôm tít...và một sản phẩm mới là yến sào tinh chế.

Theo ông Lê Văn Sin, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, đối với những sản phẩm đăng ký mới, ngành chuyên môn tiếp tục hỗ trợ HTX về các thủ tục pháp lý, hướng dẫn các quy trình thực hiện. Bên cạnh đó, phối hợp với các chi cục, sở, ngành hỗ trợ HTX trong bao bì, mẫu mã sản phẩm, tiếp tục quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại; đa dạng sản phẩm OCOP, đạt chất lượng và xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Tính đến nay toàn huyện Năm Căn hiện có 18 HTX, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp như: Nuôi trồng thủy sản, cung cấp giống thủy sản và chế biến, mua bán các sản phẩm từ thủy sản bản địa. Đây là lĩnh vực mà các HTX hoạt động có hiệu quả và là khu vực kinh tế tập thể chủ lực của huyện Năm Căn.

Đa số các HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Năm Căn ngoài phát triển kinh tế thì góp phần rất lớn vào công tác an sinh xã hội, nhất là giải quyết việc làm cho số lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương, với mức thu nhập khá cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, có một số HTX đang định hướng thị trường xuất khẩu theo sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao hoặc đạt được những chứng nhận an toàn thực phẩm tiêu chuẩn về chất lượng quốc tế để mở rộng thị trường ngoài nước.

Nhờ đó góp phần giúp huyện Năm Căn giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, chỉ còn chiếm 2,3% hồi năm 2022 và đang phấn đấu để tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,3% trong năm 2023 này.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nang-cao-gia-tri-san-vat-ban-dia-giup-nguoi-dan-nam-can-giam-ngheo-1096307.html