Nâng cao chất lượng quản lý địa bàn, hàm lượng nghiệp vụ trong đấu tranh với tội phạm xuyên biên giới

Quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về công tác phòng chống ma túy và tội phạm, thời gian qua, lực lượng BĐBP đã xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống tội phạm giai đoạn 2021-2025. Với sự chủ động, tích cực, các đơn vị Biên phòng đã nắm chắc tình hình địa bàn, thực hiện các kế hoạch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biên giới, vùng biển, đảo đạt hiệu quả cao.

Ngày 12/10/2023, Công an tỉnh Quảng Trị đọc lệnh khởi tố bị can đối với Lò Văn Sanh và Lò Thị Sầu vì đã bán H.T.T, trú tại xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị năm 2018. Ảnh: Trúc Hà

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, trong năm 2023, các đơn vị BĐBP đã đấu tranh thành công 121 chuyên án (trong đó, chủ trì 111 chuyên án), tăng 12 chuyên án so với năm 2022. Tính chung cả năm 2023, BĐBP chủ trì, phối hợp bắt giữ 7.111 vụ/16.524 đối tượng, giảm 464 vụ/1.766 đối tượng so với năm 2022.

Phân tích số liệu kết quả đấu tranh với các loại tội phạm năm 2023 cho thấy, tổng số vụ, tổng số đối tượng phạm tội nói chung giảm. Tuy nhiên, một số loại tội phạm có xu hướng tăng so với năm 2022 như tội phạm ma túy tăng cả về số vụ và số đối tượng bị bắt giữ, xử lý. Cụ thể, năm 2023, BĐBP đã bắt giữ 953 vụ/1.434 đối tượng tội phạm liên quan đến ma túy (tăng 74 vụ/192 đối tượng); thu giữ gần 1,3 tấn ma túy các loại (tăng 249kg). Trong khi đó, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị bắt giữ có giảm nhưng tăng về đối tượng với số vụ bắt giữ là 1.094 vụ/1.278 đối tượng, giảm 217 vụ, tăng 150 đối tượng; tổng giá trị hàng hóa tạm giữ để điều tra, xác minh khoảng hơn 137 tỷ đồng.

Các loại tội phạm khác bị phát hiện, bắt giữ cũng tăng lên so với năm 2022. Trong đó, các đơn vị Biên phòng điều tra, xác minh, bắt giữ 19 vụ/54 đối tượng có hành vi mua bán người (tăng 11 vụ/38 đối tượng), giải cứu, tiếp nhận 34 nạn nhân; 46 vụ/77 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ (tăng 20 vụ/27 đối tượng). Riêng tội phạm xuất, nhập cảnh trái phép giảm mạnh về cả số vụ và số đối tượng bị bắt giữ, xử lý với 1.743 vụ/7.503 đối tượng (giảm 921 vụ/3.309 đối tượng).

Theo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP, điều đáng ghi nhận là chất lượng quản lý địa bàn, hàm lượng nghiệp vụ trong đấu tranh với tội phạm năm 2023 đã được nâng cao. Điển hình là Chuyên án A723p mà Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì, phối hợp với Công an và BĐBP các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum triệt phá đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế với số lượng lớn.

Theo hồ sơ chuyên án, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trong đường dây rất tinh vi, liên quan đến nhiều tỉnh thành có tính chất phức tạp về an ninh chính trị. Từ ngày 15 đến 17/9/2023, các đơn vị đồng loạt phá án, đã bắt 6 đối tượng, thu giữ 14 khẩu súng (11 súng ngắn, 3 súng dài), 310 viên đạn các loại cùng nhiều linh kiện, công cụ, phương tiện dùng để chế tạo súng. Qua điều tra, các đối tượng khai nhận, từ tháng 3/2023 đến 9/2023 đã sản xuất và tiêu thụ gần 50 khẩu súng các loại.

Một trong những kết quả nổi bật nữa là trong công tác đấu tranh với tội phạm buôn lậu. Thời gian trước đây, các đơn vị BĐBP tập trung chống buôn lậu trên biên giới, chủ yếu là các vụ nhỏ lẻ, tuy nhiên, năm 2023, BĐBP tập trung đi sâu vào phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cửa khẩu, với các chuyên án lớn như buôn bán, vận chuyển đường trắng, thu giữ số lượng lớn hàng hóa. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng tập trung chỉ đạo chống buôn lậu trên biển.

Theo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP, trên cơ sở nhiều dấu hiệu chỉ báo khác nhau, dự báo, trong thời gian tới, hoạt động mua bán, vận chuyển chuyển ma túy sẽ gia tăng. Trong đó, số liệu từ các tổ chức quốc tế cho thấy, sản lượng trồng cây thuốc phiện tăng 15-20% so với năm 2022, lượng sản xuất ma túy truyền thống (heroin) ở Myanmar cũng tăng. Cùng với đó, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp của các tổ chức tội phạm là rất lớn.

Trong những chuyên án vừa qua, lực lượng Công an đã phối hợp với BĐBP và cơ quan chức năng Lào phát hiện, bắt giữ nhiều vụ sản xuất ma túy với số lượng lớn tại Thủ đô Viêng Chăn và nhiều tỉnh sát biên giới Việt Nam. Thông qua công tác hợp tác quốc tế, Bộ Công an đã chỉ đạo C04 đấu tranh chuyên án, phát hiện các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) cấu kết với người Lào để vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia, thu giữ 1,3 tấn ketamin và chứng minh các đối tượng đã vận chuyển trót lọt 500kg ketamin từ Việt Nam đi Đài Loan qua tuyến đường biển; đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng Lào đấu tranh, triệt phá nhiều xưởng sản xuất ma túy tại Thủ đô Viêng Chăn, thu giữ nửa triệu lít hóa chất, 81 tấn bột hóa chất dùng để sản xuất ma túy, trong đó có hơn 12 tấn ketamin thành phẩm, hơn 10.000 điếu thuốc lá điện tử.

Cùng với diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, xuất, nhập cảnh trái phép cũng được dự đoán sẽ gia tăng trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng đánh giá, tội phạm mua bán người hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, triệt để lợi dụng tính ẩn danh trên không gian mạng, sử dụng tài khoản ảo, SIM điện thoại không chính chủ để tiếp cận, làm quen nhằm lừa các nạn nhân. Với những thủ đoạn trên và việc hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân của bọn tội phạm khiến công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.

Đáng lo ngại là sự xuất hiện các asino nằm gần biên giới với Việt Nam tại các nước Lào và Campuchia, thu hút lượng lớn nhân lực. Trong khi đó, ở bình diện rộng hơn, khu vực Đông Nam Á tình trạng hoạt động tuyển dụng trực tuyến tại các sòng bạc, cơ sở kinh doanh trò chơi trực tuyến xảy ra ở nhiều nơi, trong đó, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines là điểm đến chủ yếu, Thái Lan là địa bàn trung chuyển. Nhu cầu tuyển dụng người làm việc trong các casino, cơ sở kinh doanh trò chơi trực tuyến... tạo nên làn sóng mua bán người, bóc lột lao động, lừa đảo tiền trên mạng.

Để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết, sẽ tiếp tục chủ động nắm chắc tình hình từ xa, phân tích dự báo sát, đúng tình hình tội phạm trên các tuyến biên giới. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh các chuyên án, các kế hoạch tăng cường lực lượng tại các địa bàn trọng điểm. Cùng với đó, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP sẽ tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ; tiếp tục số hóa tài liệu nghiệp vụ, đồng thời tiếp tục thực hiện công tác nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu; kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm để chủ động triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-cao-chat-luong-quan-ly-dia-ban-ham-luong-nghiep-vu-trong-dau-tranh-voi-toi-pham-xuyen-bien-gioi-post473594.html