Nâng cao chất lượng nghiên cứu, phản biện, tuyên truyền giáo dục lịch sử địa phương

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La lần thứ III (2018-2023), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã có những bước phát triển, giành được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thường trực Hội Khoa học lịch sử trao đổi nghiệp vụ với hội viên Chi hội Sử học Bảo tàng tỉnh tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Thường trực Hội Khoa học lịch sử trao đổi nghiệp vụ với hội viên Chi hội Sử học Bảo tàng tỉnh tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh có 131 hội viên, sinh hoạt tại 4 chi hội trực thuộc gồm: Văn phòng Hội, Chi hội Sử học Bảo tàng tỉnh, Chi hội Sử học Trường đại học Tây Bắc, Chi hội Sử học huyện Phù Yên. Đa số các hội viên của hội có trình độ đại học và trên đại học về chuyên ngành lịch sử, văn hóa và khoa học xã hội nhân văn, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác và hoạt động công tác nghiên cứu khoa học lịch sử, văn hóa địa phương.

Nhiệm kỳ 2018-2023, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, tổ chức các hội thảo khoa học được Thường trực Hội quan tâm. Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo được phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, phân công nhiệm vụ khoa học cụ thể, rõ ràng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ. Các cuộc hội thảo góp phần làm sáng tỏ một số sự kiện, vấn đề lịch sử được tỉnh và các huyện quan tâm. Nổi bật là Ban Chấp hành Hội đã nghiên cứu, tham mưu, giúp Thường trực Tỉnh ủy và một số ban, ngành, đơn vị của tỉnh hoàn thành các đề tài khoa học liên quan đến lịch sử như: “Địa chí Sơn La”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Thuận Châu (1945-2015)”, “Lịch sử phong trào Phụ nữ tỉnh Sơn La (1945 - 2015)”... Trong nhiệm kỳ, Hội đã hoàn thành việc biên tập, in ấn, phát hành cuốn sách “Hậu phương chiến tranh nhân dân tỉnh Sơn La trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)”. Đề tài đã được Viện Lịch sử quân sự Việt Nam thẩm định và đánh giá cao.

Ký kết phối hợp tuyên truyền giữa Hội Khoa học lịch sử tỉnh với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Yên.Ảnh: Ngọc Hòa (CTV)

Ký kết phối hợp tuyên truyền giữa Hội Khoa học lịch sử tỉnh với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Yên.Ảnh: Ngọc Hòa (CTV)

Hội phối hợp với Ban Tuyên giáo các huyện hướng dẫn 16 xã nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ; tổ chức trên 30 cuộc hội thảo về lịch sử Đảng bộ xã trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Hội đã tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo của tỉnh như: Viết tham luận, đóng góp ý kiến tại các cuộc hội thảo, như: Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc 40 năm nhìn lại (1979-2019)”, “Dấu ấn lịch sử 60 năm Bác Hồ về thăm Tây Bắc (1959-2019)”, “Khu căn cứ cách mạng Lao Khô, biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào”, “Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”,“Chi bộ Nhà tù Sơn La - tầm vóc, ý nghĩa và giá trị lịch sử.

Hoạt động tư vấn, phản biện và thẩm định các đề tài về lịch sử địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật như việc tham gia Hội đồng xét duyệt, tuyển chọn, phản biện và nghiệm thu các đề tài cấp tỉnh về lịch sử, văn hóa, xã hội. Những ý kiến phản biện các đề tài “Lịch sử quân sự tỉnh Sơn La 1945-2020”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Yên”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Thuận Châu”, “Lịch sử phong trào Phụ nữ tỉnh Sơn La”... và nhiều đề tài khác được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá cao.

Hội thảo “Ứng dụng công nghệ VR xây dựng mô hình tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La”.Ảnh: Ngọc Hòa (CTV)

Hội thảo “Ứng dụng công nghệ VR xây dựng mô hình tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La”.Ảnh: Ngọc Hòa (CTV)

Đồng thời, Hội tích cực tham gia ý kiến trong việc xây dựng bộ “Địa chí Sơn La” và các tập văn kiện Đảng bộ tỉnh do Ban Tuyên giáo chủ trì; tham gia phản biện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Tiền - Sơ sử vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình” và “Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Tiền - Sơ sử vùng lòng hồ thủy điện Sơn La” do Bảo tàng tỉnh chủ trì; tham gia hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục lịch sử địa phương tỉnh Sơn La do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì...

Bên cạnh đó, Hội cũng đã tư vấn, cung cấp tài liệu, giúp Bảo tàng tỉnh xây dựng hồ sơ một số di tích lịch sử, trong đó có Khu căn cứ cách mạng Việt - Lào, trình Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; Đề án cải tạo và xây dựng bảo tàng gắn với phát triển du lịch và văn bia tại di tích Ngã ba Cò Nòi; cung cấp tư liệu ảnh giúp Bảo tàng tỉnh xây dựng các triển lãm ảnh lớn, như “Vượt ngục 1943”, “Sơn La - 70 năm một chặng đường vinh quang”; cung cấp các cứ liệu lịch sử để xác định thời gian tham gia hoạt động cách mạng đối với một số nhân vật lịch sử...

Hoạt động thông tin tuyên truyền, giáo dục và xuất bản các ấn phẩm lịch sử, trong nhiệm kỳ, Hội đã tổ chức xuất bản 20 số bản tin “Sơn La - xưa và nay” với hàng trăm bài viết có giá trị, phát hành 1.300 cuốn mỗi số đến tất cả hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh, góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống của dân tộc ta.

Nhiệm kỳ 2023 - 2028, với mục tiêu tiếp tục xây dựng Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sơn La vững về tổ chức, mạnh về chuyên môn. Tập hợp đông đảo hội viên có chuyên môn về sử học và các ngành, lĩnh vực liên quan, phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục về lịch sử cách mạng của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì mục tiêu xây dựng quê hương Sơn La ngày càng giàu đẹp. Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh, các sở, ban ngành, các huyện, thành phố, xã, phường; sưu tầm tư liệu lịch sử địa phương; nghiên cứu, giới thiệu các nhân vật, sự kiện lịch sử tiêu biểu; tư vấn, thẩm định, phản biện các đề tài khoa học lịch sử, các đề tài khoa học xã hội và nhân văn theo yêu cầu nhiệm vụ được phân công. Nghiên cứu triển khai tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương trên các nền tảng số; giáo dục truyền thống lịch sử, nhất là trong trường học và thế hệ trẻ.

Chi hội Khoa học lịch sử Trường đại học Tây Bắc và Chi hội Khoa học lịch sử huyện Phù Yên trao đổi tư vấn khai thác tài nguyên du lịch.

Chi hội Khoa học lịch sử Trường đại học Tây Bắc và Chi hội Khoa học lịch sử huyện Phù Yên trao đổi tư vấn khai thác tài nguyên du lịch.

Hai là, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học lịch sử địa phương; nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảm bảo chất lượng nội dung. Phối hợp với các ngành, các địa phương, cơ sở tổ chức tốt các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi, học tập kinh nghiệm nâng cao hoạt động công tác nghiên cứu khoa học lịch sử.

Ba là, bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động của Hội và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác của Hội. Xây dựng kế hoạch công tác cụ thể theo tháng, quý, năm. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng bản tin “Sơn La xưa & nay” phục vụ kịp thời cho công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử - văn hóa địa phương.

Bốn là, tăng cường củng cố tổ chức Hội, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phát triển hội viên, nhất là phát triển hội viên ở ngành giáo dục, các trường học và chi hội ở các đơn vị, địa phương trong tỉnh và có hướng dẫn hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Năm là, quan tâm bồi dưỡng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức, hội viên. Tăng cường hoạt động, kết nối trong nghiên cứu và biên soạn lịch sử.

Sáu là, phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, thống nhất tư tưởng, hành động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đúng nội dung, phần việc theo chức năng, nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng công tác hội, đẩy mạnh các hoạt động của hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhiệm kỳ IV (2023 - 2028), Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La quyết tâm xây dựng Hội ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần tích cực vào nhiệm vụ nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương; tư vấn, phản biện và thẩm định các vấn đề liên quan đến lịch sử địa phương, khẳng định vị trí của Hội là thành viên tích cực của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Sơn La, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh.

Nguyễn Vũ Điền, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-phan-bien-tuyen-truyen-giao-duc-lich-su-dia-phuong-MsqVKQkSg.html